Từ nghĩa cử thả hoa…

22/07/2019 06:59 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày này, cả nước đang tiến hành kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7). Đây là dịp mà đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc được thể hiện sâu sắc, thiêng liêng thông qua các hoạt động tri ân, thăm hỏi, tặng quà các thương, bệnh binh và người có công với cách mạng, các gia đình có thân nhân là thương binh, liệt sĩ…

Lễ dâng hương các anh hùng liệt sĩ trên vùng biển Gạc Ma

Lễ dâng hương các anh hùng liệt sĩ trên vùng biển Gạc Ma

Ngày 20/1, Đoàn công tác số 2, đi chúc Tết Mậu Tuất 2018 quân và dân huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), có mặt tại vùng biển Gạc Ma, làm lễ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong rất nhiều các hoạt động dịp này, Đại lễ hoa đăng tại Bến thả hoa bờ Nam sông Thạch Hãn ở Quảng Trị nhằm tưởng nhớ và tri ân sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ thu hút được sự quan tâm của người dân địa phương cũng như khách thập phương.

Nhắc đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, một trong nhiều địa danh được nhân dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế nhớ nhất có lẽ chính là thành cổ Quảng Trị, nơi đã diễn ra trận chiến 81 ngày đêm ác liệt mùa Hè đỏ lửa năm 1972.

Một trong những người lính Thành cổ Quảng Trị ngày ấy là Lê Bá Dương - cựu chiến binh Trung đoàn 27 Anh hùng. Sau chiến tranh, trong nỗi nhớ thương đồng đội da diết, anh tìm về chiến trường xưa, lặng lẽ hái những bông hoa rừng thả xuống dòng sông để tưởng nhớ đến những đồng đội đã ngã xuống, đã vĩnh viễn nằm lại dưới dòng sông Thạch Hãn.

Chú thích ảnh
Bến thả hoa ở bờ Nam sông Thạch Hãn. Ảnh: Hưng Thơ/ Báo Lao động

Rất nhiều năm sau đó, mỗi khi có dịp về thăm lại chiến trường xưa, anh đều làm việc này. Đến năm 1987, anh về lại Quảng Trị, vào chợ mua hoa rồi thuê thuyền lênh đênh thả hoa trên dòng Thạch Hãn. Câu chuyện xúc động giàu chất nhân văn của Lê Bá Dương đã lan nhanh khắp thị xã Quảng Trị. Người dân ở đây không ai bảo ai đều ra bến sông từng nhuộm đỏ máu, thả hoa viếng các liệt sĩ. Nhiều gia đình sống ở Thành cổ Quảng Trị đã tự trồng những vườn hoa, để đến ngày Rằm hoặc lễ, Tết cắt đưa đi viếng, thả hoa trên sông Thạch Hãn tri ân tưởng nhớ các liệt sĩ.

Và cùng từ việc làm này của anh, tỉnh Quảng Trị đã nâng nghĩa cử ấy lên thành lễ hội thả hoa trên sông Thạch Hãn. Hàng năm cứ vào dịp 27/7, hàng ngàn người trên mọi vùng miền Tổ quốc đã tề tựu về đây, thả hoa đăng, hướng ra sông bái vọng, tưởng nhớ, tri ân các liệt sĩ đã mãi mãi “đáy sông còn đó bạn tôi nằm…” (thơ Lê Bá Dương).

***

Anh họ tôi là sĩ quan quân đội kể rằng, có lần bạn đồng nghiệp của anh tìm được hài cốt của người em trai từ chiến trường Tây Nam đưa về quê chôn cất. Trong hành trình đưa về, đoàn có ghé qua phòng làm việc của cơ quan… Mặc dù mọi người trong phòng khi đó không có ai là thân nhân, nhưng trước di cốt liệt sĩ, ai ai cũng rơi nước mắt, một số người xin được theo đoàn đưa liệt sĩ về quê…

Tình cảm ấy, anh tôi lý giải rằng, có thể bắt nguồn từ sự tiếc thương của mọi người trước sự hy sinh của người lính khi anh còn trẻ quá, mới 20 tuổi đầu. Tình cảm ấy còn là sự khâm phục và biết ơn từ trong sâu thẳm trước sự hy sinh xương máu của người lính để mọi người hôm nay có được cuộc sống yên bình. Tình cảm ấy phản ánh thật sâu sắc đạo lý “uống nước nhớ nguồn”…

Câu chuyện của anh tôi cũng lý giải được một phần là tại sao lễ hội thả hoa trên sông Thạch Hãn tưởng nhớ các liệt sĩ, bắt đầu từ Lê Bá Dương lại có sức lan tỏa lớn như thế, và bây giờ lễ hội ấy không còn là của riêng tỉnh Quảng Trị nữa mà đã đi vào tâm thức của cả dân tộc.

Giờ đây, không chỉ vào dịp 27/7 hàng năm mà bất kể ngày nào, rất nhiều khách tham quan trong nước cũng như nước ngoài mỗi khi có dịp hành hương về đây đều không quên ghé vào thành cổ dâng hương, cùng ra bến sông để thả hoa, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ…

Xuân An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm