Sự tự ái của quỷ đâu rồi, Man United?

27/12/2015 12:29 GMT+7 | Man United

(Thethaovanhoa.vn) - Con quỷ chỉ tồn tại trong truyền thuyết, hay thần thoại. Chẳng ai gặp nó để nói nó ra sao, như thế nào. Nhưng ai cũng có thể đoán được, thì cũng qua thần thoại thôi, nếu đùa với quỷ, nó bực lên, nó sẽ giết ta ngay tức khắc.

1. Quỷ không thích ai coi thường nó. Nó dễ nổi nóng và đầy tự ái. Nó sẵn sàng phản ứng lại ngay nếu bị chọc giận, và phản ứng mãnh liệt không ai ngờ.

Nếu nói về quỷ như thế thì đừng gọi Man United hiện tại là quỷ nữa. Họ giờ là một đội bóng trung bình, như Paul Scholes nhận xét. Và họ là một đội bóng bạc nhược, như chúng ta xem họ chơi trước Stoke đêm qua.

Cách đây hơn 1 tháng, Gerard Pique có nói Messi không thể thành công được ở ngay mùa bóng đầu tiên ở Premier League nếu anh chọn giải đấu đó. Và Pique mang ví dụ về sự khó khăn bằng mấy từ điển hình: Cơn mưa, sự quyết liệt, tốc độ và… Stoke City. Ai cũng cười khi nghe đến Stoke City. Ai mà coi trọng sức mạnh của đội bóng ấy. Họ chỉ là dạng CLB luôn nghĩ đến trụ hạng.

Đêm qua, không mưa (chỉ gió to thôi), không quá tốc độ, và vẫn Stoke City. Vậy mà Man United trở thành một hình dáng dật dờ trên sân cỏ. Nhìn Van Gaal đủ hiểu. Mặt ông nghệt ra sau bàn thua đầu, tóc bù xù, dáng vẻ theo kiểu không biết cách phản ứng thế nào. Tất nhiên, ở sức ép sa thải lớn như vậy, phản ứng đó là bình thường. Nhưng Man United đá như thế thì quá bất thường.

Sir Alex, làm ơn hãy cứu Man United!

Sir Alex, làm ơn hãy cứu Man United!

Khi Manchester United nhận bàn thua thứ hai từ Stoke City, đạo diễn hình đã cho chiếu ba khuôn mặt liên tiếp nhau. Đó là khuôn mặt của Ryan Giggs, Wayne Rooney và Sir Bobby Charlton.

2. Cả hiệp 1, người ta không còn thấy Man United nữa, mà nghĩ là đội bóng nào đó đang đá với Stoke City, đặc biệt là khi Man United không mặc màu áo đỏ truyền thống. 11 cá nhân trên sân, không ai thể hiện mình có một phản ứng nào sau bàn thua thứ nhất; và càng không bị kích động để bị phản ứng tăng cao hơn sau bàn thua thứ hai.

Nhìn họ đá, nếu không xem bảng tỷ số, chẳng ai nghĩ tỷ số đang là 2-0 mà ai cũng nghĩ nó đang là 0-0. Nói chung, không có một ai bên phần sân Man United tỏ ra mình đang là một “con quỷ”, với phản ứng giận dữ của nó khi bị một kẻ tầm thường cầm đuôi giật tưng bừng như chơi rước đèn.

Ngày xưa, Man United lúc nào cũng có những con người thể hiện cái phản ứng mãnh liệt khi danh dự bị xúc phạm. Họ có thể là Eric Cantona, Roy Keane; có thể là David Beckham; có thể là Ryan Giggs, có thể là Paul Scholes; có thể là Van Nistelrooy; có thể là bất kỳ một ai vô danh thôi so với tên tuổi của dàn sao mà Man United đã có. Đơn giản, tất cả cùng hiểu giá trị thương hiệu của cái logo mà họ mang trên ngực trái là gì; ai xúc phạm nó phải nhận lấy kết cục ra sao.

Còn hôm nay, cái logo đó dường như chỉ là một hình vẽ không hơn không kém. Các cầu thủ Man United như vô cảm khi bị dẫn trước, sự vô cảm thể hiện một đội bóng đang mất đi giá trị cốt lõi của mình.

Chỉ khi Rooney vào sân, người ta mới thấy lại cái tinh thần quyết liệt của “Quỷ đỏ”. Man United là thế. Nó phải là sự kết hợp của tính quyết liệt; tính chiến đấu; khát vọng cống hiến và danh dự. Nhưng tiếc là Rooney lại không còn ở tầm vóc phong độ đủ để thay đổi thời cuộc. Anh mất sức rướn của người sung sức; mất cảm giác của một tay săn bàn thính nhạy; mất độ uyển chuyển của một tiền đạo thượng thừa. Anh chỉ còn tinh thần của quỷ; sự tự ái của quỷ, nhưng lại lạc lõng giữa một tập thể không biết thứ đó là gì?

3. Tại sao Rooney ở sườn bên này phong độ vẫn là trung tâm của các bức ảnh quảng bá Man United. Điều đó hẳn giờ ta đã rõ, sau khi xem anh tiếp tục thể hiện tinh thần chơi bóng Man United của mình.

Nhưng có lẽ, đã đến lúc bức ảnh quảng bá cần thay người đứng ở trung tâm. Người đó cần phải có tinh thần như Rooney, nhưng phải ở đẳng cấp trình độ và phong độ cao hơn nhiều.

Tóm lại, Man United cần thay đổi nhiều hơn là chỉ cái tên Van Gaal…

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm