Từ lùm xùm cát - sê 'Hồ sơ lửa': Góp tiền làm phim dễ... vỡ nợ (Kỳ 1)

02/10/2017 07:10 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Gần đây, nhiều diễn viên tố nhà sản xuất phim Hồ sơ lửa không thanh toán cát-sê. Chiều 29/9/2017, ê-kíp đoàn phim Tử thi lên tiếng (phần 3 của Hồ sơ lửa), đại diện là đạo diễn Dũng Nghệ đã có buổi làm việc công khai cùng báo chí với Sena Film cũng để đòi cát-sê. Vì đâu mà chuyện tiền bạc ở đoàn phim cứ liên tục bị lùm xùm? Nhân sự việc này, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có loạt bài về “Chuyện tiền bạc ở các đoàn làm phim”.

Phim là loại hình nghệ thuật có mức đầu tư lớn, cần huy động vốn trong thời gian ngắn nên ngày nay ít có nhà sản xuất nào tự bỏ 100% tiền túi để làm. Chính vì vậy, việc huy động vốn đã tiềm ẩn nhiều rủi ro cho việc sản xuất, thu hồi vốn, chia lợi nhuận.

Liên quan đến phim Hồ sơ lửa, diễn viên Trần Bích Hằng viết trên trang cá nhân rằng phần phim chị đóng đã hoàn thành từ 22/5/2017, theo hợp đồng là sẽ thanh toán sau 75 ngày, nhưng đến nay chị vẫn chưa nhận được 27 triệu đồng tiền cát-sê. Mà “cái chết” này không chỉ đến với diễn viên.

Chú thích ảnh
Hoa khôi Nam Em (phải) trong một cảnh phim "Hồ sơ lửa 3"

Dễ chết từ “chủ xị”…

Chúng ta hẳn còn nhớ những cái chết do làm phim trong quá khứ gần đã xảy ra với các “chủ xị” hãng phim như Chánh Tín, Phước Sang, Phạm Văn Hải, Trần Bảo Sơn… Trước đó, dù là nhà sản xuất của các phim truyền hình thành công như Mùi ngò gai, Gia đình phép thuật… nhưng rồi Hãng phim Vifa cũng phải tạm đóng cửa vì vấn đề tiền bạc.

Năm 2015, Trần Bảo Sơn bỏ vốn và huy động vốn làm phim hài Hy sinh đời trai (đạo diễn: Lưu Huỳnh) với dàn diễn viên nổi tiếng, kết quả lại thất bại nặng về mặt doanh thu, lẫn danh tiếng. Rất may Trần Bảo Sơn là doanh nhân thành đạt, nên có nhiều kinh nghiệm trong việc huy động vốn, nếu không sự thất bại này có thể làm anh lao đao thật sự.

Chú thích ảnh
"Thiên mệnh anh hùng" cũng khiến "chủ xị" lao đao

Không đến mức phá sản, nhưng vài phim đình đám của Việt Nam từng khiến “chủ xị” lao đao, như Dòng máu anh hùng (2007) làm vài người phải cầm nhà; Thiên mệnh anh hùng (2012) thì phát sinh đến mức có lúc gặp khủng hoảng do huy động vốn.

Cả hai phim này dù có chất lượng tốt, nhưng bán vé không thành công nên nhà đầu tư phải méo mặt gánh gồng. Điều này cũng đến với nhà sản xuất Mai Thế Hiệp của phim Có căn nhà năm nghe nắng mưa, vì làm phim này mà anh phải cầm căn nhà của mình.

Chú thích ảnh
Nhà sản xuất Mai Thế Hiệp phải cầm nhà khi làm phim “Có căn nhà năm nghe nắng mưa”

Điều này không chỉ xảy ra tại Việt Nam, mà trên toàn thế giới đều vậy. Hãng phim lẫy lừng như Walt Disney mà cũng đã vài lần chạm cửa phá sản trong quá khứ.

Gần đây, một tên tuổi lẫy lừng như Luc Besson cũng gặp lao đao vì nhà đầu tư rút vốn đột xuất, phải lên mạng xin tiền để kịch bản của mình có thể đi vào sản xuất. Kevin Smith cũng làm tương tự khi ông xin được 1,7 triệu USD từ mạng Twitter cho phim kinh dị Red State, mà lý do cũng là các chủ đầu tư bất ngờ rút lui.

Nhà đầu tư - sản xuất Minh Dofilm tâm sự rằng việc này khá hên xui, nên khó ai nói trước được điều gì khi bắt tay vào làm. Minh Dofilm dành nhiều tiền bạc và tâm huyết cho phim Lửa Phật của Dustin Nguyễn, kết quả phim bị lỗ, trong khi phim Em chưa 18 đến mời anh góp vốn, anh lại từ chối, kết quả phim đại thắng.

… đến những thành phần khác

Vì không đủ tiền làm phim Liên minh huyền thoại, nhà sản xuất kiêm đạo diễn Phạm Văn Hải gần như huy động vốn toàn bộ đoàn phim đóng góp, từ tiền túi cho đến cát-sê, công sức.

Công thức ông đưa ra là “có bao nhiêu góp bấy nhiêu, lợi nhuận sẽ được chia theo tỷ lệ góp vốn, lời ăn, lỗ chịu”. Kết quả phim này lỗ nặng nên phần lớn đoàn phim cũng phải chịu lỗ chung.

Chú thích ảnh
Thái Hòa góp cát - sê và vốn vào nhiều dự án phim...

“Ông hoàng phòng vé” Thái Hòa cũng vậy, anh góp cát-sê và một ít vốn vào phim như Long Ruồi, Quả tim máu, Để Mai tính 2, Fan cuồng… thành công và thất bại đều có. Ví dụ như với dự án lớn là Fan cuồng, không chỉ nhà sản xuất lỗ nặng, mà Thái Hòa cũng trắng tay.

Chú thích ảnh
... và trắng tay khi góp vốn vào phim “Fan cuồng”

Danh hài Việt Hương cho biết chị góp vốn cùng cát-sê vào phim Chạy đi rồi tính (đạo diễn Bảo Nhân và Nam Cito) là vì cặp đôi này làm việc nghiêm túc, từng có phim Gái già lắm chiêu đoạt doanh thu 38 tỷ đồng.

Thế nhưng kết quả thì Chạy đi rồi tính lại không có doanh thu như ý. Danh hài Trấn Thành cũng không thành công với việc hùn vốn sản xuất phim Chờ em đến ngày mai của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Trường Giang

Mới đây, danh hài Trường Giang đột ngột rời khỏi dự án phim 798Mười, nơi anh đóng vai chính và góp vốn.

Điều này làm cho vợ chồng Dustin Nguyễn khá lao đao, họ không những phải thay vai, sửa kịch bản, mà còn phải huy động thêm vốn để dự án được tiếp tục. Dustin Nguyễn càng khó khăn hơn, khi từ vai trò đạo diễn, nay anh phải kiêm thêm đóng vai chính.

'Bệnh kinh niên' quỵt cát-sê, do đâu?

'Bệnh kinh niên' quỵt cát-sê, do đâu?

Hòa Hiệp và vài diễn viên trong phim truyền hình "Đi qua mùa mưa" (ĐD: Mai Dũng) vừa tố nhà sản xuất có dấu hiệu quỵt cát-sê của họ. Đây là vụ việc mới nhất của 'căn bệnh kinh niên' quỵt cát-sê, và cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Sinh thời, nhà thơ Nguyễn Trung Bình đã chọn góp cát-sê viết lời thoại vào phim Xích lô của Trần Anh Hùng. Nhiều người cho rằng chỉ cần nhận được khoảng 1% doanh thu của phim Xích lô thì Nguyễn Trung Bình đã đổi đời, bớt đi suy nghĩ “cơm áo không đùa với khách thơ”. Thế nhưng, phần hùn của anh chỉ giới hạn ở thị trường Việt Nam mà "bi kịch" là Xích lô vào thời điểm đó chưa được cấp phép chiếu tại Việt Nam...

(Kỳ 2: Vì sao phải eo sèo, kiện tụng?)

Văn Bảy - Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm