Lần đầu tiên đấu giá tranh của vua Hàm Nghi

14/11/2010 14:52 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Vào lúc 14h15 ngày 24/11/2010, giờ Paris, tại khách sạn Drouot (9 rue Drouot 75009 Paris, M Richelieu Drouot), tác phẩm Chiều tà (Déclin du jour, 35x46cm, sơn dầu, 1915), mã số 41, của vua Hàm Nghi (1871 - 1944) sẽ được đưa ra đấu giá, với mức khởi điểm từ 800 đến 1.200 euro.


Hàm Nghi và các tượng điêu khắc bằng thạch cao

1. Tác phẩm này đã được trưng bày tại số 5 Avenue d’Eylau, Paris 16e kể từ ngày 8/11; vào ngày 23/11, tác phẩm sẽ được dời về trưng bày ở nơi đấu giá. Theo giới nghiên cứu mỹ thuật tại Pháp, thì đây là lần đầu tiên một tác phẩm của vua Hàm Nghi lên sàn đấu, nên mức giá còn khá thấp là điều dễ hiểu. Người ra giá là văn phòng SVV Millon & Associés.


Cũng xin nói thêm, vua Hàm Nghi được nhà nghiên cứu người Nga là N.L.Nikulin nhận định là một trong những họa sĩ đầu tiên của Việt Nam vẽ tranh sơn dầu theo kỹ thuật phối cảnh của châu Âu. Không chỉ vẽ tranh mà ông còn làm điêu khắc, những năm cuối đời, khi sống tại Alger (Algérie), ông hoạt động mỹ thuật một cách chuyên nghiệp. Triển lãm tranh - tượng lần đầu tiên và hình như duy nhất của ông diễn ra tại Paris tháng 11/1926 tại phòng tranh Mantelet (rue de la Boétie, Paris 8).

Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Giao, hiện chưa rõ tác phẩm hội họa và điêu khắc của ông thuộc sưu tập của ai, ngoài gia đình ba người cháu ngoại (con của công chúa Như Lý và chồng là bá tước Francois Barthomivat de La Besse).


Tác phẩm Chiều tà sẽ đấu giá vào 24/11 tới đây

2. Theo chính sử, vua Hàm Nghi sinh ngày 3/8/1871 mất ngày 4/1/1943. Ngày 17/8/1884 ông lên nối ngôi lúc đó mới 14 tuổi. Sau cuộc phản công ở Kinh thành Huế thất bại, Tôn Thất Thuyết đưa vua ra Tân Sở, làm Hịch Cần Vương kêu gọi mọi người nổi lên chống Pháp. Ngày 30/10/1888, vua bị bắt và bị Pháp đưa đi an trí tại Algérie. Tại nơi lưu đày này, ông sống ở biệt thự Gia Long bên trên khu đồi El Biar cách thủ đô Alger 12 cây số. Trong biệt thự có nhiều miếu thờ tổ tiên. Tại nơi tha hương ông vẫn giữ phong tục của Việt Nam từ cách ăn mặc cho đến những nghi thức khác. Ông còn theo học nhạc và có nhiều tác phẩm hội họa. Ngài sống tại đây cho đến lúc mất. Ông có lấy vợ người Pháp là con gái của viên chức Trương Chánh Lalauer sinh được 1 con trai và hai con gái.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm