Van Gogh - Thiên tài với lần bán tranh duy nhất trong đời

06/06/2023 07:35 GMT+7 | Văn hoá

Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam (Hà Lan), vừa bước sang năm thứ 50 vào cuối tuần qua với nhiều hoạt động kỷ niệm phong phú. Đây là nơi tôn vinh một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất thế giới, thu hút khoảng 2 triệu khách tới tham quan mỗi năm.

Tuy nhiên, bất chấp sự nổi tiếng này, Vincent Van Gogh (1853 - 1890) lại chỉ được ghi nhận1 lần bán tranh duy nhất trong suốt cuộc đời mình.

Nổi tiếng sau khi qua đời

Đó là bức The Red Vineyard, vẽ gần Arles ở Provence (Pháp) năm 1888. Người mua sáng suốt này là họa sĩ người Bỉ Anna Boch, có anh trai là bạn thân của danh họa. Cô phát hiện ra bức tranh phong cảnh rực rỡ này tại triển lãm năm 1890 của nhóm nghệ sĩ tiên phong Les XX mà cô là 1 thành viên.

Giá bán là 400 franc, tương đương 2.000 USD ngày nay (khoảng 47 triệu đồng), và có vẻ là 1 món hời lớn với người đang sống chật vật như Van Gogh. Nếu bức tranh được mang bán đấu giá thời nay, giá trị của nó ước tính lên tới hàng trăm triệu USD.

Van Gogh - Thiên tài với lần bán tranh duy nhất trong đời - Ảnh 1.

“The Red Vineyard”, bức tranh duy nhất Van Gogh bán được khi còn sống

Van Gogh từng mơ có thể vang danh sau khi chết. Và không lâu sau khi ông tự kết liễu đời mình vào tháng 7/1890, thị trường cho tranh của ông bắt đầu nở rộ. Boch tiếp tục mua bức thứ 2, Peach Blossom In The Crau, năm 1891. Cùng năm đó, em trai Van Gogh, nhà buôn tranh Theo, qua đời. Thực tế, Van Gogh đã trao một số tác phẩm của mìnhcho nhà buôn tranh màu Père Tanguy ở Paris, nhưng vợ góa của Theo -bà Jo Van Gogh Bonger, người thừa kế phần lớn số tác phẩm đồ sộ của ông - mới là nguồn cung cấp tranh chính. Kết quả, bà là người kiểm soát thị trường tranh của Van Gogh ở Paris, Berlin, London và cuối cùng là New York.

Năm 1901, nhà thơ người Pháp Julien Leclercq, với sự hỗ trợ của bà Jo Van Gogh Bonger, đã tổ chức buổi tưởng niệm Van Gogh đầu tiên tại phòng trưng bày Bernheim-Jeune ở Paris. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của nhà buôn tranh người Đức Paul Cassiser, người đã tạo ra thị trường cho các tác phẩm của Van Gogh ở Berlin, với sự hỗ trợ của nhà sử học nghệ thuật giàu ảnh hưởng Julius Meier-Graefe. Đến năm 1914, ước tính có khoảng 120 bức tranh của Van Gogh nằm trong các bộ sưu tập ở Đức và tác phẩm của ông nhanh chóng tăng giá.

Trong khi đó, tại Anh, nhà buôn tranh có mối liên hệ mật thiết nhất với Van Gogh là Alexander Reid. Năm 1887, Reid làm việc cùng Theo ở hãng Boussod &Valadon ở Paris và trong một thời gian ngắn, ở chung với cả 2 anh em nhà Van Gogh.

Tuy nhiên, dù ngoại hình rất giống họa sĩ (2 bức Van Gogh vẽ Reid, hiện ở Glasgow và Oklahoma, ban đầu được xếp vào danh mục tự họa), phải tới đầu thập niên 1920, ông mới bắt đầu triển lãm và bán tranh cho các nhà công nghiệp giàu có ở Glasgow và London. Trong những người này, đặc biệt phải kể tới nhà sưu tập người Scotland Elizabeth Workman, vợ 1 chủ hãng tàu thành đạt.

Van Gogh - Thiên tài với lần bán tranh duy nhất trong đời - Ảnh 2.

Bảo tàng Van Gogh nằm trong số những bảo tàng nghệ thuật thu hút nhất thế giới

Nhà sưu tập tranh Van Gogh quan trọng nhất thời đầu là 1 phụ nữ thông thái khác, Helene Kroller-Muller, người Đức nhưng sống tại Rotterdam, Hà Lan. Được cố vấn bởi họa sĩ - nhà phê bình người Hà Lan Henk Bremmer, bà lần đầu mua tác phẩm của Van Gogh vào năm 1908. Được sự hỗ trợ của chồng là nhà công nghiệp Anton (người ban đầu hoài nghi với đam mê mới của vợ), bà đã mua được không dưới 91 bức tranh và 180 bức vẽ trên giấy.

Cùng với nhà buôn tranh Cassier, Bremmer đã góp phần đẩy giá tranh Van Gogh. Kết quả, đồ giả bắt đầu xuất hiện ở một số phòng trưng bày và triển lãm. Vụ mạo danh nổi tiếng nhất phải kể tới là từ tay buôn nghệ thuật, cựu vũ công Otto Wacker, kẻ bị đưa ra tòa vào năm 1932.

Sức hút vắt qua 2 thế kỷ

Khi thị trường tranh Van Gogh tăng lên, tầm quan trọng của việc thiết lập quyền tác giả của 1 bức tranh hay phác thảo của ông càng trở nên cấp thiết hơn. Vào những năm 1980, với cơn sốt Van Gogh ở Nhật Bản, tác phẩm của ông bắt đầu đạt giá kỷ lục thế giới ở những cuộc đấu giá.

Năm 1987, đã có 1 cuộc tranh luận công khai xung quanh tính xác thực của bức Sunflowers do công ty bảo hiểm Hàng hải Yasuda mua lại vào năm 1987 với giá 39,9 triệu USD.

Van Gogh - Thiên tài với lần bán tranh duy nhất trong đời - Ảnh 3.

Chân dung tự họa của Van Gogh

3 năm sau, doanh nhân Nhật Bản Ryoei Saito lại trả mức giá kỷ lục 82,5 triệu USD cho bức The Portrait Of Dotor Gachet. Gần đây nhất, kỷ lục này bị phá vỡ vào tháng 11/2022, khi một bức tranh phong cảnh của Van Gogh từ bộ sưu tập của đồng sáng lập Microsoft Paul Allen được bán cho một người đấu giá ẩn danh với giá 117 triệu USD.

Ngày nay, Bảo tàng Van Gogh là nơi có tiếng nói cuối cùng khi cần xác thực tranh của ông. Chẳng hạn, bức Sunflowes của Yasuda đã được xác thực, dựa trên nguồn gốc của bức tranh và truy ngược về Jo Van Gogh Bonger. Thực tế, không chỉ là người kiểm soát thị trường tranh Van Gogh, bà Van Gogh Bonger cũng góp phần không nhỏ trong việc thành lập bảo tàng ngày nay.

Với tham vọng truyền bá hiểu biết về nghệ thuật của Van Gogh, quả phụ này đã duy trì 1 bộ sưu tập riêng các tác phẩm của anh chồng. Bộ sưu tập được chuyển quyền thừa kế cho con trai bà là Vincent Willem Van Gogh vào năm 1925 và cuối cùng cho Bảo tàng Stedelijk ở Amsterdam mượn, nơi nó được trưng bày trong nhiều năm, trước khi chuyển tới Quỹ Vincent Van Gogh do Hà Lan thành lập vào năm 1962.

Bảo tàng Van Gogh chính thức mở cửa vào ngày 2/6/1973, hiện là nơi chứa bộ sưu tập lớn nhất thế giới về các bức tranh và bản vẽ của Van Gogh với 200 bức tranh, 400 bức vẽ và 700 bức thư của người họa sĩ này. Vào năm 2017, bảo tàng có 2,3 triệu khách tham quan, là bảo tàng được ghé nhiều nhất ở Hà Lan và là bảo tàng nghệ thuật được ghé nhiều thứ 23 trên thế giới. Vào năm 2019, bảo tàng ra mắt Trải nghiệm gặp Vincent Van Gogh- 1 cuộc "triển lãm nhập vai" dựa trên cuộc đời và tác phẩm của Van Gogh, được lưu diễn toàn cầu.

Nhưng điều gì trong tác phẩm của Van Gogh vẫn hấp dẫn khách tham quan và người mua tiềm năng sau hơn 130 năm ông qua đời? Nhiều người cho rằng ngày nay, khi mọi người được khuyến khích quan tâm tới sức khỏe tâm thần, các tác phẩm của Van Gogh dường như có liên quan đặc biệt tới lĩnh vực này. Nhưng dù lý do là gì, và bất chấp sự khổ đaumà ông phải chịu đựng trong suốt cuộc đời, thị trường vẫn tiếp tục bị quyến rũ không chỉ bởi câu chuyện cá nhân bi thảm mà còn bởi tài năng nghệ thuật của ông.

Thiên tài hội họa

Vincent Willem Van Gogh (30/3/1853 – 29/7/1890) là họa sĩ trường phái hậu ấn tượng người Hà Lan, người sau khi qua đời đã trở thành 1 trong những nhân vật nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nghệ thuật phương Tây. Trước đó, không thành công về thương mại, bị coi là kẻ điên và thất bại, ông đã phải vật lộn với chứng trầm cảm và đói nghèo, cuối cùng dẫn tới vụ tự sát năm 37 tuổi.

Trong 1 thập kỷ, ông đã tạo ra khoảng 2.100 tác phẩm, bao gồm 860 bức sơn dầu, hầu hết được vẽ trong 2 năm cuối đời ông. Chúng bao gồm tranh phong cảnh, tĩnh vật, chân dung, tự họa và được đặc trưng bởi màu sắc đậm cùng nét vẽ ấn tượng, đầy biểu cảm đã góp phần tạo dựng nền tảng của nghệ thuật hiện đại.

An Bình (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm