Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Thơ Đặng Vương Hưng: Muôn màu cung bậc tuổi thơ

10/11/2021 20:07 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2021, nhà thơ Đăng Vương Hưng ra sách in 942 bài thơ lục bát của mình.

Nhà văn Đặng Vương Hưng: Đời người đâu phải chỉ màu hồng…

Nhà văn Đặng Vương Hưng: Đời người đâu phải chỉ màu hồng…

Nhà văn Đặng Vương Hưng, người sáng lập tủ sách Chuyện đời tôi (còn được gọi là “Tự chuyện bình dân”) đã thành công ngoài dự kiến. Hơn 50 nhân vật, đồng thời là tác giả, đã trình làng

Ông cũng là người có sáng kiến mở lễ hội thơ lục bát vào ngày 6/8 Âm lịch hằng năm, và đã tổ chức liên tục từ 2008 tới 2018; là người chủ trương trang mạng “lục bát Việt Nam” (lucbat.com) thu hút hàng vạn người viết và người đọc. Nhưng Đặng Vương Hưng còn những đóng góp khác cho đời sống văn học.

Từ 1996 ông đã có tập thơ Lửa thức (NXB Đồng Nai) viết cho thiếu nhi bằng nhiều thể thơ. Thơ thiếu nhi của ông được tuyển vào nhiều sách tiếng Việt cấp tiểu học, bộ mới. Sách Tiếng Việt 1 bộ Cùng học để phát triển năng lực chọn từ Lửa thức bài Giàn gấc, rất thiếu nhi: “Giàn gấc đan lá/ Xanh một góc trời/ Gió về gió quạt/ Mát chỗ em ngồi// Trái gấc xinh xinh/ Nắng vàng chín đỏ/ Bao nhiều mặt trời/ Ngủ say trong đó”.

Các thầy cô nên biết…

2 khổ thơ trong bài Giàn gấc là 2 góc nhìn khác nhau. Ở khổ thứ nhất nhà thơ nhìn bao quát, thấy toàn cảnh cây xanh do con người trồng, nối mặt đất với trời xanh. Chính những lá gấc bắc thang giao lưu giữa đứa bé “em” - nhân vật thơ ca với thiên nhiên chung quanh, đang theo gió mát tìm về.

Xuống khổ thứ 2, góc nhìn thuộc về nhân vật thơ ca - đứa bé. Nó nhìn bằng tưởng tượng để theo đường nắng đang nhuộm chín trái gấc mà thấy màu đỏ. Chính màu đỏ đẩy tưởng tượng lên cao hơn. Mỗi trái gấc tròn vo và đỏ rực là ông trời ngủ. Dưới “giàn gấc” đứa bé đang thức canh giấc ngủ những ông trời!

Chú thích ảnh
Nhà thơ Đặng Vương Hưng

Thơ Đặng Vương Hưng trong Tiếng Việt 1 bộ Chân trời sáng tạo là bài Như bông hoa nhỏ:

“Không mọc lên từ đất/ Chẳng rơi xuống từ trời/ Mà như bông hoa nhỏ/ Được yêu thương suốt đời//Là hoa của bố mẹ/ Là hoa của thầy cô/ Như mỗi lần đi học/ Mưa nắng đều xòe ô//Bao nhiêu bạn trong lớp/ Bấy nhiêu màu hoa tươi/ Một bông hoa biết hát/ Cả vườn hoa biết cười”...

Nhìn trang giáo khoa này ta thấy, một bài thơ 3 khổ mà có đến 5 tranh minh họa. Đấy là cách mà các nhà soạn sách giúp học sinh lớp 1 dễ nhận ra ý thơ - mỗi học sinh trong lớp là một bông hoa xinh đẹp, cả lớp là một vườn hoa tươi được yêu thương, chăm sóc. Ý thơ đã rõ, nhưng mạch thơ có những bước nhảy quá dài, học sinh không theo kịp. Cho nên, với khổ thơ thứ 2, người viết bài thấy cần giúp học sinh hiểu ra - bố mẹ và thầy cô chính là những người “xòe ô” che nắng mưa cho những đóa hoa học sinh trên đường tới trường. Hiểu thế để mạch thơ được nhất khí, liền ý- những hoa kia, “Được yêu thương suốt đời”.

Các nhà biên soạn giáo khoa còn lấy một trích đoạn bài Cánh diều của Đặng Vương Hưng đưa vào sách Tiếng Việt 2 cũng bộ Chân trời sáng tạo: “Diều no gió bay/ Chim hót xanh cây/ Mùa Thu quả chín/ Trời xanh nắng đầy”.

Khổ thơ chỉ 4 dòng mà có tới 8 thành phần thơ ca, nhìn thấy từ 4 mối quan hệ, gió-diều, chim-cây, mùa - quả, trời - nắng. Sự tương giao của từng cặp đôi thơ ca ấy, thúc đẩy vòng tuần hoàn ngoài thiên nhiên, hướng tới sự viên mãn - “no” - “xanh”-“chín” - “đầy”. Tất nhiên, đứa trẻ lớp 2 chẳng cần biết những “tuần hoàn” với “viên mãn” kia, các em chỉ cần đọc lưu loát 16 âm tiết được trích và viết đúng 3 từ “bay”, “cây”, “đầy” theo như yêu cầu của sách! Nhưng thầy cô của các em thì nên biết, để có hứng giảng dạy, có thể giải đáp thắc mắc, nếu ai đưa ra!

Các cung bậc của thế giới tuổi thơ

Thế giới tuổi thơ là một đề tài xuyên suốt trong thơ Đặng Vương Hưng. Ngoài Lửa thức tuổi thơ còn nhiều trang trong Lục bát mỗi ngày (NXB Văn học, 2021) của ông. Có cả trăm bài viết về tuổi thơ trong số gần nghìn bài của cả tập Lục bát mỗi ngày.

Trong sách này, tuổi thơ là lũ mục đồng hôm nay, là các Đinh Bộ Lĩnh thì hiện tại, chờ ai già nua muốn trẻ lại: “Về quê chơi với trẻ trâu/ Cởi trần lội ruộng đi câu ao làng/ Thò tay bắt chú cua càng/ Giật mình đỉa bám hét vang cánh đồng”. Hét vang, giải tỏa hết cằn cỗi, rồi tự tin nhìn vào tương lai: “Về quê chơi với trẻ trâu/Hồn nhiên mưa nắng còn lâu mới già”…

Chú thích ảnh
Bài thơ “Như bông hoa nhỏ” của Đặng Vương Hưng trong sách “Tiếng Việt 1”

Đề tài về quê tìm tuổi thơ được khai thác tới 2 lần trong tập. Lần sau về quê như để tự kiểm tra niềm tự tin trẻ mãi, đưa ra ở lần trước, là có thật không: “Về làng ngắm tuổi thần tiên/ Bỏ bon chen vứt muộn phiền phố xa/ Bao năm ta lại là ta/ Cởi trần chạy nhảy như là trẻ trâu”. Từ “chơi với” lần trước, nay trẻ hơn, trẻ “như là” các tuổi thần tiên. Nhưng cũng đã hết trẻ con rồi, vì đã biết: “Hỏi thăm bà cụ nhai trầu/ Cô hàng xóm cũ ở đâu bây giờ”. Hỏi rồi cùng bạn đọc nhớ lại một tuổi thơ đăng đối giữa nghịch ngợm và mộng mơ. Bên con trai:“Trong lũ trẻ ấy có tôi/ Cái hồi đánh đáo, cái hồi chăn trâu/ Da đen cháy nắng từ lâu/ Trần truồng nhảy xuống ao sâu nghịch hoài”. Bên con gái thì: “Trong lũ trẻ ấy có em/ Nụ cười bẽn lẽn chẳng thèm nhìn ai”. Và rồi “Giật mình con gái con trai/ Một hôm lớn vổng thành hai đứa mình”.

Lớn thành đôi bạn của thời“tuổi thơ rơm rạ”: “Đêm trăng đập lúa thân quen/ Tuổi thơ rơm rạ thắp đèn thay sao/ Đuổi theo đóm đóm bờ ao/ Giật mình chó sủa, lạc vào nhà ai”.

Thế giới tuổi thơ trong tập Lục bát mỗi ngày là những bài Đặng Vương Hưng viết “về” thiếu nhi (kể cả tuổi mới lớn) chứ không phải viết “cho” thiếu nhi như trong tập Lửa thức. Vì thế Đặng Vương Hưng mạnh dạn thể hiện cả vùng còn tối trong thế giới ấy.

Tuổi thơ cũng là tuổi của những đứa bé mất quyền trẻ em “ở xóm bụi đời” những đứa bé: “Chưa lớn thì đã phải già/ Dẫu còn cha mẹ... vẫn là mồ côi/ Trẻ con ở xóm bụi đời/ Như cỏ dại dưới nắng trời hoang vu/ Bây giờ chưa đến mùa Thu/ Vành trăng tròn trặn hình như xa vời”… Tết Trung Thu chưa đến với các em! Nhưng lạ chưa: “Đêm đêm ở xóm bụi đời/ Hồn nhiên chúng hát chúng cười như không”.

Tết Nguyên đán cũng quên các em: “Tết hình như vẫn mải chơi/ Lang thang đâu đó quên mời về đây/…Tết chưa về đến nơi này/ Trẻ em chẳng có dép giày để đi/ Hồn nhiên chúng vẫn cười khì”.

Các em hồn nhiên sống. Hồn nhiên chịu đựng. Hồn nhiên tha thứ. Hồn nhiên cứu rỗi. Thế giới tuổi thơ trong Lục bát mỗi ngày đủ các cung bậc ấy!

Một phóng sự - hồi ký chiến tranh giàu chất văn học

Tủ sách nhật ký thời chiến Việt Nam mà nhà thơ Đặng Vương Hưng tổ chức có nhiều tác phẩm tạo thành hiện tượng xã hội. Như Mãi mãi tuổi 20 của Nguyễn Văn Thạc. Nhưng đọc văn xuôi Đặng Vương Hưng tôi thích nhất phóng sự - hồi ký Sự thật về vụ tập kích cứu phi công Mỹ tại Sơn Tây.

Đây là một tác phẩm viết khéo! Có súng đạn, khói lửa của một cuộc tấn công thật sự, có ly kỳ hoạt động biệt kích, gián điệp và chiến tranh khí tượng, lại có tường thuật tại chỗ về trận tấn công kia của một bà bán gà hoạt ngôn. Tôi thích vì viết về Sơn Tây mà hồi ký lại bắt đầu từ nhà giam Hỏa Lò Hà Nội, nơi Thượng tá quản giáo Hoắc rất nổi tiếng, kể chuyện: Tàu bay của phi công Mỹ John McCain trúng đạn của tự vệ Hà Nội, ông ta nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch, bị bắt nhốt vào đây -“Hilton Hà Nội” - và chính thượng tá Hoắc, dẫn ông ấy trở lại thăm nhà tù xưa.

Tôi thích hồi ký này còn là vì, tôi tự nhận mình là người trong cuộc ở vòng…giữ xe. Đêm Hiến chương nhà giáo 20/11/1970, chúng tôi uống rượu vui tới lúc, máy bay trực thăng Mỹ đã thả biệt kích Mỹ xuống nhà giam phi công Mỹ- không có một tù binh nào - thì chúng tôi leo lên sân thượng xem…bộ đội ta tập trận trên thực địa trại giam! Cho nên địa bàn mà nhà văn Đặng Vương Hưng tả trong sách, nơi có trại giam ấy, nơi biệt kích Mỹ bỏ lại một trực thăng gãy cánh quạt, dồn nhau vào chiếc trực thăng kia, thối lui, là nơitôi qua lại hằng ngày:

“Trại giam Xã Tắc nằm trên địa phận của xóm Cầu Cộng, thôn Vân Gia, xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây… Nằm giữa cánh đồng lúa, có đê bao quanh…. Từ thị xã Sơn Tây muốn vào Xã Tắc phải qua một chiếc cầu nhỏ bắc qua sông Tích. Đó là con đường độc đạo, khá hiểm yếu xét về mặt bố phòng quân sự. Cầu sông Tích, đêm 20/11/1970 quân biệt kích Mỹ đã đặt chất nổ phá sập để ngăn chặn lực lượng tiếp viện của bộ đội...”.

Cây cầu gỗ được bắc lại chỉ mấy ngày sau cuộc giải cứu thất bại. Ngày 6/12/1998, nhà thơ Đặng Vương Hưng, bắc thêm cây cầu văn học Sự thật về vụ tập kích cứu phi công Mỹ tại Sơn Tây để người Sơn Tây chúng tôi, lúc nào cũng có thể trở lại chuyện xưa!

Vài nét về Đặng Vương Hưng

Đặng Vương Hưng sinh 1958, cử nhân luật, từng học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 3, vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000. Anh đã xuất bản hơn 50 đầu sách gồm thơ, truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, hồi ký, phóng sự, sưu tầm, biên khảo… Riêng tập thơ Học quên để nhớ đã được nối bản và tái bản tổng cộng gần 100.000 bản in. Đặng Vương Hưng hiện sống tại Hà Nội.

(Còn tiếp)

Lý Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm