'Chơi tranh cũng lắm công phu' (Bài 2): Cảm ơn cái đói đã ‘thúc’ tôi vẽ tranh!

06/02/2019 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Năm 2013, họa sĩ Đỗ Đức đã cùng báo Thể thao và Văn hóa mang những bức tranh vẽ cao nguyên đá của ông lên triển lãm ngay tại phố cổ Đồng Văn (Hà Giang) để tri ân đồng bào. Ông còn bán đi 2 trong số các bức tranh đó để xây nhà cho 2 hộ nghèo. Trước khi là họa sĩ thành danh, Đỗ Đức đã có nhiều năm mày mò bán tranh kiếm sống. Và dưới đây là dịp hiếm hoi, ông chia sẻ thành thực câu chuyện bán tranh của mình.

Họa sĩ Đỗ Đức đang bày tranh ở Paris

Họa sĩ Đỗ Đức đang bày tranh ở Paris

Hôm nay (2/7), tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở Paris sẽ khai mạc triển lãm tranh in khắc của hai họa sĩ Đỗ Đức và Lê Huy Tiếp.

1. Tôi đã vẽ bưu thiếp để kiếm sống cuối những năm 80 thế kỉ trước. Tôi vẽ bằng mực tàu và màu nước trên giấy dó. Kéo dài gần mười năm rồi dừng, khi mà nhiều người bắt chước làm theo tốt xấu lẫn lộn thì tôi dừng hẳn. Ban đầu cũng xuất phát từ cái đói mờ mắt, phải kiếm tiền để nuôi gia đình.

Trước đó vẽ tranh, cả năm bán được vài ba bức, người xin thì sẵn nhưng người mua không có. Tôi vẫn đùa rằng bán tranh là câu cá đại dương, mười người bán thì có một người mua. Mà lúc ấy chỉ có người nước ngoài mua thôi.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Đỗ Đức, tác giả bài viết, từng bán 2 tranh để xây 2 ngôi nhà cho đồng bào ở cao nguyên đá Đồng Văn

Khoảng những năm 1986 có lần bán được bức tranh ba ngàn đồng, nhà tôi nhẩm tính: “Anh ơi, bức tranh này bằng hơn ba năm lương” (lúc ấy lương đại học có 64 đồng) lại đúng lúc lạm phát chạy nhanh như ngựa vía, tiền mất giá hàng ngày, nên ba năm lương với gia đình 5 khẩu ăn chỉ 3 tháng là xoắn!

Nhìn vợ hàng ngày ghi sổ chia tiền cân đối cái ăn tôi xót ruột mà chẳng biết làm thế nào. Có hôm cô ấy bảo: “Anh ơi, hay là mình đánh rơi mất tiền”. Rồi cộng lại hóa ra không phải. Nhiều khoản chi quá, tiền nong rối beng!

2. Một hôm lân la ở của hàng văn hóa phẩm, thấy khách du lịch họ chọn mua cả xấp bưu thiếp loại potscard là thứ phổ biến trên thị trường. Tự nhiên đầu tôi nảy ra: Hay thử làm bưu thiếp xem sao?

Lại nghĩ: Mỗi khách du lịch khi về nước họ hay vét túi lấy đồng tiền nhỏ mua bưu thiếp là thứ hàng lưu niệm văn hóa. Đúng rồi, trăm khách du lịch thì may có hai ba mống mua tranh. Còn trăm khách có thể cũng hai phần ba nó mua bưu thiếp. Mười người mua thôi mình đã đủ sống rồi. Tôi thấy là làm bưu thiếp có thể kiếm sống.

Chú thích ảnh
Tiểu họa khuôn khổ 5x7cm của Đỗ Đức

Nhưng làm theo cái người đi trước thì mình chẳng bén gót. Phải tìm miếng đất trống cắm cây mạ thì mới ra thóc. Thế là tôi chọn thử vẽ tay trên giấy dó. Thử cái xem sao vì chưa có ai làm. Vả lại đó là việc khó!

Bây giờ cũng chẳng nhớ mình làm từ lúc nào, chỉ biết khi món hàng đầu tiên gửi thì bán được ngay. Một ngày đi vài chục tấm.

Quá bất ngờ vì là thứ hàng mới không có trên thị trường, nên bán rào rào, bao nhiêu cũng hết. Chỉ trong ba tháng thôi mà tôi đưa gia đình thoát khỏi cái đói triền miên bao nhiêu năm bằng hàng bưu thiếp vẽ.

Giờ muốn ăn muốn mua gì cũng có tiền, không phải cắm cúi cân đối ngân sách nữa. Tháng Noel và Tết thường thu nhập vài triệu đồng. Đột biến có khi đến 6 triệu. Một số tiền không hề nhỏ khi đồng lương mới ba, bốn trăm ngàn.

Tôi vẽ liên miên vào những buổi tối, nhớ gì vẽ nấy, trên rừng dưới biển không gì là không vẽ. Một trăm tấm thiệp là một trăm cái khác nhau. Mẻ hàng gửi vài trăm cái có ba bốn hôm đã bán hết, vì có khách vào chọn nhặt cả lúc đến vài chục tấm, ba bốn khách là đã hết hàng. Thật quá bất ngờ!

Chú thích ảnh
Tranh khắc dập nổi (5x6cm) của Đỗ Đức

Ž3. Một hôm ngồi chơi nhà một anh làm bên ngành ngoại thương, bất chợt tôi thấy cái búa “quả gạo” Sony bé xíu để đóng đinh guốc, tôi buột miệng bảo: Sony là hãng điện tử lớn của Nhật, đây có phải búa của họ không. Anh bạn gật đầu bảo, đó là hàng quảng cáo. Họ biết cái búa nhỏ trong nhà rất cần cho những việc vặt mà vợ con nhà nào cũng có lúc dùng đến. Mỗi lần cầm nhìn chữ Sony mãi rồi nó găm vào đầu cái thương hiệu ấy, để người ta nhớ sau này khi sắm sanh. Mà họ còn làm nhiều thứ hàng giá rẻ gia đình với mục đích quảng cáo như thế.
Đầu tôi bật ra ý nghĩ: hóa ra người ta bán từ củ khoai lang đến củ sâm. Tôi bắt đầu sự nghiệp thiết kế các kiểu các loại bưu thiếp có giá từ 200 đồng đến 600 đồng, hai ba nghìn và có loại đặc biệt công phu giá đến 200.000 đồng đều bán được cả. Tất nhiên hàng giá rẻ bán được nhiều hơn. Từ câu chuyện làm bưu thiếp thành thạo, cái nọ làm lưng cho cái kia, tranh mini hình thành từ đấy..

4. Bưu thiếp cuối cùng chỉ là bản nháp cho những bức tranh mini hình thành dần sau này! Tranh mini là loại tiểu họa khuôn khổ nhỏ, những tiểu họa tôi vẽ trên giấy dó nhỏ nhất là 5x7cm và lớn nhất là 8,7x19cm trở thành một giai đoạn sáng tác gắn bó với tôi trong một thời gian khá dài…

Cuối cùng ngẫm ra cũng phải biết cảm ơn cái đói!

Họa sĩ Đỗ Đức
Thể thao & Văn hóa Xuân Kỷ Hợi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm