Khi thiếu nhi thích nhạc người lớn

29/05/2012 14:02 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Âm nhạc cho thiếu nhi với những bài ca trong sáng, hồn nhiên đã để lại một ấn tượng đẹp cho quãng đời thơ ấu của nhiều người. Nó cũng là một yếu tố thẩm mỹ quan trọng trong việc hình thành nhân cách của những công dân tương lai của xã hội.

TP.HCM, một trong hai trung tâm âm nhạc lớn của cả nước đã có một thời sôi nổi với những hoạt động âm nhạc của thiếu nhi, nhưng thời gian gần đây điều đó không còn nữa…

Nhạc sĩ Lê Vinh Phúc, người có thâm niên gần 30 năm sáng tác và làm công tác thiếu nhi tại TP.HCM cho rằng: Hiện nay phong trào không còn mạnh và sôi nổi rộng khắp như ở thập niên 1980-1990. Có nhiều nguyên nhân, song có thể kể những nguyên nhân cơ bản như: học sinh cấp 1, 2 ngày nay học quá nhiều, ngoài giờ học ở trường còn đi học thêm ngoại ngữ, vi tính… Mùa Hè các em cũng không có nhiều thời gian để vui chơi giải trí như trước đây. Sinh hoạt phong trào ca hát ở các CLB, nhà thiếu nhi vì vậy không còn tấp nập, hào hứng như trước.

Ngày nay, với sự trợ giúp của kỹ thuật, phòng thu có thể sửa chữa để nâng chất lượng giọng hát, nên nhiều phụ huynh bằng lòng với hiệu quả thực tế của bản thu âm mà không động viên các em nổ lực tập luyện như giai đoạn cách đây 2-3 thập niên.

Ở TP.HCM có khá nhiều ca sĩ, nhóm nhạc trưởng thành từ các CLB, nhà thiếu nhi như: nhóm Mây Trắng, Mắt Ngọc, ca sĩ Tóc Tiên (Nhà Thiếu nhi TP), Hiền Thục, Quang Vinh, Như Quỳnh, nhóm Tam ca Áo trắng… (Nhà Thiếu nhi Q.1). Nhưng những năm gần đây hầu như không có ai.



Nhóm HKT-M: nhóm nhạc thiếu nhi từ hình ảnh cho đến bài bài biểu diễn không còn chút gì gọi là “tuổi thơ trong sáng”

Ca khúc, băng đĩa vắng bóng

Một trong những yếu tố giúp mảng ca nhạc thiếu nhi có chất lượng, ngoài giọng hát thì ca khúc đóng một vai trò quan trọng. Ở TP.HCM, sau các nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, Trịnh Công Sơn, Trương Quang Lục có thế hệ của Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Vũ Hoàng, Thập Nhất, Lê Vinh Phúc… Nhưng sau đó nữa thì không có ai để lại dấu ấn với những ca khúc viết cho thiếu nhi.

Lý giải việc này, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng: “Hiện nay các nhạc sĩ sáng tác cho người lớn thì thị trường rộng lớn hơn, nhiều người sử dụng, dễ được nổi tiếng và điều khá quan trọng là có thể kiếm được nhiều tiền, còn sáng tác cho thiếu nhi thì ngược lại. Vì vậy mà thiếu nhi không có những ca khúc mới có chất lượng”.

Về băng đĩa, trước đây một số băng đĩa hình đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng công chúng như; Cả nhà thương nhau (Nhà Thiếu nhi TP), Đàn gà trong sân (Hãng phim Trẻ), Con cò bé bé (Trung tâm Băng nhạc Con cò bé bé)… được đầu tư dàn dựng quay cảnh với tất cả tâm huyết của đơn vị thực hiện. Ca khúc, giọng ca thể hiện cũng được biên tập, tuyển chọn kỹ càng.

Nhưng những năm gần đây, do nạn đĩa lậu, các hãng sản xuất gần như không đầu tư sản xuất chương trình, thay vào đó là việc làm tự phát của cá nhân, ai có tiền làm đĩa thì có thể thu âm bài hát, biểu diễn bài hát… và phát hành. Vì vậy, mà chất lượng không được như xưa, nhất là việc làm tự phát này cho ra đời đa số là những album của từng ca sĩ nhí chứ không có album tuyển tập với những giọng ca hay được tuyển chọn như trước đây.

Xu hướng “trẻ hóa già”

Những giọng ca “thiên thần” từng là thần tượng của tuổi nhỏ như Xuân Mai, Xuân Nghi giờ đây không còn nữa. Thay vào đó là những bé Châu, bé Lon Ton, bé Duy Phước, bé Thiên Ngân và đỉnh điểm là nhóm HKT-M.

Những ca sĩ nhí hát toàn nhạc người lớn, đáng lưu ý hơn đó là những bài nhạc não tình, gào thét “Dốc hết tình này ta trả nợ đời”, hoặc với những động tác vũ đạo gợi dục… xuất hiện khá nhiều trên những sân khấu biểu diễn tại TP.HCM. Băng đĩa nhạc của những ca sĩ nhí này cũng được bán lậu tràn lan ngoài thị trường và tiêu thụ với tốc độ khá nhanh. Những điều này đã làm dư luận một thời gian “nhức nhối”.

Phải chăng đây là hệ lụy của một thị trường âm nhạc phát triển không cân bằng, thiếu sự quan tâm cho thiếu nhi? Như đã nói trên, ca khúc mới cho thiếu nhi không nhiều, băng đĩa cho thiếu nhi không được đầu tư sản xuất chu đáo, những sinh hoạt âm nhạc cho thiếu nhi bị bó hẹp.

Sinh hoạt âm nhạc rình rang thường là những chương trình của người lớn. 3 năm trởi lại đây những chương trình truyền hình phủ sóng toàn quốc và rất hấp dẫn như Vietnam Idol, Cặp đôi hoàn hảo, bên cạnh các chương trình khác như Sao Mai - Điểm hẹn, Ngôi sao Tiếng hát truyền hình… Phải chăng đó cũng là điều góp phần “giúp” các em quen với việc thưởng thức nhạc người lớn?

Thật đáng quan tâm khi trong cuộc thi Vietnam’s Got Talent vừa qua, các thí sinh nhỏ tuổi đa số hát nhạc người lớn (nhạc Việt và cả nhạc nước ngoài). Nguyễn Nguyên Lê hát Born This Way, Trần My Anh hát Rolling In The Deep. Hoặc những gương mặt khá nổi trội như Vũ Song Vũ, hát Bà tôi, Ông tôi, My Heart Will Go On; Nguyễn Thị Thanh Trúc hát H’ren lên rẫy, Con cò; Vũ Đình Tri Giao hát You Raise Me Up, When You Believe…

Tuy qua lăng kính của một cuộc thi, nhưng đó cũng là điều đáng suy nghĩ về “gu” âm nhạc hiện nay của thiếu nhi. Tại sao có hiện tượng như thế? Và những giai điệu trong sáng vun đắp cho tâm hồn thế hệ tương lai của đất nước đã được quan tâm đúng mức?

Mơ tới những đội hợp xướng thiếu nhi Những đội hợp xướng thiếu nhi có truyền thống như: hợp xướng thiếu nhi Hàn Quốc biểu diễn trong chương trình Giai điệu mùa Thu (tháng 8/2011); hợp xướng thiếu nhi Italia biểu diễn tại Nhạc viện TP.HCM (2009) đã để lại cho khán giả nhiều ấn tượng đẹp với giọng ca trong sáng, hồn nhiên… Bao giờ thì TP.HCM có được những đội hợp xướng thiếu nhi như vậy?


BÌNH MINH

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm