Đặng Vương Hưng - Nhật ký lục bát buồn vui mỗi ngày

30/12/2021 18:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tập thơ Lục bát mỗi ngày của đại tá, nhà thơ Đặng Vương Hưng vừa đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội. Cầm cuốn sách in trang trọng với gần ngàn bài thơ trên tay với bao cảm xúc.

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Thơ Đặng Vương Hưng: Muôn màu cung bậc tuổi thơ

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Thơ Đặng Vương Hưng: Muôn màu cung bậc tuổi thơ

Năm 2021, nhà thơ Đăng Vương Hưng ra sách in 942 bài thơ lục bát của mình.

Đọc trọn vẹn tập thơ, tôi tìm thấy trong đó nét văn hóa Kinh Bắc quê ngoại tôi - thời xe mang biển số 13, thời Hà Bắc chưa chia để tái lập hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang (1996)…

Đặng Vương Hưng sinh ngày 15/2/1958 vào thời điểm giáp Tết chuyển giao năm Đinh Dậu sang năm Mậu Tuất tại xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Tổ quán của anh ở Hưng Yên.

Chú thích ảnh
Bìa sách “Lục bát mỗi ngày”

Năng khiếu văn chương sớm bộc lộ.18 tuổi, anh nhập ngũ. Khi “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”, chàng trai Bắc Giang có mặt ở biên giới phía Bắc, được biên chế vào đơn vị E199, F347, Tràng Định (Lạng Sơn) - nơi có điểm cao 820. Nhờ có năng khiếu văn chương, anh mạnh dạn gửi chùm thơ viết tại biên giới Lạng Sơn Thư gửi mẹ, Dáng núi, Ngủ rừng, Trăng trên chốt tham gia dự thi Cuộc vận động sáng tác văn - thơ và ca khúc cho thanh niên do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức. Duyên văn chương đã đưa anh từ Sư đoàn 347 về nhận nhiệm vụ Trợ lý Phòng Tuyên huấn Cục Chính trị Quân khu I. Vẫn cơ duyên văn chương, báo chí đã đưa anh về Thủ đô làm biên tập viên Nhà xuất bản Công an nhân dân; biên tập viên, phóng viên Báo An ninh thế giới, Văn hóa văn nghệ Công an…

Đặng Vương Hưng như tôi biết

Trải nghiệm ở nhiều vị trí công tác giúp anh hiện thực hóa niềm đam mê văn chương. Anh hiểu không trường lớp nào có thể dạy người ta trở thành nhà văn. Nhưng đã là người viết văn thì ngoài năng khiếu trời cho thì rất cần được bồi dưỡng kiến thức nền, làm đầy đặn phông văn hóa. Vì lẽ đó, ngoài học Luật, anh đã học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 3 (1986-1989) cùng các nhà văn Bảo Ninh, Dương Kiều Minh, Nguyễn Quốc Trung, Hoàng Quảng Uyên, Phạm Đức, Nguyễn Thái Sơn… để từ đó thêm hành trang viết cho mình.

Chú thích ảnh
Thiếu úy Đặng Vương Hưng trên điểm cao 820 (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) sau trận pháo kích. Ảnh Tư liệu

Tác phẩm đầu tiên đăng báo năm 1976 đánh dấu “cái thuở ban đầu” của chàng trai trót “đa mang” văn chương. Sau một con giáp (1988), anh tự tin trình làng tập thơ đầu tiên có tựa đề Đang yêu tràn đầy năng lượng yêu. Và tính đến thời điểm này, anh là chủ sở hữu 8 tập thơ cùng nhiều tác phẩm văn xuôi.

Đặng Vương Hưng “tự họa”bức chân dungvui vui về mình: “Mộng mơ ngày tháng mỏi mòn/ Chưa vuông nhà cửa, chưa tròn công danh... Bỏ làng xóm, ra thị thành/ Từ rừng về phố, vẫn anh quê mùa”…Tự nhận mình là “anh quê mùa…từ rừng về phố”: “Một hôm vớ vẩn luận bàn/ Gia tài gom góp thấy toàn văn, thơ…/ Suốt ngày chỉ mộng, với mơ!/ Khi vui hớn hở, khi vơ vẩn buồn...Làm thơ bởi tội giời đày…Bao giờ lên tới cao xanh/ Mình sẽ thanh thản hóa thành mây bay (Tự thấy); Vô tình gặp gỡ nhau thôi/ Mà em cứ để cho tôi nhớ hoài/ Bởi vì tôi chẳng đẹp trai/ Nhà quê một cục ít ai ngố bằng” (Bởi vì em rất đàn bà)…

Chú thích ảnh
Tác giả cùng nhà thơ Đặng Vương Hưng (bìa phải) tại Tọa đàm "Tôi tự hào là người Việt Nam"

Đọc các tập thơ, điều dễ thấy anh có duyên với thể thơ lục bát “Thả câu Sáu Tám lên trời/ Nhớ đừng quên gửi theo lời mẹ ru/ Chắp tay lạy cụ Nguyễn Du... “(Hai lạy cụ Nguyễn); “Lá đa vẫn rụng sân đình/ Câu thơ Lục Bát cho mình gần ta...” (Thơ tình lá đa)...

Tác phẩm đã xuất bản

- Tập thơ (8): Đang yêu (1988), Dâng hiến (1993), Thời tôi mang áo lính (1994), Lửa thức (1996, thơ thiếu nhi), Gửi người trong mơ (1997), Học quên để nhớ (lục bát và lời bình, 2001, 2003), Phố quê (2019) và Lục bát mỗi ngày (2021)

- Văn xuôi: Tâp truyện ngắn Người bạn gái (1980, in chung với Xuân Lục); tiểu thuyết Tin đồn (1991); truyện vừa Đêm ma trơi (1989); truyện thiếu nhi Viên ngọc kỳ diệu (1992); phóng sự và tư liệu Chạy trốn và mất tích (2000); tạp văn chọn lọc Nếu tôi là tỷ phú (2003); Đa tài và đa tình (2005, chuyện làng văn nghệ), Những lá thư thời chiến Việt Nam (2005-2015, tư liệu). Nhật ký thời chiến Việt Nam (Chủ biên, 2020) là công trình tâm huyết được thực hiện trong 16 năm (2004-2020).

“Chồn chân lại muốn về nơi sinh thành”

Lục bát mỗi ngày (2021) là tập thơ thứ 8 gồm gần một ngàn bài thơ lục bát được anh sáng tác trong trong suốt 40 năm (1980 - 2020).

Mỗi ngày, nhà thơ đón nhận, nâng niu cuộc sống, con người đưa vào thơ. Mỗi trang nhật ký thơ ăm ắp cảm xúc của thi nhân gửi vui buồn vào đó. Đọc cả ngàn bài thơ, tôi nhận thấy nội lực rất đáng nể của một nhà thơ chọn thể thơ lục bát - thể thơ dân tộc thể hiện những cung bậc cảm xúc của mình.

Chú thích ảnh
Thiếu úy Đặng Vương Hưng (bìa trái, ngồi) cùng đồng đội trên điểm cao 820 (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) sau trận pháo kích

Điều dễ nhận thấy trong cả tập thơ là bầu khí quyển làng quê đậm đặc, vây bọc đến mức dẫu đã trở thành công dân Thủ đô cũng không làm vơi tình quê đậm đà. Thi nhân tự thú dẫu có đi cuối đất cùng trời, mình vẫn chỉ là “người nhà quê”: “Anh vừa ngố lại vừa nghèo/ Nhà quê guốc mộc vớt bèo nướng khoai” (Cũ…). Vì thế, đi đâu anh trở về quẩn quanh với làng, với quê. Đó là mảnh hồn làng đi đâu ai cũng nhớ về. Đó là người quê hồn hậu, chất phác. Sự trở về thân thương thể hiện ngay từ tựa đề đề thơ với: Cổng làng, Chùa làng, Quà quê, Cơm quê, Về quê nhặt cỏ, Giếng làng, Rơm vàng…

Đọc Lục bát mỗi ngày hiện lên kiến trúc làng quê Việt Nam quen thuộc, thân thương, gắn bó với người nông dân từ ngàn đời cùng lũy tre làng.

Dẫu rời quê đến chốn thị thành, nhà thơ thao thiết:“Chồn chân lại muốn về nơi sinh thành; Về quê bỗng thấy thảnh thơi/ Ra đồng lội ruộng nghe lời trẻ trâu/ Thần tiên giờ ở nơi đâu?/ Có còn cổ tích ngẩng đầu tìm xem” (Lời tự ngắm mình); Về quê chơi với trẻ trâu/ Cởi trần lội ruộng đi câu ao làng…/ Về quê chơi với trẻ trâu/ Hồn nhiên mưa nắng còn lâu mới già (Về quê chơi với trẻ trâu). Hò hẹn trong không gian làng quê lãng mạn “Cái đêm ngồi cạnh bờ ao/ Nghe tiếng chẫu chuộc trăng sao mờ dần” (Đêm hò hẹn).“Người quê tìm về chốn quê bình yên Nhớ xưa tám cũng thành mười/ Về quê tìm lại nụ cười bỏ quên” (Quả cau năm ấy)...

Về quê là tìm về chốn bình yên thiền định. Ngôi chùa làng đón thi nhân trút bỏ mọi ưu phiền. Lời khấn cầu sao của người con xa quê sao mà xa xót “A di đà Phật, cùng ra chùa làng...Ta cầu cái chẳng ai ham”; và “Chỉ xin sáng tỏ chính - tà” (Chùa làng). Chỉ có thi nhân hiểu buông bỏ cho tâm an hòa là cách ứng xử nhân văn nhất.

Chú thích ảnh
Nhà văn Đặng Vương Hưng (thứ 5 trái sang) cùng các nhà văn Quân đội tại Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ III -12/1985 (trái sang): Phạm Hoa, Nguyễn Hoa, Ngọc Bái, Trần Đăng Khoa, Ngô Vĩnh Bình, Lương Hiền, Lê Lựu và Dương Duy Ngữ

Yêu quê, nhà thơ chạnh lòng trước biến đổi của thời kỳ đô thị hóa. Bờ xôi ruộng mật đã thành khu công nghiệp. Người nông dân quê chân lấm tay bùn đã trở thành công nhân. Có chút chạnh lòng làng lên phố: “Thời nay nhiều xã thành phường/ Xóm thôn thành phố con đường rộng ra…Sáng đèn tắt lửa một mình/ Nửa quê nửa phố vô tình mà đau” (Phố làng). Không tâm trạng sao được khi “Bờ xôi, ruộng mật… ở đâu?/ Cánh đồng thưa vắng con trâu cái cày/ Qua thời cấy lúa trồng đay/ Nhà nông giờ đã trắng tay lâu rồi…/ Bão giông xao xác lũy tre/ Nhớ trăng diều sáo đêm hè ngẩn ngơ” (Bờ xôi, ruộng mật).Cánh cò bay lả bay la trong ca dao đâu còn khiến cò cũng mồ côi “Bờ xôi ruộng mật đâu còn như xưa/ Một mình chở nắng cõng mưa/ Thương con cò trắng như vừa xa quê” (Mồ côi); “Gọi cho còn mãi quê nhà/ Cho chú Cuội nhớ gốc đa lại về” (Gọi chiều rơm rạ)…

Biết yêu từ thuở chưa mình, chưa ta

Tình yêu, nhất là tình yêu lứa đôi chiếm một phần quan trọng trong Lục bát mỗi ngày và các tập thơ khác của Đặng Vương Hưng. Anh tự thú “Đa tài là lộc của trời/ Đa tình là lộc của người đang yêu” (Đa tài và đa tình); “Giời sinh ra đã biết yêu/ Đa tình nên cũng đã liều mấy phen” (Tặng người tôi yêu); “Ngày xưa chẳng biết em xinh/ Còn tôi thật ngố đi rình tặng hoa/ Bao lần dối mẹ dối cha/ Bây giờ em của người ta mất rồi” (Ngày xưa)...

Lục bát mỗi ngày có nhiều bài thơ tự độc thoại, tự răn mình, tự tìm cách ứng xử: “Thôi đành méo cũng cho tròn/ Cái tình có mất vẫn còn cái nhân/ Thôi đành im lặng cho gần/ Để xem mưa gió còn cần nhau không/ Thôi đành lặng lẽ qua sông/ Ta về đêm ấy chẳng mong có đò” (Lặng lẽ qua sông). Tự tại vượt lên khỏi buồn đau đón chờ hạnh phúc “Buồn vui mấy cũng mỉm cười cho qua” (Buồn và vui); “Ngủ đi cho hết buồn đau/ Sớm mai hạnh phúc bắt đầu từ đây” (Tự ru mình)....

Tôi vẫn chờ đọc những bài thơ lục bát chưa viết của anh, nối dài Lục bát mỗi ngày…

"Bộ sưu tập" giải thưởng của Đặng Vương Hưng

Giải thưởng, tặng thưởng: Giải A (duy nhất) Cuộc vận động sáng tác văn – thơ và ca khúc thanh niên do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức (1981-1983); Giải B (không có giải A) Cuộc thi thơ Cao Bằng (1979-1984); Tặng phẩm thơ hay của tạp chí Văn nghệ quân đội (1985); Bằng khen của Bộ Văn hóa - Thông tin có công sưu tầm, biên soạn và giới thiệu cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi 20 của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc (2005); Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục gia: "Nhà văn Đặng Vương Hưng - Nhà văn Việt Nam đầu tiên tổ chức Cuộc vận động Sưu tầm và Xuất bản bộ sách Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam (2012); Giải Tôn vinh Cuộc vận động Sáng tác và Xét chọn các tác phẩm Văn học - Nghệ thuật 70 năm về đề tài Thương binh - Liệt sĩ và người có công với Cách mạng do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức cho Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam (2017); Giải Báo chí toàn quốc năm 2000 ghi chép Có một nàng dâu bán bia hơi ở vùng than; 2 kỷ lục Quốc gia của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tôn vinh giá trị bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam (2020)…

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm