V-League và những 'vấp ngã' thời chuyên nghiệp

02/02/2023 08:33 GMT+7 | Bóng đá Việt

Thật khó tin là sau 20 năm tròn vận hành bóng đá chuyên nghiệp, mùa bóng 2023 của V-League đang đang đối diện với khởi đầu mông lung do xung đột về tài trợ giữa Công ty VPF và CLB HAGL. Nhưng xét ở góc độ nào đó, thì đấy chỉ là "vấp ngã" được để trong dấu ngoặc kép, không nên xem là tiêu cực.

1.  Từ cái thời mà công ty tiếp thị thể thao Strata phối hợp cùng LĐBĐ Việt Nam xây dựng ra V-League hồi năm 2002, thì các nhà tài trợ chính cho giải đấu luôn ở thế độc quyền ngành hàng như một quyền lợi mặc định.

Đây là giải pháp duy nhất để các nhà tổ chức có tiền vận hành bộ máy trong bối cảnh bóng đá Việt Nam không có nguồn thu nào đáng kể, đặc biệt là bản quyền hình ảnh. Trong làm ăn, đặc biệt là ở khâu tiếp thị, doanh nghiệp nào cũng muốn mình được độc quyền cả. Đó là một kiểu "bản năng" cho dù có được phép hay không.

Đó là một yếu tố của cái gọi là "chuyên nghiệp" ở bất kỳ lĩnh vực nào. Vì chính các tham vọng "duy nhất", 'số 1", "đứng đầu" đó thúc đẩy cạnh tranh, tạo ra các giá trị lớn hơn cho xã hội. Nên không thể nói là V-League bỏ điều khoản độc quyền khi vận động tài trợ. Giả sử như Sâm Ngọc Linh đang tài trợ 50 tỷ đồng nhờ độc quyền, nay đồng ý không độc quyền và giảm tài trợ xuống còn 30 tỷ, thì HAGL có lợi nhưng 13 đội còn lại thì thiệt thòi. Thực tế là Công ty VPF có thu được bao nhiêu thì cũng phải chi ra cho V-League bấy nhiêu, họ không hoạt động trên cơ sở lợi nhuận.

Tóm lại, không thể nói là lãnh đạo của HAGL không biết về yếu tố độc quyền của các nhà tài trợ chính. Có thể họ đã quên mất chi tiết này khi đàm phán với nhà tài trợ mới là nhãn hàng Carabao. Đó là một sai sót không mong muốn, nhưng tốt nhất là nên xem đó như một cú vấp tai hại thay vì "nâng quan điểm" đẩy trách nhiệm cho VPF hay bỏ giải.

Ở mùa giải trước, V-League chỉ có 13 CLB tranh tài sau khi Than Quảng Ninh rút lui vì thiếu tiền, trong đó có đến 4 CLB không hề có nhà tài trợ ngực áo giai đoạn đầu mùa (thường là tài trợ chính), nhưng rồi thì mùa giải vẫn kết thúc êm đẹp đấy thôi. Không lẽ tầm cỡ như HAGL lại không thể trụ nổi ở cú sốc vốn có nhiều tiền lệ này?

Rất khó để HAGL tránh việc đền bù hợp đồng với nhãn hàng Carabao hay tìm ra ngay một nhà tài trợ mới, nhưng việc họ tiếp tục thi đấu thì nằm trong khả năng. Vấn đề là họ có muốn đi tiếp với bóng đá chuyên nghiệp hay không mà thôi. Vì nói cho cùng, giờ có muốn đưa Công ty VPF ra tòa thì trước hết HAGL vẫn phải trả lời câu hỏi: đá hay không đá?!

Những “vấp ngã” thời chuyên nghiệp - Ảnh 1.

Cho dù với bất cứ lý do nào thì nếu Minh Vương và đồng đội ở HAGL không được tham dự V-League 2023 thì đấy vẫn là một thiệt thòi rất lớn với cả giải VĐQG. Ảnh: Hoàng Linh

`2. Phải đến hết ngày 31/1, người ta mới nhớ rằng triều đại huy hoàng của HLV Park Hang Seo đã kết thúc. Có vĩ đại đến đâu, rồi cũng sẽ phải chấp nhận một triều đại mới. Thành công nhiều hơn thì chẳng nói làm gì, nếu triều đại của tân HLV Philippe Troussier có thất bại, thì cũng chỉ là cái vấp ngã của một tiến trình chuyên nghiệp mà thôi.

Điều quan trọng không phải là sự thay đổi mà là liệu chúng ta có chuẩn bị và chấp nhận những thay đổi như vậy hay không. Đã có rất nhiều thời điểm, cứ sau một thất bại ở chu kỳ HLV nào đó, bóng đá Việt Nam có xu hướng "xóa hết làm lại". Hoặc có giai đoạn, chuyển từ việc thuê HLV ngoại sang sử dụng các HLV theo một cách cảm tính hơn là các những chiến lược rõ ràng trước đó.

Ví dụ như giai đoạn 2012 đến 2017 chỉ 6 năm nhưng có đến 3 đời HLV trong nước và xen giữa là chuyên gia Toshiya Miura đến từ Nhật Bản. Đó cũng là giai đoạn bất ổn nhất, chịu nhiều cú sốc thành tích nhất, của bóng đá Việt Nam. Về cơ bản, nó là một hệ lụy của việc không chịu nổi các vấp ngã của bóng đá chuyên nghiệp, dẫn đến càng làm, càng sai. Điều này khác hẳn với cuộc chia tay các chiếc ghế ở đội tuyển quốc gia ở thời điểm hiện nay. Triều đại của HLV Park Hang Seo dù khép lại không như mong muốn nhưng về cơ bản, tham vọng của bóng đá Việt Nam không thay đổi. Có thể vì chúng ta biết rằng, trước sau gì cũng phải làm mới mọi thứ.

Thế nên mới thấy tiếc khi V-League chỉ còn 1 ngày nữa khai mạc mà HAGL lại có khả năng không tham dự. Dù là lỗi của ai, thì đó vẫn là hậu quả của sự thiếu chuyên nghiệp trong một khâu nào đó, cách làm nào đó của bộ máy V-League tưởng là đã đạt được sự chuyên nghiệp sau 2 thập niên trưởng thành.

Có vẻ như chưa ai chuẩn bị cho những cú vấp ngã kiểu như thế này, nên cách giải quyết vấn đề cũng khá tùy hứng thay vì tìm cách tháo gở khó khăn cho nhau. Sự việc đã nẩy sinh 2 tuần trước giải, nhưng 2 ngày trước khai mạc vẫn chẳng thể tìm được điểm chung nào kể cả khi đã ngồi cùng nhau. 

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm