Cascadeur Bùi Văn Hải: Sống bụi đời nhưng đời không nhiễm bụi

15/08/2016 12:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 15/8/2016, khi bước vào tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”, cascadeur Bùi Văn Hải lần đầu bấm máy phim chiếu rạp với kinh phí hơn 15 tỷ đồng, mà nơi đó anh là đạo diễn. Vốn là trẻ bụi đời, Bùi Văn Hải tình cờ trở thành cascadeur, rồi diễn viên phụ, nên việc anh trở thành đạo diễn phim chiếu rạp Baba mama (tên tạm thời), với giới làm phim, đúng là một phép màu.

Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với Bùi Văn Hải.

* Trong giới làm phim tại TP.HCM, anh đang khá thành công với việc đóng thế, đạo diễn hành động, dạy võ, dạy diễn xuất… vậy tại sao anh vẫn quyết định làm thêm công việc đạo diễn, vốn chẳng dễ dàng?

- Nói thật lòng thì tôi cũng không biết rõ các lý do dẫn đến quyết định khó khăn này, nhưng ước muốn, động lực để trở thành đạo diễn lại rất rõ ràng. Nhìn từ ngoài vào, nhiều người cứ nghĩ Hải Long An chỉ biết múa may quay cuồng, chứ biết gì về tâm lý mà đòi đạo diễn. Suy nghĩ đó của mọi người cũng đúng, nhưng thật ra tôi lại là người sống rất nội tâm, nên muốn qua việc đạo diễn sẽ trình bày phần nào những suy nghĩ bên trong của mình.

* Một thân một mình lên TP.HCM anh đã xoay sở thế nào cho cuộc sống, khi anh chưa đến tuổi trưởng thành?

- Tôi bỏ nhà lên TP.HCM sống bụi đời từ năm 16 tuổi, nhà mùa nắng của tôi là cầu Bình Triệu, nhà mùa mưa là mái hiên, là chái kho, là sạp chợ. Tôi đã làm hàng trăm công việc tay chân để kiếm những đồng tiền ít ỏi, để tồn tại, từ đó tích lũy được một số kinh nghiệm, một số vốn sống, nay qua phim, tôi muốn kể lại một phần. Tôi nghĩ rằng điều cần thiết nhất với một đạo diễn là kinh nghiệm làm nghề và vốn sống.


Cascadeur Bùi Văn Hải từng làm đạo diễn võ thuật - hành động cho nhiều phim điện ảnh và truyền hình nổi tiếng như Duyên trần thoát tục, Huyền thoại bất tử, Để Mai tính, Long Ruồi, Lửa Phật, Hiệp sĩ mù, Trinh thám Sài Gòn, Truy tìm dấu vết, Trận đấu định mệnh…

* Con nhà võ, lại sống bụi đời nhiều năm, anh làm sao để không trở thành kẻ “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” hoặc giang hồ, tội phạm?

Phim Baba mama thuộc thể loại tâm lý - hành động và hài hành trình. Ngoài Johnny Trí Nguyễn, phim còn có sự tham gia của Lê Khánh, Tiến Luật, Đại Nghĩa, Diệu Nhi, Long Đẹp Trai, Hiếu Nguyễn, Anh Đức, Bảo Khương… Thời gian bấm máy khoảng 45 ngày, dự kiến công chiếu vào cuối năm 2016.

- Nhà tôi ở Long An rất nghèo, lại gặp nhiều hạn xui nên càng nghèo hơn, có lúc cả gia đình chỉ còn biết giăng áo mưa mà ngủ qua đêm. Tuy vậy, cha và mấy anh em tôi đều tập võ thường xuyên, khi tôi định lên TP.HCM mưu sinh, cha dặn phải giữ tinh thần thượng võ, không được xì ke ma túy, không được trộm cướp, giết người, và cố gắng học để lấy cái bằng đại học.

Nhiều lúc tôi sắp sa chân vào tội lỗi, lại nhớ lời cha dặn nên rút lại. Tôi luôn giữ khoảng cách với “tứ đổ tường”, nên dù sống bụi đời, nhưng may mắn, đời không nhiễm bụi. Tôi đã làm hàng trăm công việc (miễn lương thiện) để học cho được bằng kỹ sư xây dựng, để giữ tinh thần thượng võ.

Xem phim Baba mama, qua nhân vật do anh Johnny Trí Nguyễn đóng, khán giả có thể nhìn thấy một vài khía cạnh trong cuộc đời của tôi.

* Tuy anh nói vậy, nhưng rõ ràng giữa võ thuật, kỹ sư xây dựng và phim vẫn có một khoảng cách khá xa. Sống đời lang bạt, bụi bặm thì anh đến với phim bằng cách nào?

- Ngày nào tôi cũng dành ra chừng nửa tiếng để ôn luyện và nghiên cứu võ thuật, cho nên hơn 10 năm học Thiếu Lâm với cha đã không bị mai một. Lúc mới lên TP.HCM, cả chục năm tôi không về Long An ăn Tết, dù chỉ cách chừng 1 tiếng đi xe máy, mà phải ở lại làm thêm kiếm tiền.

Thế nhưng tôi lại rất chăm chỉ tham dự các cuộc thi võ thuật chuyên nghiệp (vô địch Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc các năm 1995, 1996, 1997, 1999; 10 năm liền là vô địch võ toàn tỉnh Long An - PV), nhờ đó mà có cơ hội và điều kiện đến với việc đóng thế.

Năm 1993, khi đi thi trọng tài võ tại Nha Trang, được gặp võ sư Thu Vân, thầy ấy nói thân thủ của tôi hợp với nghề cascadeur, sao không đi làm. Lúc đó tôi có biết cascadeur là gì đâu, nhưng thấy có tiền và được dùng vốn võ thuật sẵn có, nên liền nhận lời. Đó là cột mốc cho nghề phim của tôi.

Cascadeur thế hệ đầu tiên tại TP.HCM

Bùi Văn Hải sinh năm 1976 tại Long An, thường gọi là Hải Long An, anh được cha truyền dạy võ Thiếu Lâm Hàn Bái từ lúc 4-5 tuổi, được võ sư Thu Vân giới thiệu đi làm cascadeur từ năm 1993.

Anh thuộc thế hệ cascadeur đầu tiên tại TP.HCM, từng tham gia đóng và đạo diễn hành động hàng trăm phim tại Việt Nam và tại các nước như Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan... Anh cũng là chủ nhiệm CLB Cascadeur Bảo An - 1 trong 4 CLB cascadeur chuyên nghiệp ở TP.HCM, nơi đào tạo nên rất nhiều diễn viên đóng thế.

Như Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm