Làm 'Táo' V-League 2017

26/12/2017 06:19 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối năm, thử làm “Táo” V-League điểm lại mùa bóng chuyên nghiệp lần thứ 17. Mọi việc diễn ra trên khán đài và trong sân cỏ vẫn giống như các đây hơn 1 thập niên. Có chăng là khán giả ngày một ít đi.

Cúp về “vùng sâu, vùng xa”

Sau 5 năm “lưu lạc” kể từ màn lên ngôi của Đà Nẵng năm 2012, giờ Cúp vô địch bóng đá quốc gia mới trở lại miền Trung với Đinh Thanh Trung và các đồng đội.

Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Quảng Nam lên ngôi cao nhất ở V-League, càng ấn tượng hơn khi họ giương cao Cúp vô địch đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày tách tỉnh. Đây cũng là mùa thứ 2 liên tiếp ngôi vô địch V-League được xác định bởi chỉ số phụ khi 2 đội đứng đầu có cùng điểm. Nếu năm ngoái CLB Hà Nội đứng trên Hải Phòng do hơn hiệu số bàn thắng bại khi hai bên có cùng 50 điểm thì năm nay Quảng Nam vô địch nhờ hơn Thanh Hóa thành tích đối đầu khi có cùng 48 điểm.

Tiền đạo Anh Đức của B.Bình Dương đã giành danh hiệu Vua phá lưới Toyota V-League 2017 với tổng cộng 17 bàn thắng. Tiền đạo 32 tuổi này đã có cho mình danh hiệu Vua phá lưới đầu tiên trong sự nghiệp. Và Anh Đức cũng chính thức vượt qua kỷ lục 16 bàn của Lê Văn Thắng (FLC Thanh Hóa) để trở thành chân sút nội ghi nhiều bàn nhất trong một mùa giải V.League. Ấn tượng hơn, tiền đạo này đã trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên sau 15 năm đoạt Vua phá lưới - danh hiệu vốn được thống trị bởi ngoại binh và chân sút nhập tịch.

“Anh Tư V.League” là danh hiệu các đội bóng dành cho Than Quảng Ninh. Không hiểu sao, Than Quảng Ninh rất có duyên với vị trí thứ tư vì đây là mùa giải thứ 3 liên tiếp họ có thứ hạng này với số điểm trung bình là 43. Để vô địch, chắc họ còn phải chờ thêm cái duyên!

Nhà giàu cũng khóc

HLV Petrovic người từng vô địch Cup C1 châu Âu, sau khi đưa FLC Thanh Hoá giành ngôi Á quân V-League 2017, đã quyết định nói lời chia tay đội bóng xứ Thanh sau một năm gắn bó. Dường như ông thầy Serbia nhiều tuổi đã quá mệt mỏi, đôi lúc cảm thầy bế tắc khi tham gia V-League. Trước đó, ông Alain Fiard - HLV CLB TP.HCM đã phải rời đội bóng trước 2 vòng đấu do thành tích bết bát của đội bóng này. Có vẻ như V.League không phải là sân chơi phù hợp với các ông thầy ngoại, dù về chuyên môn, thành tích và bằng cấp họ đều hơn các HLV Việt Nam vài bậc.

FLC Thanh Hóa và CLB TP HCM là “những gã nhà giàu”, đúng là họ không tiếc tiền để đưa về thầy giỏi, cầu thủ hay nhưng làm sao có được chiếc Cúp thì cứ loay hoay hàng năm trời.

Trọng tài tiếp tục được đánh giá là mắt xích yếu nhất của V.League, dù bóng đá Việt Nam đã bước lên chuyên nghiệp. Dù BTC giải, Ban trọng tài đã làm hết cách, không để ông Nguyễn Văn Mùi - Trưởng Ban trọng tài phân công nhiệm vụ cho các “ông vua áo đen”, liên tục ra công văn nhắc nhở, chấn chỉnh đội ngũ này. Nhưng không có vòng đấu nào, không có đội bóng nào không phàn nàn, kêu ca, (dù cũng có những than phiền không đúng) và rốt cuộc những trận cầu đinh cuối mùa BTC vẫn phải thuê trọng tài ngoại. Dù trọng tài Pummarin Khamruen trước khi sang Việt Nam cũng đã “dính phốt” dàn xếp tỷ số ở giải Thai League. Quá hài!

Vụ “đứng hình tập thể” trên sân Thống Nhất, trận đấu giữa chủ nhà TP.HCM với Long An được xem là scandal tồi tệ nhất trong lịch sử V-League. Án phạt cấm hành nghề cho Chủ tịch Võ Thành Nhiệm, HLV Quang Sang, đội trưởng Quang Thanh, thủ môn Minh Nhựt cùng số tiền phạt CLB lên đến 100 triệu đồng, cảnh cáo đội bóng càng mang thêm tiếng xấu cho bóng đá Việt Nam. Những phản ứng dữ dội, có những lời lẽ khiếm nhã hướng vào trọng tài Nguyễn Trọng Thư của quan chức, HLV và cầu thủ Long An, đặc biệt là hành vi quay lưng khi đối phương đá 11m phút 82 và lộn nhào trêu người để đối phương ghi bàn ở tình huống sau đó của thủ môn Nguyễn Minh Nhựt được báo chí nước ngoài đồng loạt đăng tải.

Công Phượng, V-League và Thai League

Công Phượng, V-League và Thai League

Nhiều người tự hỏi, nếu Công Phượng sang chơi bóng ở Thai League liệu có tốt cho anh? Tương lai không biết nhưng phát ngôn bày tỏ mong muốn sang Thái Lan của tiền đạo này là có thật.

Gần 600 tỷ đồng được tiêu tốn cho cuộc chơi mang tên V-League nhưng chỉ lôi kéo 1.017.000 người (trung bình: 5,619 người/trận) đến sân thì khó có thể nói là thành công. Việc Toyota ngưng cuộc chơi sau 3 năm trong vai nhà tài trợ cũng là điều dễ tiên đoán.

Ngoài 2 ông thầy ngoại thì có 4 HLV nội nói lời chia tay với đội bóng. Khi tấm màn V-League 2017 khép lại, các CLB sẽ đóng cửa để phân tích mổ xẻ mùa bóng và con số HLV mất ghế sẽ chưa dừng lại đó. Sân cỏ Việt Nam vốn khó lường và chứa đựng quá nhiều bất ngờ, nghiệt ngã!

Đông Hùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm