Với 5 chủ đề chính: Tác giả - tác phẩm; Lợn trong văn hóa người Việt; Lợn trên thế giới; Lợn tiết kiệm, đồ lưu niệm và đồ dùng hình lợn, triển lãm giới thiệu tới công chúng sự đa dạng trong ngôn ngữ thể hiện một trong những linh vật vô cùng gần gũi với đời sống người Việt.
Công chúng thăm triển lãm
Xuất phát từ thú vui sưu tầm con vật mình cầm tinh ứng với tuổi Hợi, cũng do cơ duyên nên nhà sử học Dương Trung Quốc đã có được một bộ sưu tập ấn tượng. Mỗi sản phẩm trong bộ sưu tập là một câu chuyện, một kỷ niệm trong những chuyến công tác của ông trong và ngoài nước.
Nhà sử học Dương Trung Quốc và vợ- chủ nhân của đàn lợn tại triển lãm
Người xem ấn tượng với rất nhiều vật lưu niệm ở triển lãm như: “Chú lợn chạy” được nhà sử học mang về từ nước Nga với với chất men rạn đặc trưng của xứ lạnh, những chú lợn đất nung hình thù cổ quái được mua ở một quán ven hồ Trúc Bạch, hay hai chú lợn giống như hai chú gấu Bắc cực được mang về từ San Fransisco...
Hình ảnh những chú lợn ấn tượng tại triển lãm
Ngoài ra, tại triễn lãm, công chúng còn được tiếp cận bộ sưu tập những chú lợn gốm của nghệ nhân Nguyễn Văn Toán, bộ tranh 12 con giáp được thể hiện trên mâm gỗ cổ của họa sĩ Lê Trí Dũng, các tác phẩm lợn gốm của nghệ nhân làng gốm Bát Tràng...
Họa sĩ Lê Trí Dũng và bộ tranh 12 con giáp được thể hiện trên mâm gỗ cổ
Trong khuôn khổ sự kiện, đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng trao bằng chứng nhận và kỷ niệm chương Xác lập kỷ lục: Bộ sưu tập tượng con giáp năm Hợi nhiều nhất Việt Nam cho nhà sử học Dương Trung Quốc.