Từ Khắc - Người định hình lại thế giới võ hiệp

25/03/2012 13:03 GMT+7 | Phim


(TT&VH) - Cuối năm 2011, nhà làm phim Hong Kong Từ Khắc đã tung ra bộ phim võ hiệp Long môn phi giáp. Tác phẩm điện ảnh này đã được giới phê bình nhìn nhận là một chuẩn mực cho phim 3D Trung Quốc trong tương lai, đồng thời còn giúp mang về cho ông giải Đạo diễn xuất sắc nhất của Hiệp hội các đạo diễn Hong Kong.

Nhà làm phim Hong Kong Từ Khắc

1. Từ Khắc sinh năm 1951 trong một gia đình người Hoa nhập cư ở Sài Gòn. Từ nhỏ, Từ Khắc đã thể hiện niềm đam mê làm phim và năm 13 tuổi, ông đã sử dụng một chiếc máy ghi hình dùng phim 8mm để cho ra đời những thước phim đầu tiên của mình. Năm 1984, Từ Khắc và vợ là Shi Nansheng thành lập công ty sản xuất phim riêng. Ông đã gây được tiếng vang quốc tế khi là nhà sản xuất của những bộ phim như Bản sắc anh hùng (1986; đạo diễn Ngô Vũ Sâm), Thiện nữ u hồn (1987; đạo diễn Trình Tiểu Đông), loạt phim Hoàng Phi Hồng.

Vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, Từ Khắc cùng một số đạo diễn như Hứa An Hoa đã tạo nên những làn sóng trong nền điện ảnh Hong Kong, giúp nền công nghiệp này thoát khỏi sự xuống dốc đang ở mức nguy hiểm. Vì thế, báo giới Hong Kong đã gọi họ là các nhà làm phim thuộc “Làn sóng mới”.

Trước đó, giới đạo diễn Hong Kong thường học nghề từ các studio, nhưng các nhà làm phim “Làn sóng mới” đã thổi một luồng không khí tươi mới vào nền công nghiệp điện ảnh. Sha Dan, nhà nghiên cứu thuộc Thư viện Điện ảnh Trung Quốc, đánh giá: “Các nhà làm phim thuộc “Làn sóng mới” là những người có học thức, hầu hết đều tu nghiệp ở nước ngoài. Từ Khắc đã tốt nghiệp ngành sản xuất phim tại Trường ĐH Texas. Khi trở về, họ không vào làm việc tại các hãng phim, mà ‘đầu quân’ về các đài truyền hình”.

Từ Khắc tỏa sáng trong nền công nghiệp truyền hình với những serie phim ăn khách như Love Hate of the Golden Blade. Năm 1979, ông ra mắt làng điện ảnh với Điệp biến, bộ phim chứa nhiều yếu tố gay cấn và giàu hình ảnh tưởng tượng.

2. Các bộ phim thuộc “Làn sóng mới” liên tục thể hiện những sự cách tân trong nhiều khía cạnh. Và người tiên phong của trào lưu này là Từ Khắc. Ông đã tái định hình dòng phim võ hiệp Trung Hoa. Nhà phê bình điện ảnh Lý Tiểu Phi nhận xét: “Các bộ phim của Từ Khắc đã tạo những bước đột phá về kỹ thuật quay phim. Hầu hết các bộ phim võ hiệp trước đây đều được quay trong các studio, nhưng phim của Từ Khắc thường quay ngoài trời. Các bộ phim của ông chứa đựng nhiều khái niệm hiện đại, do Từ Khắc là một trí thức được đào tạo ở phương Tây. Vì vậy, có thể nói rằng, trong các bộ phim của mình, Từ Khắc đã sử dụng các phương pháp phương Tây để diễn đạt văn hóa phương Đông”.

Từ Khắc đã sử dụng những kỹ xảo hình ảnh hiện đại để dàn dựng nhiều phim võ hiệp cổ trang. Bộ phim Huyết sử thực sơn (1983) của ông giờ vẫn được coi là một trong những tác phẩm điện ảnh sử dụng kỹ xảo ngoạn mục nhất, trước khi thế giới áp dụng máy tính vào việc tạo ra kỹ xảo. Với phim Long môn phi giáp, Từ Khắc một lần nữa trở thành nhà tiên phong khi ông quay phim võ hiệp này bằng công nghệ 3D. 

Việc áp dụng công nghệ tiên tiến giúp Từ Khắc chuyển tải được tốt hơn sức tưởng tượng của mình trên màn bạc. Mặc dù bộ phim Thực sơn kỳ hiệp (2010) không gặt hái thành công thương mại, nhưng sức tưởng tượng của ông trong phim vẫn khiến khán giả kinh ngạc. Nhà phê bình điện ảnh Lý Tiểu Phi nhận định: “Cả nhãn quan về thế giới và sức tưởng tượng của Từ Khắc đều không bị trói buộc. Sức tưởng tượng của ông đi trước thời đại. 10 năm tới, chúng ta có thể theo kịp Từ Khắc về công nghệ, nhưng có lẽ sẽ không bắt kịp được sức tưởng tượng của ông”.

Cảnh trong phim Long môn phi giáp – bộ phim võ hiệp 3D đầu tiên của Trung Quốc.   

3. Trong các bộ phim võ hiệp, tình yêu dành cho văn hóa Trung Hoa được ông thể hiện trong từng khía cạnh. Những bài thơ được trích dẫn trong các bộ phim võ hiệp của ông đều để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí khán giả, trong đó gồm nhiều vần thơ lãng mạn do chính ông sáng tác. Nhà nghiên cứu điện ảnh Sha Dan nói: “Mặc dù Từ Khắc chịu ảnh hưởng văn hóa phương Tây từ khi còn trẻ, nhưng ông chưa bao giờ quên đi tầm quan trọng của văn hóa Trung Hoa cổ đại”.

Sự cách tân trong các bộ phim võ hiệp của Từ Khắc còn được ông thể hiện rõ ở phần kịch bản. Nhiều bộ phim được dàn dựng dựa theo các tác phẩm văn học, nhưng khi đưa lên màn bạc, Từ Khắc vẫn thể hiện rõ phong cách của mình. Chẳng hạn như serie phim Huyền thoại kiếm khách được dàn dựng theo các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, nhưng Từ Khắc thay đổi hẳn cách kể chuyện. Theo nhìn nhận của nhà phê bình Sha Dan: “Từ Khắc đã viết lại quan niệm về thế giới giang hồ và võ hiệp”.  

Với những bộ phim có tiết tấu nhanh, giàu sức tưởng tượng, sự hòa trộn các nền văn hóa, phong cách luôn thay đổi và liên tục tạo nên những hiệu quả hình ảnh gây kinh ngạc, Từ Khắc và các bộ phim võ hiệp của ông trở thành những dấu ấn không thể phai mờ.

Việt Lâm (lược dịch)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm