14/10/2019 06:57 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tuần này xem nghe thấy đọc có 2 sự kiện đáng chú ý, đó là vở vũ kịch Giselle nổi tiếng (tại TP.HCM) và phim Em còn nhớ hay em đã quên (tại Hà Nội) - bộ phim ca nhạc với hình bóng của Trịnh Công Sơn, Khánh Ly…
1. Có thể nói phim Em còn nhớ hay em đã quên (1992) của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần là một trong những dấu son về sự nhập cuộc vào dòng phim thị trường của điện ảnh miền Bắc thời bấy giờ.
Kịch bản phim được lấy cảm hứng các tình khúc và chuyện tình của Trịnh Công Sơn - Khánh Ly trước năm 1975. Các vai chính và thứ chính do Lê Công Tuấn Anh (vai nhạc sĩ Quang Sơn - hình bóng Trịnh Công Sơn), Hoàng Hồng Nhị (ca sĩ Huyền My - hình bóng Khánh Ly), Trương Ngọc Ánh (vai Diễm - hình bóng từ ca khúc Diễm xưa) đảm trách. Quang Sơn lần lượt có hai mối tình là Diễm và Huyền My, nhưng do chiến tranh ác liệt, do hoạt động phản chiến mà phải chia tay cả hai, để cuối cùng chỉ còn cây đàn guitar và nỗi cô đơn, hoài nhớ.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần kể rằng khi ông trình kịch bản để xin kinh phí tại Hà Nội, không cơ quan nào cho vì chẳng hiểu phim làm về điều gì. Thế là ông tự bỏ tiền túi và tự đi xin thêm kinh phí tư nhân để sản xuất, giống như phim độc lập ngày nay. Kết quả phim có doanh thu hơn 200 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng, được khán giả xa gần chào đón nồng nhiệt, góp phần đưa Lê Công Tuấn Anh lên tầm ngôi sao.
Không dừng lại ở đó, tại LHP Việt Nam lần thứ 10 diễn ra ở Hải Phòng, Em còn nhớ hay em đã quên được trao giải Bông sen Bạc (không có Bông sen Vàng) và các giải Biên kịch xuất sắc nhất, Âm nhạc xuất sắc nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (cho Lê Công Tuấn Anh).
Nhìn về mặt thể loại, dù chưa thật rõ nét, nhưng đây có thể là một trong những phim ca nhạc đầu tiên của Việt Nam. Nguyễn Hữu Phần rất mất thời giờ để tuyển vai nữ chính, vì yêu cầu phải biết hát, biết diễn được cốt cách của danh ca Khánh Ly. Trịnh Công Sơn khi xem phim cũng đã dành những lời có cánh với đạo diễn, với Lê Công Tuấn Anh, với Hoàng Hồng Nhị… vì đã lột tả tương đối tinh thần câu chuyện.
Gần 30 năm qua, đây cũng là phim được tái chiếu nhiều lần, trong các sự kiện có tính nghiên cứu, kỷ niệm và theo yêu cầu của khán giả. Một trong các yêu cầu đó là để tưởng nhớ tài tử bạc mệnh Lê Công Tuấn Anh (2/2/1967 - 17/10/1996, tên thường gọi là Lê Công), anh ra đi ngay lúc đang quay dang dở phim Ngọt ngào và man trá của Nguyễn Hữu Phần.
Phim Em còn nhớ hay em đã quên chiếu tại Ơ Kìa Hà Nội lúc 19h30 ngày 17 và 18/10.
2. Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra 3 đêm trình diễn nhạc kịch Người tạc tượng (Đỗ Nhuận) và vũ kịch Hồ thiên nga (Tchaikovsky) nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Vào lúc 20h ngày 19 và 20/10 tại Nhà hát TP.HCM cũng sẽ diễn ra vở vũ kịch nổi tiếng Giselle (của Adolphe Adam).
Thời gian gần đây nhiều nhạc kịch, vũ kịch lớn, nổi tiếng trong nước và thế giới được dàn dựng đã góp phần đáng kể vào việc cân bằng các loại hình nghệ thuật và đem đến cho công chúng nhữgn tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao.
Vũ kịch Giselle gồm 2 màn: màn 1 với bối cảnh lễ hội ở một miền quê nước Đức và màn 2 với bối cảnh là thế giới siêu nhiên. Nội dung vũ kịch nói đến câu chuyện tình yêu khá phức tạp nhưng hấp dẫn và nhiều kịch tính. Vì say mê cô gái Giselle nên chàng quý tộc Albert đã cải trang thành một chàng nông dân để yêu nàng, dù Albert đã đính hôn với Berthilde. Nhưng Berthilde biết chuyện và cho Giselle biết sự thật, Giselle quá đau khổ ngất xỉu rồi qua đời. Tất cả những nội dung này diễn ra với bối cảnh lễ hội.
Bối cảnh về thế giới siêu nhiên là khi Albert mạo hiểm đi vào thế giới cõi âm để tìm Giselle, trên đường đi Albert đã thoát chết nhờ tình yêu trong sáng của Giselle dành cho anh, bởi anh không gặp nhóm Wilis mà thay vào đó là Hilarion, người có mối tình đơn phương với Giselle. Nhóm Wilis là linh hồn của các cô gái bị bỏ rơi, nếu bình minh hoặc hoàng hôn, họ gặp chàng trai nào thì họ sẽ khiến người đó nhảy múa cho đến kiệt sức và chết.
Vũ kịch Giselle ngoài câu chuyện tình yêu cảm động và âm nhạc đặc sắc, nó còn hấp dẫn người xem bởi phục trang, vũ đạo đẹp mắt, bối cảnh lễ hội sống động (màn 1), lung linh huyền ảo (màn 2). Ngoài ra, trong nhiều màn múa tập thể và múa solo với những kỹ thuật ballet thượng thặng hấp dẫn khán giả.
Dàn dựng vũ kịch Giselle lần này là hai nghệ sĩ tài năng Chloe Glemot và Yuki Hiroshige. Tham gia biểu diễn có các nghệ sĩ: Đỗ Hoàng Khang Ninh (vai Giselle) NSƯT Hồ Phi Điệp (vai Albert), NSƯT Đàm Đức Nhuận (vai Hilarion)… cùng tập thể đoàn vũ kịch của Nhà hát GHNVK TP.HCM.
Như Hà - Bình Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất