19/11/2019 07:52 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tọa đàm “Tuyền thông với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc” đã diễn ra ngày 18/11 tại Hà Nội trong khuôn khổ Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2019.
Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng và hiệu quả của công tác truyền thông với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trong thời gian qua; sự phối hợp truyền thông giữa các cơ quan báo chí, đơn vị quản lý di sản văn hóa, địa phương, Mặt trận Tổ quốc trong công tác này, đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông về di sản văn hóa thời gian tới.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nông Quốc Thành cho biết: Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong thời kì mới. Truyền thông đã góp phần đưa Vịnh Hạ Long của Việt Nam thành di sản thiên nhiên thế giới, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh. Cũng nhờ truyền thông, những di sản nổi tiếng của Việt Nam đã được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn như: Quần thể Di tích Cố đô Huế, Khu phố cổ Hội An, Danh thắng Tràng An, Rừng quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng…Nhờ đó, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều, góp phần khẳng định vị trí và vai trò của di sản văn hóa trong đời sống xã hội, du lịch phát triển đã đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương và đất nước.
Thêm vào đó, từ những phát hiện, phản ánh của truyền thông đã góp phần giúp các nhà quản lý văn hóa, chính quyền địa phương nắm bắt được những vấn đề bất cập để tháo gỡ, xử lý. Có thể kể đến vụ việc các công trình xây dựng trong Khu Di sản văn Tràng An – Bái Đính, khu Danh thắng Núi Sam, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn…
Tuy nhiên cũng có những lúc sự can thiệp, định hướng chưa đầy đủ, chưa chuẩn xác của truyền thông đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới di sản văn hóa. Hay nói cách khác là truyền thông đã tạo nên mâu thuẫn giữa các bên cũng như chính truyền thông, khi đó, chính quyền địa phương, các nhà nghiên cứu lại đóng vai trò trung gian, hòa giải. Việc chưa quan tâm quảng bá rộng rãi các giá trị lịch sử- văn hóa, nhất là tại các lễ hội mà chỉ khai thác các yếu tố giật gân ở một số cơ quan báo chí, truyền thông cho thấy cần nhiều hơn nữa các giải pháp định hướng truyền thông trong quảng bá, tuyên truyền các giá trị di sản văn hóa, nâng cao nhận thức cho người dân.
Nhiều đại biểu cũng thống nhất cho rằng, xu hướng truyền thông hiện nay là tìm kiếm gặp gỡ giữa di sản và truyền thông, góp phần xóa nhòa khoảng cách trong nhận diện, đánh giá giá trị di sản của các nhà nghiên cứu văn hóa, cộng đồng, du khách tham gia lễ hội và dư luận nói chung… Việc kết hợp được thế mạnh của truyền thông trong việc hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa là biện pháp hữu hiệu thu hút sự quan tâm của cộng đồng với di sản văn hóa, bảo vệ di sản trước thách thức của quá trình hội nhập…
Cũng trong ngày 18/11, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam diễn ra triển lãm ảnh “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam”. Triển lãm trưng bày 120 tác phẩm nhiếp ảnh với 2 chủ đề chính là “Đại đoàn kết các dân tộc” và “Di sản văn hóa Việt Nam. Với những tìm tòi, sáng tạo, những thể nghiệm mới, các tác phẩm trưng bày đã thể hiện ấn tượng, sinh động, vẻ đẹp văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vẻ đẹp phong cảnh quê hương, đất nước thông qua các di sản văn hóa, thắng cảnh của Việt Nam, qua đó thể hiện một Việt Nam đoàn kết, năng động, hội nhập, khát vọng và tiềm năng phát triển.
Thanh Giang/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất