Tuyển HLV cho ĐTQG có cần phức tạp thế?

10/05/2012 11:53 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Trước đây mỗi lần VFF tuyển chọn HLV trưởng cho ĐTQG là một lần khiến dư luận mệt mỏi vì quy trình tuyển chọn dài lê thê nhưng kết quả đôi khi lại nằm ngoài sự tưởng tượng. 

*Bạn cũng có thể bình luận về bài viết này trên http://www.facebook.com/baothethaovanhoa

Chẳng hạn như năm 2008, VFF và Hội đồng HLV QG đã mất cả mấy tháng trời để sàng lọc, thẩm định hồ sơ để chọn ra những ứng viên sáng giá nhất, trong khi một gương mặt cực kỳ phù hợp, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của VFF và quan trọng nhất là đang làm việc ở VN lại bị bỏ ra ngoài danh sách, và ứng viên này chỉ có tên vào phút chót sau khi báo chí lên tiếng và ông Chủ tịch VFF đứng ra bảo lãnh. Thế rồi ứng viên giờ chót này sau đó đã được bổ nhiệm chính thức và cùng ĐTQG làm nên lịch sử ở AFF Suzuki Cup 2008 với ngôi vị quán quân. Vâng, chúng ta đang nói đến HLV Henrique Calisto, người đã không còn ngồi ghế HLV trưởng ĐTQG từ hơn một năm nay nhưng vẫn còn khá nhiều ảnh hưởng với bóng đá VN.


 Nếu không có báo chí và ông Chủ tịch VFF thì HLV Calisto khó có cơ hội lần thứ 2 dẫn dắt ĐTQG VN. Ảnh: Quốc Khánh

Rồi năm ngoái, khi HLV Calisto tuyên bố từ nhiệm để chạy theo tiếng gọi của đồng baht Thái, VFF cũng lại tổ chức một cuộc tìm kiếm rắc rối và nhiêu khê khác. Người giành chiến thắng trong cuộc marathon này, HLV Falko Goetz, từng được Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ ca ngợi như là ông thầy ngoại giỏi nhất từng cộng tác với bóng đá VN, bởi HLV Goetz sở hữu bản lí lịch cực kỳ hoành tráng và là HLV ngoại duy nhất từng cầm quân ở Cúp châu Âu đến với VN. Thế nhưng chỉ chưa đầy một nửa năm sau, HLV Goetz đã gây thất vọng nặng nề gấp nhiều lần so với sự kỳ vọng mà người ta dành cho ông khi mới nhậm chức.

Điểm chung giữa 2 lần tuyển chọn HLV cho ĐTQG gần nhất của VFF là gì? Họ, HLV Calisto và HLV Goetz, đều được tuyển chọn trên những tiêu chí khá mơ hồ, và chủ yếu xuất phát từ ý chí chủ quan của một số lãnh đạo VFF. Bằng chứng là HLV Calisto tuy là ứng viên phù hợp nhất cho cuộc tuyển chọn năm 2008 nhưng lại không được đưa vào danh sách vào phút chót nếu không có sự lên tiếng của báo chí và sự can thiệp của Chủ tịch VFF, còn HLV Goetz lại thắng cuộc nhờ bản lí lịch ấn tượng, dù rằng không có chút xíu kinh nghiệm nào ở ĐTQG cũng như bóng đá châu Á như tiêu chí bắt buộc do VFF đưa ra với các ứng viên khác.

Mà dân gian hay nói “Nhân nào quả nấy”, cách tuyển chọn HLV của chúng ta có phần lỏng lẻo và tuỳ hứng như thế, nên kết quả, hay nói chính xác hơn là sự thành bại của mỗi ông thầy được chọn cũng đầy ngẫu nhiên và may rủi như chơi xổ số, và HLV ngoại nào nếu thất bại cũng đều phải trả giá bằng chiếc ghế của mình, bất chấp việc trước đây từng lập được những chiến tích hiển hách cỡ nào. Cái nghề HLV bóng đá đã nổi tiếng là khắc nghiệt và rủi ro, nhưng nếu dẫn dắt một ĐTQG thì sự khắc nghiệt và rủi ro ấy còn nhân lên gấp mấy chục lần, bởi nếu đội bóng thành công thì không sao, còn trong trường hợp thất bại thì HLV trưởng có nguy cơ trở thành “kẻ thù” của hàng chục triệu CĐV.

Thế nên cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi các HLV nội có thương hiệu ở V-League đều ngoảnh mặt với ĐTQG trước yêu cầu phải chuyên trách do VFF đưa ra, bởi cứ nhìn vào số phận của mấy HLV ngoại tiền nhiệm ở ĐTQG thì cũng đủ rõ điều gì đang chờ đợi họ nếu họ chấp nhận vứt bỏ tất cả những gì đã gây dựng được ở CLB để bước vào cuộc phiêu lưu với ĐTQG. Có lẽ nào bóng đá VN lại phải quay về với phương án thầy ngoại, và điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta sắp sửa khởi động một quá trình tìm kiếm đầy phức tạp và rắc rối nữa.

Tuyển chọn HLV cho ĐTQG có nhất thiết phải phức tạp đến như thế?!

Hoàng Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm