Nhà văn Nhật Chiêu: Những truyện ngắn chỉ có 1 từ, 1 câu

24/05/2011 14:04 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Như TT&VH đưa tin, tháng 6 tới đây, nhà văn Nhật Chiêu sẽ phát hành tập truyện Lời tiên tri của giọt sương. Được biết, tập truyện này sẽ gồm những truyện ngắn chỉ vài dòng, thậm chí chỉ một từ.

Nhật Chiêu cho biết, Lời tiên tri của giọt sương được ông nén chữ đến mức tối đa. Bút pháp này ông học được từ thơ Haiku của Nhật và tranh thủy mặc phương Đông. Theo Nhật Chiêu: “Thơ Haiku chữ rất ít nhưng gợi nhiều. Còn tranh thủy mặc của phương Đông thì đôi khi chỉ thể hiện ý bút mà loại bỏ bớt các diễn đạt rườm rà. Truyện của tôi chuẩn bị xuất bản đã học được cách “nén chữ” của hai thể loại trên”.

Nén 50.000 câu còn một từ

Nhật Chiêu chứng minh lý thuyết mình học được qua 101 truyện “tuyệt ngắn”, có truyện mà nội dung chỉ có một từ sẽ in trong Lời tiên tri của giọt sương. Chẳng hạn như truyện Sử thi nàng Sita (mới phát hiện, tuyệt ngắn) chỉ có nội dung là một từ: Đất. Nhiều người biết rằng nàng Sita là nhân vật chính trong sử thi Ramayana dài đến 50.000 câu của Ấn Độ. Vậy tại sao nàng Sita trong truyện của Nhật Chiêu lại được ông nén còn một từ?

Nhật Chiêu giải thích: “Ramayana diễn tả cuộc đời nàng Sita sinh ra từ một vết nứt của đất. Nàng trải qua cuộc sống đầy bi kịch trên mặt đất để rồi nàng lại trở về vết nứt của đất chấm dứt một quá trình sống. Nếu ai từng đọc Ramayana hẳn sẽ biết “Đất” đóng vai trò quan trọng thế nào trong sử thi này”.



Nhà văn cũng là nhà nghiên cứu văn học Nhật Chiêu giải thích thêm: “Truyện “tuyệt ngắn” của tôi về nàng Sita giống như một sự tóm tắt sử thi Ramayana. Nếu có ai đó bảo tôi tóm tắt 50.000 câu Ramayana còn một từ, tôi sẽ dùng từ Đất - vì từ này là chuẩn xác nhất. Không chỉ giúp bạn đọc liên tưởng đến sử thi tiêu biểu của Ấn Độ qua truyện ngắn này, tôi còn muốn thể hiện triết lý từ Đông sang Tây về thân phận một kiếp người. Chúng ta thường nói “sinh ra từ cát bụi và trở về cát bụi” điều này cũng đồng nghĩa với sinh ra từ đất và chết đi về với đất”.

“Trong cuộc sống nhiều bận rộn hiện nay, ít ai có thể dành thời gian và kiên nhẫn cho một truyện dài hàng trăm, ngàn trang sách. Vậy tại sao tôi không thử nén lại - cũng một ý nghĩa chuyển tải trong ngàn trang sách thành một câu hay một từ để người đọc tiết kiệm thời gian?! Cách viết truyện “tuyệt ngắn” này của tôi xuất phát từ bối cảnh cuộc sống hiện nay, nghĩa là tôi sáng tác một cách có ý thức chứ không phải chơi ngông” - Nhật Chiêu cho biết lý do khi ông viết truyện “ngắn vô cùng”.

Người đọc phải có kiến thức nền

Truyện “tuyệt ngắn” - chữ dùng của Nhật Chiêu - vừa nêu trên nằm trong thủ pháp mà ông gọi là “liên văn bản”. Chẳng hạn, đọc truyện này: “Cả thành phố bốc cháy, cô bé bán diêm bị săn tìm dù không ai chắc kẻ phóng hỏa là ai, cô vẫn bị các phương tiện truyền thông xem là “tội ác chống lại loài người trong hình hài bé bỏng”. Vì có người nhìn thấy cô đánh diêm liên hồi những que diêm trong đêm tối “một cách vô nghĩa lý”. Truyện này của Nhật Chiêu giúp người đọc liên tưởng đến truyện Cô bé bán diêm của Andersen. Nếu ai từng đọc Cô bé bán diêm, hẳn sẽ thắc mắc về chuyện thành phố bốc cháy và việc cô bị săn lùng. Chuyện thành phố bốc cháy là một chuyện không rõ nguyên do, nhưng cô bé bán diêm vẫn bị săn lùng đơn giản vì cô bán diêm và có hành động “đánh diêm” nên bị nghi ngờ phóng hỏa đốt thành phố.

Trong một xã hội mà ở đó lòng tin của con người với nhau đang dần biến mất, thì việc cô bé bán diêm của Nhật Chiêu bị nghi ngờ, săn lùng cũng là điều dễ hiểu. Đọc truyện này, người viết bỗng thấy thấm thía câu: “Đời sợ nhất là hiểu lầm”.

Mỗi tác phẩm văn học đều có “chìa khóa” để giải mã nội dung. Tập truyện ngắn này của Nhật Chiêu đòi hỏi người đọc phải có kiến thức nền. Khi rất nhiều truyện ông dùng thủ pháp “liên văn bản” như vậy. Đành rằng đọc sách để có kiến thức nhưng với nhiều cuốn sách đòi hỏi phải có kiến thức, nhất là kiến thức nền mới đọc được. Với truyện có một chữ “Đất”, nếu người đọc không hề biết đến sử thi Ramayana của Ấn Độ, thì truyện ngắn này chẳng khác nào “đánh đố” độc giả.

Ngắn chỉ một từ nhưng vẫn là truyện

Tôi hỏi nhà văn Nhật Chiêu, ông viết ngắn như thế có thể gọi là truyện không? Nhật Chiêu trả lời rằng: “Dù ngắn nhưng vẫn là truyện. Bởi truyện đòi hỏi có kịch tính, có chuyển biến truyện và kết thúc truyện. Truyện Sử thi nàng Sita (mới phát hiện, tuyệt ngắn) của tôi chỉ có một từ nhưng vẫn thể hiện được những đòi hỏi cơ bản của truyện ngắn, chỉ có cách thể hiện là khác với thông thường mà thôi”.

Ngoài thủ pháp “liên văn bản”, nhiều truyện khác của Nhật Chiêu gợi mở sự tưởng tượng của người đọc. Ví dụ truyện Bầu trời xanh: “... Hắn sống trong một cái hộp. Một hôm, hắn thử mở nắp hộp ra. Gặp cái hộp lớn hơn chứa đựng cái hắn vừa mở. Mở tiếp, lại chạm phải cái hộp lớn hơn nữa... Những người nói với ta về bầu trời xanh, hắn tự nhủ, chỉ là bọn nói láo...”. Đọc truyện này của Nhật Chiêu, người đọc có cảm giác về sự tù túng của kiếp người, một cảm giác rất... truyện.

Nhà văn Nhật Chiêu đang chuẩn bị về hưu trong năm nay khi thôi giảng dạy văn học tại ĐH KHXH&NV TP.HCM. Tóc ông đã bạc nhiều, răng rụng đi vài chiếc. Có lẽ, giống như bao người già khác - lớn tuổi thường kiệm lời, nên ông viết tập truyện “tuyệt ngắn” này chăng. Sau kiệm lời, nén chữ... để đi đến một lúc nào đó sẽ... vô ngôn.

Thanh Kiều

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm