18/08/2013 16:31 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - Từ xưa đến nay, giới nghiên cứu vẫn “chia hai phe” khi luận bàn về công/tội của danh sĩ Nguyễn Trường Tộ (1830?-1871). Có một thời, phái luận tội thắng thế. Những năm gần đây thì tình thế có thay đổi, khi mà nền học thuật nước nhà đã có nhiều bước chuyển biến tích cực và khách quan hơn trong đánh giá.
Tác phẩm Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức (NXB Trẻ, 2013) của Nguyễn Đình Đầu, với nhiều sử liệu khả tín, là một công trình đi theo hướng tích cực này.
Bằng cách bám sát vào nhiều nguồn sử liệu và tài liệu, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã chỉ ra rằng việc quy kết Nguyễn Trường Tộ “tay sai, bán nước” là quá ấu trĩ. Lật giở lại hành trình tri thức và thái độ khoa học của Nguyễn Trường Tộ, sách không chỉ chứng minh được tài năng vượt bậc, tư duy táo bạo, quan điểm cấp tiến, canh tân… mà còn gián tiếp cho thấy lý do vì sao ông bị cô lập.
Như tựa đề, sách gồm hai câu chuyện song hành, một là về nhà canh tân bất thành Nguyễn Trường Tộ, một là về triều đình nhà Nguyễn thời vua Tự Đức, vốn khá bảo thủ, lạc hậu. Để qua đây, sách một lần nữa cho thấy sự tiếc nuối của hậu bối với tiền nhân, bởi tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ mà được áp dụng ngay đương thời thì tình thế của Việt Nam đã có nhiều thay đổi lớn lao.
Bìa sách Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức |
Với kiến thức sâu rộng, kết hợp được tư tưởng Đông Tây, các sách lược canh tân của Nguyễn Trường Tộ đi thẳng vào các lĩnh vực từ nông nghiệp, thương mại, quốc phòng… cho đến ngoại giao, văn hóa, giáo dục, xã hội, kiến trúc, xây dựng…
“Bi kịch của Nguyễn Trường Tộ, ngẫm ra là một nghịch lý khó tin nhưng có thật. Yêu nước nhưng không được giúp nước vượt qua đại họa ngoại xâm; thực sự có tài năng xuất chúng nhưng vấp phải vật cản quá lớn - sự trì trệ bảo thủ, dị ứng với chủ trương duy tân, tự cường của triều đình Tự Đức và sự nghi ngờ dai dẳng của họ với những người tin theo Kitô giáo. Bi kịch lớn lao ấy bình thường ra có thể nhấn sâu những con người nặng lòng với đất nước vào tình trạng trầm cảm, u uất, bế tắc. Nhưng với Nguyễn Trường Tộ thì không. Ông đã bộc lộ một phẩm chất đáng tôn trọng: sự kiên trì nhẫn nại - nhẫn nại đến mức phi thường” – PGS.TS Trần Hữu Tá viết.
Và ông khẳng định: “Giờ đây, trong hoàn cảnh đất nước đang quyết tâm đổi mới, tự cường, khắc phục nguy cơ tụt hậu, đọc lại tập Điều trần của Nguyễn Trường Tộ, tin rằng mỗi trí thức cao cấp cũng như mỗi độc giả bình thường đều sẽ có những cảm nhận đặc biệt. Có thể đó là sự xúc động về lòng yêu nước chân thành nồng nhiệt của người đã khuất. Dường như ông không phải viết bằng mực bình thường mà bằng máu từ chính trái tim mình - một trái tim luôn quặn thắt trước tình hình ngày càng bi đát của đất nước”.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất