Từ tấm bùa của Falko Goetz

15/11/2011 12:45 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Sáng tập thể dục hồi phục, chiều đi bộ vài km gọi là hít thở không khí đời sống Jakarta, tối… hội ý, đấy là những tính toán có chủ ý trong các bước chuẩn bị cho vòng bán kết của HLV Falko Goetz. Vì một ngày không giống mọi ngày, nên giấc ngủ về đêm cũng chập chờn.

Từ tấm bùa của Falko Goetz

Như rất nhiều lần TT&VH đã đề cập, các ĐTQG dưới triều đại HLV Goetz luôn họp rất nhiều. Sáng trước khi ra sân tập: họp; tập xong: họp dã chiến ngay trên sân và tối vệ: cũng họp. Vì hội họp suốt ngày và còn hơn cả… cán bộ, nên các thành viên ĐT đã hài hước rằng: “Không phải là họp, mà là hội ý”. Hết họp toàn đội, rồi lại họp BHL, thi thoảng HLV Goetz còn họp riêng với các trụ cột.

Tại các buổi họp ấy, HLV Goetz ngoài việc làm tư tưởng cầu thủ, thì ông đặc biệt dành phần lớn thời lượng để thuyết giảng về chuyên môn. Từ các vị trí trên sân, cho đến các miếng đánh, ông Goetz cụ thể hóa bằng một tấm bản đồ, với đầy những mũi tên chuyển hướng. Các trợ lý HLV nói, đó là lá bùa của thuyền trưởng Goetz và nó được đem từ phòng họp ra tận sân, lúc đội bóng lâm trận.

Thông thường, các HLV vẫn dùng sa bàn chuyên dụng với sẵn những viên nam châm để làm chiến thuật, chỉ đạo cầu thủ. Một số khác có điều kiện hơn với tấm bảng lớn và cây bút lông trong tay. Nhưng với HLV Goetz là tấm bìa carton to bản và những nét vẽ sẵn trên đó. Vì là thiên cơ bất khả lộ, nên ông lệnh cho các trợ lý của mình bảo quản, giữ gìn như thể báu vật.

Đến những cánh thư tay viết vội

Người tinh ý thi thoảng vẫn thấy HLV Goetz kéo lại khu kỹ thuật một cái tên nào đó và nhét vội cho anh ta mảnh giấy. Không chỉ có tuyệt chiêu huýt gió rất đặc biệt, các động tác tay chân kiểu ngôn ngữ hình thể đặc thù, thuyền trưởng người Đức còn chỉ đạo học trò bằng thư tay theo cách đó. Vậy từ chuyện tấm bùa carton hộ mệnh trong các buổi họp, đến những cánh thư tay giữa trận đấu, có gì liên quan không?

Phải, nếu như tấm bùa hộ mệnh là cả một giáo trình, thì những cánh thư tay với dòng chữ viết vội, như thể “nhắc tuồng”. Có thể đó là một nét đặc biệt của ông Goetz, nhưng khi chứng kiến cách chỉ đạo ấy cứ thấy hài hước. Đã hơn 2 tháng mài kinh luyện sử, nhưng HLV Falko Goetz vẫn cứ canh cánh mối lo sợ các học trò mình không thuộc bài. Thế nên mới phải cần bùa và cần thư truyền tay để cầu thủ nhớ bài.

CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm