TS Nguyễn Sỹ Dũng: “Ai làm ăn trung thực hãy mua hàng giá cao của người đó”

11/06/2015 06:42 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - "Ai làm ăn trung thực hãy mua hàng giá cao của người đó”. Đặc biệt, với mạng xã hội như hiện nay người tiêu dùng hoàn toàn có thể hỗ trợ cho những người làm ăn chân chính và sẵn sàng thưởng cho những người làm ăn có lương tâm" - ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhận định.

Tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) những năm gần đây luôn tăng cao về số lượng vụ việc và mức độ vi phạm, gây nhức nhối trong dư luận xã hội. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2014 cả nước ghi nhận 189 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 5.100 ca mắc, 4.100 ca nhập viện và 43 trường hợp tử vong. Chỉ trong quý I/2015, cả nước xảy ra 23 vụ, làm gần 800 người bị ngộ độc thực phẩm. Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình) cho rằng, vấn đề ATVSTP diễn biến với thời gian quá lâu, báo chí đã nói nhiều về vấn đề này. "Nhiều đại biểu Quốc hội từng thảo luận và tỏ ra bức xúc, người dân thì bất an nhưng cuối cùng lại đâu vào đấy. Vì vậy, Nhà nước cần có những giải pháp và chế tài thật mạnh hơn nữa bởi vấn đề vi phạm ATVSTP ảnh hưởng đến sức khỏe người dân đã kéo dài trong nhiều năm qua, nhưng giải quyết vụ việc được quá nhỏ so với thực tế. Đây cũng nguyên nhân góp phần cho lượng khách du lịch đến Việt Nam giảm trong thời gian qua" - đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.


Đội thanh tra liên ngành kiểm tra các cơ sở chế biến, sản xuất kinh doanh các mặt hàng thực phẩm. Ảnh: Thái Thuần - TTXVN

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, vấn đề ATVSTP cũng cấp bách như vấn đề an toàn giao thông đang đặt ra khi số người bị ảnh hưởng sức khỏe lâu dài mà không biết ngay và gây ra sự hoài nghi lo lắng cho người dân. Do đó, đây là câu chuyện quản lý và đầu mối quản lý không nên để ở quá nhiều bộ ban ngành mà để một bộ chịu trách nhiệm chính có sự kết hợp với các đơn vị liên quan cùng xử lý. Khi phát hiện ra đơn vị sản xuất, phân phối lương thực, thực phẩm vi phạm về ATVSTP, cơ quan chức năng cần phạt nặng chứ không phải chỉ ở mức dăm ba triệu đồng không đủ sức răn đe. Đồng thời công bố công khai người lãnh đạo cũng như đơn vị này trước công chúng. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần hỗ trợ, đầu tư, trợ giá cho người dân sử dụng công nghệ sạch trong quy trình sản xuất ở những vùng ven thành phố; bao tiêu sản phẩm và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân cùng hiểu về vấn đề ATVSTP đối với các mặt hàng này.

Còn Đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc (Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) cho rằng, ATVSTP là vấn đề liên quan đến tất cả các ngành chứ không phải ngành nào nên câu chuyện này suốt thời gian qua giải quyết không được triệt để, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Đây là câu chuyện phối hợp giữa các ngành để tạo sự quản lý chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ hay từ ngoài đồng, trên đường cho đến mâm cơm.


Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện an toàn thực phẩm tại một siêu thị. Ảnh: Thái Thuần - TTXVN

Đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc nêu câu chuyện: "Người dân có mảnh ruộng quây lại một góc sản xuất lúa cho gia đình ăn, phần còn lại đem đi bán, thế nhưng vấn đề là người dân đâu có biết con cái của họ đi học, đi công tác, lao động ăn phải gạo trong thửa ruộng kia sẽ như thế nào? Như vậy, vấn đề này cần tuyên truyền để người dân hiểu, nâng cao nhận thức cho người dân về công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng",

Về vấn đề trách nhiệm của các Bộ, ngành với vấn đề ATVSTP, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho biết: "Vấn đề kiểm soát ATVSTP đã được giao trách nhiệm cho các bộ, ngành liên quan. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm từ phân bón, trồng trọt, nuôi trồng như thế nào để đảm bảo an toàn vệ sinh; Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về nhập khẩu, lưu thong, thị trường; Bộ Y tế chịu trách nhiệm trong các lĩnh vực kiểm soát ngộ độc thức ăn. Như vậy, đã có sự phân cấp, phân trách nhiệm khá rõ ràng. Vấn đề là các ngành này phải hoàn thành nhiệm vụ của mình, đây là yếu tố rất quan trọng. Vấn đề đặt ra là với bộ máy như vậy đã đủ chưa? Mặc dù một số nơi đã làm khá tốt, nhưng còn một số nơi làm chưa tốt do không đủ nhân lực. Vấn đề tiếp theo là kỹ năng và năng lực của bộ máy đó. Rõ ràng, có nhiều vấn đề như vậy, đơn vị được giao nhiệm vụ phải hiểu và phải kiểm tra như thế nào để có tác động vào toàn bộ hệ thống".

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho hay, ngay như việc làm thế nào để đi kiểm tra hệ thống các nhà hàng ăn uống, không có ngành nào có đủ lực lượng, đủ sức để thực hiện. Vấn đề này không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước khác cũng vậy. Do đó đòi hỏi “bộ máy” làm việc phải có kỹ năng tốt. Tuy nhiên, “bộ máy” này là “đạo đức” công vụ, làm việc này phải thực sự không bị mua chuộc hay vì lợi ích khác làm vấn đề bị “méo mó” hơn. Chính vì vậy, sự trung thực và công tâm của “bộ máy” này là một nhân tố quan trọng để đảm bảo việc kiểm soát tốt ATVSTP.

"Một vấn đề nữa không kém phần quan trọng đó là lương tâm. Nhật Bản có câu “Chết thì chết nhưng làm bẩn, làm gian dối ảnh hưởng đến người khác người ta không bao giờ làm”. Người Việt trước đây cũng vậy, nhưng khi kinh tế thị trường những vấn đề này dường như bị bỏ quên. Do đó, bây giờ cần phải xác lập lại và tôn vinh những phẩm chất vốn có. Tuy nhiên, vấn đề này một mình nhà nước không thể làm được mà cần cả xã hội vào cuộc. Khi đó, “ai làm ăn trung thực hãy mua hàng của người đó", “ai làm ăn trung thực hãy mua hàng giá cao của người đó”. Đặc biệt, với mạng xã hội như hiện nay người tiêu dùng hoàn toàn có thể hỗ trợ cho những người làm ăn chân chính và sẵn sàng thưởng cho những người làm ăn có lương tâm", ông Nguyễn Sỹ Dũng lập luận.

Có ý kiến cho rằng, còn có sự chồng chéo trong các bộ, ngành trong việc kiểm soát ATVSTP, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng: “Thực chất không chồng chéo lắm, vấn đề anh có thể đổ cho bên này bên kia. Nuôi trồng như thể nào cho sạch là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì làm sao chồng chéo sang Bộ Y t:ế được. Thế nhưng, vấn đề bảo quản thế nào, nhập khẩu như thế nào lại là vấn đề của Bộ Công Thương".

Toàn Xuyên (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm