'Chân dung cô Phượng' của Mai Trung Thứ giành quán quân

19/04/2021 08:19 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Phiên đấu Beyond Legends: Modern Art Evening Sale (Hơn cả huyền thoại: Đêm nghệ thuật hiện đại) của nhà Sotheby’s diễn ra từ lúc 18h30 ngày 18/4/2021 tại Hong Kong (Trung Quốc), bức “Chân dung cô Phượng” của danh họa Mai Trung Thứ là một điểm nhấn.

5 tranh Việt vừa thu về hơn 60 tỷ đồng tại Hong Kong (Trung Quốc)

5 tranh Việt vừa thu về hơn 60 tỷ đồng tại Hong Kong (Trung Quốc)

Mặc cho những lùm xùm và nghi ngại từ Việt Nam về độ chân bản, 5 tranh Việt vừa tăng giá khá cao để thu về hơn 60 tỷ đồng tại Sotheby’s Hong Kong, Trung Quốc.

Không ngoài dự đoán, bức này đã đoạt giá đấu là 24.375.000 HKD, tương đương hơn 3,1 triệu USD (hơn 72,3 tỷ đồng), trong khi giá dự kiến vào 7.500.000-9.300.000 HKD.

Trên thị trường công khai, quán quân về giá bán đang thuộc về bức Khỏa thân (sơn dầu, 90,5cm x 180,5cm, 1931) của Lê Phổ, từng bán gần 1,4 triệu USD tại Christie’s Hong Kong vào sáng 26/5/2019. Bức Portrait De Mademoiselle Phuong (Chân dung cô Phượng, sơn dầu, 135,5cm x 80cm, 1930) có nhiều nét tương đồng về vật liệu, chủ đề và lịch đại với bức Khỏa thân.

Chú thích ảnh
Bức “Chân dung cô Phượng” của Mai Trung Thứ

Vì sao đắt giá?

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi nhận định: “Bức này thường được mệnh danh là Mona Lisa của Việt Nam, được trình bày bằng những gam màu rất đơn giản. Chính sự đơn giản đã tạo ra nét đẹp thuần túy, dịu dàng, đi thẳng vào hồn người bằng những bước chân nhẹ nhàng nhất. Cô Phượng tỏa ra nét đài các ngay trong dáng ngồi, với ánh mắt có trăm điều muốn nói, người xem phải thổn thức. “Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng/ Mắt xanh là bóng dừa hoang dại/ Âu yếm nhìn tôi không nói năng” - Đinh Hùng. Lịch sử bức tranh cũng đẹp như cô, được sinh ra để bước lên đài danh vọng”.

Chú thích ảnh
Mai Trung Thứ, ảnh chụp năm 1964

Bức Chân dung cô Phượng được Mai Trung Thứ sáng tác năm 1930, khi ông là giáo viên dạy vẽ tại Lycée Francais de Hue (Trung học Pháp tại Huế). Nó xuất hiện lần đầu tại triển lãm của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội năm 1930. Sau đó xuất hiện tại Exposition Coloniale Internationale (Triển lãm thuộc địa quốc tế) ở Paris năm 1931, được một nhà sưu tập người Pháp mua. Vựng tập L'Illustration - L'Exposition Colonial (Tạo hình - Triển lãm thuộc địa), số 4608-89, phát hành ngày 27/6/1931 có đề cập bức này ở trang 24.

Chú thích ảnh
Bức tranh xuất hiện lần đầu tại triển lãm của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội năm 1930

Sau đó, nó thuộc bộ sưu tập của Madame Dothi Dumonteil, sống nhiều năm ở quận 7, Paris, Pháp. Bà Dothi có tên tiếng Việt là Đỗ Thị Tuyết, từng là 1 trong 5 siêu mẫu (đại diện cho 5 châu lục) được chọn để tạo nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhà thiết kế thời trang danh tiếng Yves Saint-Laurent.

Bức này từng xuất hiện trang trọng trong phim Mùi đu đủ xanh (1993) của Trần Anh Hùng, giải camera vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 1993, giải César cho phim đầu tay hay nhất, chung khảo giải phim ngoại ngữ hay nhất tại Oscar lần thứ 66.

Trong cuốn Mỹ thuật hiện đại Việt Nam (1996) do Quang Phòng - Trần Tuy biên soạn, ở cột 22, trang 15, có đề cập đến bức tranh này. Trong cuốn La Peinture Vietnamienne: Une Adventure entre Tradition et Modernité (Mỹ thuật Việt Nam: Cuộc phiêu lưu giữa truyền thống và hiện đại) của Corinne de Ménonville, phát hành năm 2003, cũng nhắc lại bức này ở trang 63.

Chú thích ảnh
Treo trong không gian gia đình của Madame Dothi Dumonteil ở Pháp

Giả dụ, có nhiều bức tranh đẹp giống như Chân dung cô Phượng cùng xuất hiện tại một phiên đấu giá, nhưng bức nào ưu trội hơn về các yếu tố lịch đại và đồng đại, bức ấy sẽ thu hút nhiều hơn, dễ cao giá hơn. Trong 51 lô hàng tại phiên đấu lần này, xét về giá dự kiến, bức của Mai Trung Thứ xếp thứ 11, chỉ sau Zao Wou-Ki (Triệu Vô Cực), Chu Teh-Chun (Chu Đức Quần), Pierre Soulages, Wu Guanzhong (Ngô Quan Trung)… nhưng trước cả Pierre-Auguste Renoir, Fernando Zobel, Chen Wen Hsi (Trần Văn Hy), Ju Ming (Chu Minh), Hendra Gunawan, Affandi, Lê Phổ, Georges Mathieu…

Đây vốn là các “cao thủ” về giá bán trên thị trường mỹ thuật quốc tế hiện nay, vài người đã có bức đạt hàng chục triệu USD.

Nhà phê bình Nguyễn Quân nhận định: “Tôi thấy đây là một bức tranh chân tình nhất của Mai Trung Thứ, không bị làm duyên, hoài cổ như những tranh khác của cụ. Màu sắc, nét, bố cục, tạo dáng nhân vật và gương mặt đều dung dị, tự nhiên, gần tinh thần với Nguyễn Phan Chánh, khác với các tranh thiếu nữ tìm cái đẹp mơ mộng, lý tưởng, vu vơ thời bấy giờ. Tôi không quan tâm đến giá bán sau cùng, nhưng ngay khi nhìn thấy, đã thấy đây là tác phẩm đáng giá, theo mọi nhẽ”.

Chú thích ảnh
Trong vựng tập “L'Illustration - L'Exposition Colonial” (Tạo hình - Triển lãm thuộc địa), phát hành ngày 27/6/1931, bức “Chân dung cô Phượng” được xếp chung trang với Nguyễn Phan Chánh và Nguyễn Nam Sơn

Áo dài và mái tóc demi-garçon?

Năm 1930, khi áo dài tân thời mới manh nha, còn rất ít ngưới mặc, những họa sĩ như Lemur Cát Tường, Lê Phổ, Mai Trung Thứ và nhiều người khác đã nhập cuộc xiển dương bằng cách vẽ áo dài nhiều nơi. Tác phẩm Chân dung cô Phượng có thể là một kết quả như vậy, với chiếc áo dài thiết kế theo phong cách Lê Phổ. Cho nên, về mặt lịch sử, chiếc áo dài và mái tóc ngắn kiểu demi-garçon của cô Phượng là một cảm hứng tiền phong thời bấy giờ.

Tuy nhiên, nhà báo Trác Thúy Miêu không nghĩ đây là kiểu tóc ngắn (demi-garçon), vì phía trên đỉnh đầu là vấn trần, nhân vật chỉ tém tóc theo lối tân kỳ mà thôi. “Có thể thấy, đây là kiểu áo dài gọi nôm na là áo dài Lê Phổ. Nhưng theo quan điểm riêng, Lê Phổ trong thời kỳ này không phải là họa sĩ duy nhất vẽ và lăng-xê kiểu ăn vận này, nói đúng hơn thì tranh của ông được biết tới nhiều nhất với mẫu áo văn minh này. Giờ có thêm bức này của Mai Trung Thứ, nên khó xác định người đầu tiên vẽ kiểu áo dài này.

Hội họa, nhất là ở Việt Nam, bản chất là mô tả lại phong hóa đương thời. Tôi võ đoán sự canh tân kiểu dáng đã có sẵn trong trào lưu của phụ nữ, chỉ hiển hiện qua tác phẩm của các họa sĩ, bức Chân dung cô Phượng là một ví dụ” - Trác Thúy Miêu nhận định.

Còn với nhà nghiên cứu Phạm Long thì: “Bức tranh được vẽ ngay khi Mai Trung Thứ mới tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng đã cho thấy một tài năng nổi bật và nhiều tiềm năng, nhất là với đề tài người nữ. Tác phẩm mô tả một thiếu nữ An Nam với gương mặt đoan trang, yêu kiều, một dáng ngồi đài các, thoải mái với trang phục tân thời, thanh lịch, toát lên vẻ thanh tao, sang trọng, cuốn hút những ai yêu cái đẹp nhẹ nhàng, trữ tình, nền nã và chuẩn mực. Hòa sắc mát dịu cũng góp phần ru hồn người xem vào miền thanh tân quý vãng. Bố cục hình tam giác cân càng củng cố thêm sự yên bình, tự tại cho khung cảnh và nhân vật”.

Dù đại dịch Covid-19 còn rất nặng nề, nhưng doanh số bán tác phẩm nghệ thuật hiện đại tại Hong Kong của Sotheby’s năm 2020 là hơn 1,7 tỷ HKD, cao ngoạn mục, chứng tỏ sức mạnh bí ẩn của thị trường nghệ thuật Á châu.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm