15/07/2022 08:05 GMT+7 | U19 Đông Nam Á 2022
Bất ngờ đã xảy ra ở giải U19 Đông Nam Á 2022, khi Lào lần đầu tiên vào chơi chung kết sau khi đã giành ngôi nhất bảng B một cách đầy ngạc nhiên. Điều đó không làm vơi đi nỗi thất vọng khi U19 Việt Nam để thua Malaysia 0-3 nhưng cũng phần nào giúp chúng ta có cái nhìn thận trọng hơn trong việc đánh giá về bóng đá trẻ.
Tai nạn hay bất ngờ?
Nếu nhìn nhận cho thấu đáo, đội bóng trẻ của HLV Đinh Thế Nam không vào được chung kết là … bình thường. Kỳ giải diễn ra trên đất Indonesia này là tròn 20 năm tính từ khi ra đời giải bóng đá trẻ được tổ chức hằng năm này của bóng đá Đông Nam Á.
Có lúc là U19, có lúc chỉ dành cho U18, nhưng trong 17 lần tổ chức (các năm 2020, 2021 không diễn ra do dịch Covid-19) thì chỉ duy nhất năm 2007 Việt Nam mới đoạt danh hiệu vô địch, ngoài ra cũng chỉ có thêm 4 lần lọt vào trận chung kết.
Cụ thể hơn, lứa U19 tài hoa của Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh từng đánh bại Australia ở vòng loại U19 châu Á năm 2013 cũng từng thua tức tưởi trước U19 Indonesia ở chung kết U19 AFF Cup năm 2013.
Tệ hơn nữa, là lứa đoạt vé dự U20 World Cup của những Quang Hải, Tiến Linh, Hoàng Đức … từng thảm bại 0-6 trước Thái Lan trong trận chung kết U19 AFF Cup 2015, rồi sau đó cũng dừng chân ở bán kết vào năm 2016, cho dù vài tháng sau đó chính đội tuyển này đoạt hạng 4 ở giải U19 châu Á để giành vé dự U20 World Cup.
Trong 2 giải U19 gần nhất vào các năm 2018, 2019 thì đội trẻ của Việt Nam thậm chí còn thi đấu tệ hại, bị loại ngay vòng bảng. Nhưng chính các cầu thủ như Công Đến, Tuấn Tài, Vũ Tiến Long, Việt Anh, Nhâm Mạnh Dũng… lại vừa có một năm 2022 cực kỳ thành công ở U23 AFF Cup, SEA Games 31 và VCK U23 châu Á 2022.
Và ngược lại, lứa cầu thủ từng vô địch năm 2007 đều không giúp gì được ở 5-7 năm sau đó, thời điểm bóng đá Việt Nam thất bại trên mọi phương diện (các năm 2011-2015)
Thực tế cũng rất rõ ràng: 3 đội bóng được xem là mạnh nhất giải đều thất bại. Chủ nhà Indonesia, đội bóng sẽ dự U20 World Cup năm sau với tư cách là quốc gia đăng cai, thậm chí còn bị loại ngay vòng bảng. So với trận thua của Thái Lan trước Lào, thì thất bại của U19 Việt Nam còn dễ chấp nhận hơn.
Chuyện U19 Lào vào chung kết, thậm chí vô địch, có lẽ cũng chẳng nói lên điều gì về nội lực của nền bóng đá quốc gia này ngoài một sự khích lệ cho công tác đào tạo.
Tóm lại, có thể người hâm mộ thất vọng với việc U19 Việt Nam không vào được chung kết nhưng đừng vì vậy mà đưa ra các nhận định vội vàng về triển vọng của họ trong tương lai gần. Họ có thể tệ hơn, nhưng cũng có thể sẽ trở thành những nhân tố quan trọng trong tham vọng tìm vé dự World Cup 2026 hoặc 2030.
Mọi đánh giá về họ lúc này đều là võ đoán, vì nói cho cùng, khả năng trưởng thành của họ tùy thuộc vào trải nghiệm trong màu áo CLB trong thời gian sắp đến. Họ cần những lời động viên hơn là chỉ trích, và quan trọng hơn là cách mà chúng ta sẽ giúp họ trưởng thành khi bước chân vào đời cầu thủ chuyên nghiệp.
Nhưng vẫn cần có thay đổi
Dù không đặt nặng thành – bại, nhưng việc phân tích khuyết điểm và sửa chữa là điều bắt buộc phải làm. U19 Việt Nam dưới sự huấn luyện của HLV Đinh Thế Nam có tư tưởng áp đặt lối chơi, đó là một chi tiết đáng khích lệ nhưng những vấn đề về thể lực, khả năng thay đổi chiến thuật, thái độ thi đấu thì lại lộ rõ điểm yếu thường thấy ở các đội bóng do HLV nội dẫn dắt.
Có một thực tế là không nhiều danh thủ Việt Nam chấp nhận sự nghiệp cầm quân ở bóng đá trẻ, nhất là lứa U17-U19. Họ thường khởi đầu nghiệp huấn luyện của mình từ lứa U21, trong khi đó các đội tuyển U19 trở xuống của VFF thường phải dùng đến các HLV “hạng 2”, trừ ngoại lệ là ông Hoàng Anh Tuấn, một ngôi sao của bóng đá Khánh Hòa và từng sang châu Âu để học nghề huấn luyện.
VFF từng giao đội U22 và mới nhất là đội U16 cho một cựu thủ môn ít tên tuổi là ông Nguyễn Quốc Tuấn (Gia Lai). Trong khi đó, huấn luyện các cầu thủ trẻ chưa bao giờ là việc dễ dàng, cầm quân tại các giải đấu quốc tế có áp lực thành tích lại càng khó, cần những người có kinh nghiệm.
Vì lẽ đó, có ít HLV của các đội trẻ đủ khả năng cầm quân ở các CLB chuyên nghiệp, nguyên nhân đến từ bản chất công việc hoàn toàn khác nhau. Trường hợp của ông Hoàng Anh Tuấn, Trần Công Minh, Vũ Hoàng Việt hay Trần Minh Chiến … là điển hình.
Vấn đề của U19 Việt Nam hiện nay không phải là chất lượng của cầu thủ, mà là vị trí HLV. Chúng ta không cần phải đánh giá thành – bại ở giải U19 AFF Cup mà quan trọng nhất vẫn là tìm người phù hợp để chuẩn bị cho vòng loại U19 châu Á sẽ diễn ra tại Việt Nam vào tháng 10 tới.
Hồi năm 2019, đội U19 do “phù thủy trắng” Philippe Troussier dẫn dắt đã đoạt vé dự VCK, nhưng do giải U19 châu Á 2021 bị hủy nên ông này cũng chia tay luôn. Có thể VFF cân nhắc chuyển đội U19 hiện nay cho ông Gong Oh Kyun nhằm tận dụng thời gian rảnh rỗi của HLV người Hàn Quốc sau khi Asiad 2022 không thể diễn ra với U23 Việt Nam.
Và cuối cùng, vẫn là câu chuyện muôn thuở: Lứa cầu thủ U19 này sẽ đi về đâu trong đời sống chuyên nghiệp trong thời gian tới? Cần nhớ rằng, những người như Nguyễn Văn Trường hay Khuất Văn Khang đã đủ khả năng đá V-League nhưng hoàn toàn không có cơ hội chơi bóng tại CLB nên mới “rảnh rỗi” sang Indonesia đá U19 AFF Cup.
Hồi năm 2018, dù vẫn còn trong độ tuổi, nhưng thủ môn Bùi Tiến Dũng và hậu vệ Đoàn Văn Hậu không cần phải khoác áo U19 chỉ vì họ đã có chỗ đứng tại CLB. Thế nên, đây mới là cái đáng lo, đáng bàn chứ không phải chuyện họ không vào được chung kết…
Long Khang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất