Từ chuyện 'ủi bay mộ vợ vua'

27/06/2017 07:10 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện "ủi bay mộ vợ vua Tự Đức làm bãi đỗ xe" đang hút sự chú ý tối đa của người dân Huế cũng như trên cả nước.

Cụ thể, từ giữa tháng 6, dư luận liên tục lên tiếng về việc một đơn vị tại Huế đang tổ chức san ủi mặt bằng tại khu vực gần Lăng Tự Đức để làm bãi đỗ xe phục vụ khách tham quan. Nhiều chuyên gia cho rằng khu vực đang san lấp vốn là lăng mộ của bà Mỹ Phi, một trong những người vợ của vua Tự Đức.

Sau kiến nghị của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, khu vực này được  dừng thi công để tiến hành khảo sát. Và chiều 24/6, một tấm bia cổ đã được tìm thấy tại đây.

Chú thích ảnh
Vị trí khu vực nghi mộ của vợ vua Tự Đức bị san lấp. Ảnh: Nhật Linh - Báo Tuổi Trẻ

Dòng chữ Hán trên bia cho thấy: nhiều khả năng, đây là bia mộ của vợ một vị vua triều Nguyễn. Như vậy, dù chưa đủ tư liệu để khẳng định khu vực này là lăng mộ bà Mỹ Phi, những băn khoăn của dư luận và người dân bản địa ít nhiều có cơ sở để đặt ra.

Điều đáng nói, khu vực được san lấp làm bãi để xe hiện vẫn không nằm trong diện tích khoanh vùng bảo vệ của lăng Tự Đức và cũng không được giao cho một cơ quan về văn hóa quản lý (chẳng hạn như Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế.)

Cho nên, để xảy ra câu chuyện đáng tiếc này, người ta lại nhắc tới một vấn đề cũ: quy hoạch khảo cổ.

***

Nôm na, quy hoạch khảo cổ là là hệ thống "bản đồ" xác định các di tích trên địa bàn, kèm theo phương án bảo vệ. Đặc biệt, "bản đồ" này còn dự báo và cập nhật các khu vực có tiềm năng về khảo cổ để thăm dò khai quật khi cần. Không dừng ở việc bảo tồn di sản, một quy hoạch như vậy còn rất hữu ích khi đối chiều và điều chỉnh liên thông trong quy hoạch phát triển đô thị.

Thực tế, Luật Di sản Văn hóa bổ sung năm 2010 đã quy định các địa phương có trách nhiệm xây dựng bản quy hoạch này. Nhưng, cũng ngần ấy năm, câu chuyện quy hoạch khảo cổ vẫn chỉ đang... nhúc nhích quanh vạch khởi động.

Hoàn thành trùng tu di tích Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ - Lăng Tự Đức

Hoàn thành trùng tu di tích Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ - Lăng Tự Đức

Lăng Tự Đức có gần 50 công trình trong lăng ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng mộ. Tất cả các công trình này đều gắn với chữ Khiêm trong tên gọi.

Điển hình, chỉ cần lấy ví dụ tại tỉnh Khánh Hòa. Năm 2011, địa phương này từng tạo ra "mốc son" trong ngành cổ, khi là nơi đầu tiên triển khai phối hợp điều tra, nghiên cứu hệ thống di chỉ trên toàn tỉnh để lập quy hoạch. Thế nhưng, đến thời điểm này, bản quy hoạch ấy vẫn đang trong tình trạng "treo" và chưa được phê duyệt bởi nhiều lý do, đặc biệt là từ yêu cầu giải tỏa quỹ đất để cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ tại các di  chỉ khảo cổ, hoặc khu vực nghi có di chỉ.

Hàng chục sự cố của ngành khảo cổ học trong vài năm qua đều ít nhiều bắt nguồn từ việc thiếu vắng những bản quy hoạch khảo cổ như vậy. Chẳng hạn, tại Hà Nội, đó là việc xúc đổ một đoạn tường thành Thăng Long cũ khi thi công cầu vượt tại Hoàng Hoa Thám, hoặc những lúng túng, dùng dằng khó giải quyết khi làm đường đi qua móng đàn Xã Tắc ở Hoàng Cầu.

Xa hơn, như thống kê của TS khảo cổ Tống Trung Tín, 80, 90 % các di tích liên quan tới thời đại kim khí  trên toàn quốc đã bị xóa sổ hoàn toàn vì không được quy hoạch bảo vệ.Trong đó, có những di tích cực kì quan trọng như khu di chỉ khảo cổ Phùng Nguyên (Lâm Thao, Phú Thọ) hay mộ táng Thủy Nguyên (Hải Phòng).

Trở lại câu chuyện tại Lăng Tự Đức. Rõ ràng, nếu được quy hoạch là khu vực "nhạy cảm", phần diện tích làm bãi đỗ xe cần phải được thăm dò, tìm kiếm dấu tích của di chỉ khảo cổ trước khi tiến hành san ủi. Để rồi, dù kết quả thế nào, người ta cũng có thể yên tâm rằng không có chuyện thêm một địa điểm đặc biệt trong lịch sử của cố đô Huế lại mất đi.

Câu chuyện lập quy hoạch khảo cổ, đặc biệt là ở các đô thị, một lần nữa lại làm chúng ta lo lắng. Cần nhớ, theo đánh giá của các chuyên gia, nếu được tạo điều kiện tối đa, chúng ta cũng phải mất chừng 15 năm để việc xây dựng hệ thống quy hoạch khảo cổ được hoàn thiện trên toàn quốc.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm