Phần 1: Khi "thảm họa" lên sóng

21/06/2010 08:11 GMT+7 | Truyền hình thực tế

Trong nhiều thứ “bùng nổ” của làng văn nghệ thời gian gần đây, có sự bùng nổ trên diện rộng của các kênh truyền hình văn nghệ giải trí. Từ một kênh duy nhất - VTV3 – kênh thông tin thể thao giải trí của Đài truyền hình Việt Nam (bắt đầu phát sóng tháng 4/1995 và đến tháng 3/1998 thì được tách thành kênh riêng và phát sóng vệ tinh), giờ này thật khó đếm hết số kênh, số giờ, số chương trình hàng ngày tập trung vào nhu cầu giải trí của khán giả. Nhiều đài, nhiều kênh, nhiều chương trình, đương nhiên “thực đơn” giải trí của khán giả ngày càng phong phú. Song cũng từ đây, những “thảm họa” bắt đầu. Mỗi năm tới Ngày Nhà báo Việt Nam 21/6, các nhà báo có dịp nhìn lại chính mình và đồng nghiệp một cách thẳng thắn, thậm chí gay gắt vào những khoảng tối của nghề báo. Và câu chuyện Truyền hình giải trí: Bùng nổ và Thảm họa không nằm ngoài suy nghĩ ấy.

                                          Tổ chức chuyên đề: Bùi Dũng



(TT&VH Cuối tuần) - Những “thảm họa Vpop” khiến khán giả hết hồn thời gian qua chỉ là phần nổi của sự bát nháo, lộn xộn trong thị trường âm nhạc hiện nay. Điều đáng nói hơn là một số “thảm họa” ấy đã được phát sóng rộng rãi trên sóng truyền hình. Khi truyền hình giải trí bùng nổ, chất lượng chương trình đã “xô lệch” cùng số lượng.

Khán giả sốc

Hoa và những tràng pháo tay của hai MC chương trình Sức sống mới (VTV1) dành tặng cho người mẫu Phi Thanh Vân cùng nhóm múa sau khi thể hiện bài hát Da nâu với những lời ca ngây ngô như sau: Em sống trong khát khao/ Em sống trong ước ao/ Mang đến những ước ao/ Mang đến những khát khao/ Làn da nâu, làn da nâu, làn da nâu… (vẻn vẹn đúng 13 từ). “Ca khúc” này được “tua” lại 4 lần với phần nhạc đệm đều đều cùng phần khoa chân múa tay của các vũ công kéo dài 5 phút khiến không ít khán truyền hình nổi giận: Tại sao một tác phẩm chất lượng kém như vậy lại được duyệt phát trên Truyền hình Việt Nam, kênh VTV1, vốn thiên về chính luận? Tiếp nối hiệu ứng của “ca khúc gây sốc” ấy, nghệ sĩ Thành Lộc chế ra bài Da trâu nhại lại Da nâu của Phi Thanh Vân trong vở hài kịch Phù thủy lắm chiêu dành cho thiếu nhi. Ngay lập tức Da nâuDa trâu đều được phát tán tràn lan trên mạng. Mặc nhiên Da nâu được xếp chung cùng Da trâu trong danh mục ca khúc gây cười.


Chương trình Hot Music của Yeah1 TV phát trên sóng của SCTV
Những “thảm họa Vpop” khác, cùng với Da nâu (do Nhật Đăng sáng tác) còn có: Đừng yêu em, Một phút dại khờ (Lê Kiều Như thể hiện), Bikini (Thanh Duy Idol), Teen vọng cổ (Vĩnh Thuyên Kim), Vũ điệu Umsilabum (Vũ Hà)… Trong số này, ngoài các “ca khúc” được ghi hình, phát hành theo dạng video clip thì bản Đừng yêu em do Lê Kiều Như hát, xuất hiện trong chương trình Thế giới Vpop tháng 4/2009 của BTV2 - Truyền hình Bình Dương. Kiểu phát âm ngọng nghịu, nào là: Tiếng “iu” xưa còn xao “xiến” đảo “điêng” lòng em”, hay “lời “mặng” nồng còn trên môi... của cô ca sĩ khiến khán giả hết sức sửng sốt, như đang được xem hậu trường Vietnam Idol (!?).

Trình diễn cách biểu diễn như đang giỡn chơi ấy chưa đủ, các “thảm họa” tuyên bố trên báo chí tiếp tục “lên sóng” với những “thảm họa” mới. “Thừa thắng xông lên”, Phi Thanh Vân có ngay Da nâu 2 - Khát khao bình minh, đã ghi hình cho chương trình Hot Music của kênh Yeah1 TV, với ca từ, giai điệu không khá hơn Da nâu 1 là mấy. Ca sĩ Vũ Hà, sau khi có tên trong “thảm họa Vpop” 2009 (do người yêu nhạc Việt trên mạng bầu chọn) tiếp tục “gây ấn tượng” với ca khúc Nobody có phần nội dung và âm nhạc nguyên xi như nhóm Wonder Girls đã thể hiện. Đúng lúc cư dân mạng đang tới tấp phản ứng trước “thảm họa” 2010 này thì vào giờ trưa ngày thứ Bảy (29/5), trên SCTV, kênh LA34 của Đài Phát thanh – Truyền hình Long An, đưa luôn một loạt video clip với các ca khúc “thượng vàng hạ cám” của ca sĩ Vũ Hà lên sóng (!).

Không chỉ các đài tỉnh mới ở tình trạng có gì phát nấy (do không đủ lực đầu tư, vướng mắc bản quyền) mà một số kênh được coi là chuyên về âm nhạc, giải trí, chẳng hạn như ITV của VTC, thì chất lượng âm nhạc cũng rất đáng lo ngại. Âm nhạc (cả nhạc Việt và nhạc ngoại) trên kênh này chỉ phù hợp với một bộ phận khán giả tuổi teen, với nhiều clip khó có thể được duyệt phát trên các kênh truyền hình khác. Cùng với những ca khúc nhạt nhẽo, ca từ đơn giản là phần hình ảnh nhòe nhoẹt, chất lượng thấp. Không rõ vấn đề bản quyền để phát clip của những ca khúc trên ITV thế nào nhưng kênh này thu 15.000 đồng với mỗi tin nhắn yêu cầu.

Chuyện khai thác tin nhắn của khán giả vô tội vạ trong các chương trình game show cũng là hiện tượng phổ biến ở các kênh truyền hình giải trí, đặc biệt là trên truyền hình cáp, truyền hình số và đài tỉnh. Kênh VTV9 từng dành hẳn 60 phút để phát sóng trò chơi Đi tìm kho báu. Cách dẫn khá phô và những câu hỏi sai liên tục bị khán giả “phanh phui” đã khiến VTV9 phải ngưng chương trình sau 2 tháng phát sóng. Nhưng ít lâu sau, thay thế cho Đi tìm kho báu lại là… Hộp vàng, vẫn tiếp tục bị khán giả phản ứng, buộc phải ngừng phát sóng từ ngày 16/6. Ở một trò chơi truyền hình khác có tên Chiếm hữu trên kênh BTV, có khán giả đã bị bốc hơi đến 147 triệu đồng tiền tin nhắn!

Nhiều nên… loạn?

Phần lớn các kênh và các chương trình truyền hình giải trí đang nối tiếp ra đời hiện nay đều do các công ty tư nhân đầu tư sản xuất theo hướng xã hội hóa việc sản xuất các chương trình truyền hình. Nếu Sức sống mới là chương trình do công ty Chu Thị thực hiện thì Thế giới Vpop là của công ty Thế giới giải trí (do ông bầu Quang Huy làm chủ), Hot Music của Quang Cường Production (do Quang Cường – bầu sô của ca sĩ Quang Hà – nắm). Nội dung chương trình đều do các đơn vị tư nhân đưa lên, không ít nhà đài gần như phó mặc cho “đối tác”. Bên cạnh đó, mỗi đài truyền hình hiện nay có cơ chế hoạt động như những cơ quan báo chí độc lập, tự chịu trách nhiệm với mỗi chương trình duyệt phát. Nhiều chương trình biểu diễn không có giấy phép từ các Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch đã “lách” bằng cách chuyển sang thực hiện dưới danh nghĩa “nhà đài”, vậy là chạy êm ru.


Phi Thanh Vân biểu diễn "Da nâu" trên chương trình Sức sống mới (VTV1)
Để phủ đầy giờ phát sóng, một số đài lớn và rất nhiều đài tỉnh hiện nay buộc phải cho lên sóng những chương trình giải trí chất lượng không cao nếu không nói là nhiều chương trình chất lượng nghệ thuật thấp, hoặc phát đi phát lại rất nhiều lần một vài chương trình, bất kể vào khung giờ nào. Ông Trần Duy Ngoãn, Giám đốc Đài truyền hình Nghệ An, thẳng thắn thừa nhận: “Để đảm bảo chỉ tiêu ít nhất 30% phim Việt Nam phát trên sóng, chúng tôi buộc phải phát cả những phim dở dở, ương ương”.

Chuyện nhà đài có gì phát nấy (chứ không phải khán giả cần gì thì đài phát nấy) dẫn đến tình trạng phim Trung Quốc, Hàn Quốc chất lượng thấp tràn ngập trên sóng truyền hình các tỉnh hiện nay. Nhìn vào danh sách phim đang chiếu của kênh BTV sẽ thấy một loạt tên như: Ô Long vượt ải tình, Người đẹp đầu trọc, Anh hùng cô đơn (phim Trung Quốc), Tình yêu tìm thấy (Hàn Quốc)... “Sang” hơn các đài tỉnh, hệ thống các đài trung ương, khu vực, truyền hình cáp, truyền hình số dành rất nhiều “đất” để phát phim Việt Nam dài tập. Trong xu thế xã hội hóa truyền hình, khi nhà nhà đang đua nhau làm phim truyền hình như hiện nay, chất lượng phim Việt đang có dấu hiệu đi xuống và cũng đứng trước nguy cơ bị khán giả quay lưng.

Ước tính hiện nay cả nước đang có hàng trăm kênh tiếng Việt, với đủ các loại hình, chưa kể 61 đài tỉnh và các kênh quốc tế. Truyền hình số vệ tinh K Plus (sản phẩm liên doanh giữa VTV, VCTV và Tập đoàn Canal + của Pháp) là kênh mới nhất đã cung cấp trên 70 kênh khác nhau. Thực trạng của truyền hình giải trí ở Việt Nam ra sao, lượng khán giả thực của mỗi kênh thế nào, có cần quy hoạch lại để các đài hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt chức năng của mình…? Đó là những câu hỏi cần lời giải trong thời của “thảm họa” lên sóng và manh nha hiện tượng “loạn” truyền hình hiện nay.

Một loạt kênh truyền hình độ nét cao (HD hoặc Full-HD) ra mắt đang góp phần vào xu thế bùng nổ truyền hình hiện nay song kênh HD chưa nhiều, giá thiết bị cao, chương trình còn nghèo nàn nên các đài vẫn thường xuyên chọn cách… phát lại. Nay đã sang hè rồi mà có kênh HD còn “hồn nhiên” phát lại chương trình về bánh Trung thu, có kênh gọi là kênh thời trang mà chỉ thấy tua đi tua lại chương trình Victoria Secret (!)

Trong sự lộn xộn của truyền hình giải trí không thể không nhắc đến truyền hình Internet. Nhìn vào mục Truyền hình trên một tờ báo điện tử lớn, kể ra một vài tựa đề, sẽ thấy truyền hình trên Internet đang “thoáng” đến mức nào: Chộp được Thu Thủy đang hưng phấn trong studio, Tăng Thanh Hà vừa make-up vừa ăn bún? Thủy Tiên lại gây sốc bằng màn nhảy Nobody?, Top 10 áo bơi khiến đàn ông phấn khích nhất, Top 10 cảnh sex tai tiếng trong phim ma… Đỉnh điểm sự phản ứng từ dư luận trước sự quá đà của truyền hình Internet trong thời gian gần đây là clip Ngành giao thông làm nảy ngực phụ nữ (sau được đổi tên thành Giao thông kiểu “nảy tưng tưng”?) trên một mạng có tiếng. Người ta không thể hiểu nổi tại sao lại có thể xuất bản một clip mà phóng viên chĩa ống kính vào bầu ngực của từng phụ nữ đi trên đường để xem nó rung lên như thế nào!


Phần 2: Truyền hình trả tiền - vườn hoa nhạt sắc hương
Bùi Dũng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm