U23 Việt Nam đã hình thành bộ khung nhưng còn nhiều nỗi lo

30/03/2023 05:31 GMT+7 | Bóng đá Việt

Sau trận đấu gặp U23 Kyrgyzstan, U23 Việt Nam đã gần như hình thành bộ khung chiến thuật nhưng vẫn còn đó nhiều nỗi lo.

U23 Việt Nam thành hình

Trận đấu gặp đối thủ vừa tầm Kyrgyzstan đem đến cho U23 Việt Nam nhiều bài học bổ ích và sự tự tin nhất định. Thầy trò HLV Philippe Troussier dễ dàng kiểm soát bóng, triển khai thế trận tấn công áp đảo. Hàng thủ đoàn quân áo đỏ cũng không gặp khó khăn quá lớn từ phía đối thủ.

Có thể nói, sau 3 trận đấu giao hữu tại Doha Cup, lối chơi của "những chiến binh sao vàng" đã dần thành hình, mạch lạc hơn. Bóng được triển khai từ thủ môn, tới trung vệ, tiền vệ và tiền đạo nhuần nhuyễn, xuyên suốt. Ở khu vực trung tuyến, Công Đến, Nhật Nam quán xuyến tốt để giúp U23 Việt Nam không bị vỗ mặt.

Các đường triển khai bóng tấn công sang 2 bên cánh, xộc vào nách trung vệ được làm tốt hơn dù chưa đem đến một kết quả cụ thể là bàn thắng. Trong trận đấu gặp Kyrgyzstan, không ít lần bóng được nhồi sang cánh để tiền đạo, tiền vệ đâm sâu xuống đường biên ngang và căng vào trong hoặc ngược lại cho tuyến 2 dứt điểm.

Những lỗi chuyền ngang, mất tập trung, xoay bóng lên trên được khắc phục tối đa nhất. Hay nói cách khác, thầy trò HLV Troussier đã hoàn thiện đáng kể và dần tự tin hơn với chiến thuật cầm bóng, áp đặt thế trận. Hệ thống 5-4-1 và 3-4-3 vận hành trơn tru, rõ ràng trong tấn công và phòng ngự.

Bộ khung từ thủ môn tới hậu vệ cũng đang dần được hình thành với chốt chặn mang tên Quan Văn Chuẩn. Phía trên là Quang Thịnh, Duy Cương, Tiến Long. Công Đến vẫn đang được tin tưởng ở vị trí tiền vệ tổ chức nhưng nếu không cải thiện được phong độ, anh hoàn toàn có thể bị thay thế.

Một vài cái tên khác nằm trong kế hoạch lâu dài của ông Troussier là Văn Khang, Văn Trường, Thanh Nhàn, Đức Việt, Minh Trọng. Nhưng chiến lược gia người Pháp vẫn sẽ phải cải tổ, làm mới đội hình hướng đến SEA Games 32 trên đất Campuchia. Những khoảng trống nơi hàng phòng ngự, phương thức ghi bàn cần được sửa chữa.

U23 Việt Nam: Đã hình thành bộ khung nhưng còn nhiều nỗi lo - Ảnh 1.

HLV Troussier vẫn còn rất nhiều việc phải làm với U23 Việt Nam trong quỹ thời gian hạn hẹp sắp tới. Ảnh: Hoàng Linh

 Còn nhiều nỗi lo

Tín hiệu vui từ U23 Việt Nam dễ dàng được nhận biết sau trận đấu gặp U23 Kyrgyzstan. Tuy nhiên, ông Troussier và ban huấn luyện còn không ít nỗi lo trước mắt. Điều đầu tiên kể đến chính là hàng phòng ngự. Chiều cao trung bình hạn chế, đi kèm đó là khả năng bọc lót vẫn là bài toán cần giải trước SEA Games 32.

Đây là điều không hề dễ giải quyết chỉ trong vòng 1 tháng tới. Thời gian thực mà HLV Troussier có chỉ khoảng 10 ngày, khi Cúp QG và Night Wolf V-League 2023 sẽ thi đấu từ ngày 31/3 đến 17/4. Đồng nghĩa với đó là việc U23 Việt Nam chỉ có thể tập trung trở lại từ ngày 18/4, trong khi môn bóng đá nam SEA Games 32 bắt đầu từ ngày 29/4.

Vấn đề thứ 2 mà ông thầy sinh năm 1955 gặp phải chính là hàng công. Sau 3 trận đấu, "những chiến binh sao vàng" chưa có được bất kỳ bàn thắng nào. Điều này đến từ nhiều nguyên nhân nhưng HLV Troussier cần "bắt đúng bệnh" để "mài sắc" hàng công cho những trận đánh lớn.

Văn Trường ở 2 trận đấu đầu tiên hoạt động rất đơn độc phía trên đã có bóng nhiều hơn ở cuộc đối đầu U23 Kyrgyzstan. Cơ hội cho tiền đạo trẻ sinh năm 2003 và đồng đội là có, nhưng đáng tiếc, ở những nhịp chuyền bóng cuối cùng, U23 Việt Nam vẫn chưa tìm thấy nhau.

Vấn đề cuối cùng chính là sự tự tin và cá tính. Đoàn quân áo đỏ đang gặp vấn đề về tâm lý và sự thiếu tự tin trong cách chơi. "Những chiến binh sao vàng" mất bóng rất nhiều và thường xuyên chuyền hỏng do không hiểu ý, thiếu tự tin vào kỹ năng bản thân trước đối thủ mạnh.

Bên cạnh đó, bài toán về một cá tính, ngôi sao đủ lớn thúc đẩy đội hình đi lên khiến ông Troussier đau đầu hơn cả. Những mẫu cầu thủ như Công Đến, Văn Trường, Văn Khang, Thanh Nhàn chưa thực sự chứng tỏ được tầm ảnh hưởng, khả năng đưa ra quyết định hay tính đột phá trong lối chơi.

Để thắng những trận đấu lớn, U23 Việt Nam cần có một cá tính, cầu thủ đủ lớn giải quyết trận đấu. 


Minh Dân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm