Phần 2: Truyền hình trả tiền - Vườn hoa nhạt sắc thiếu hương

22/06/2010 07:33 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(TT&VH Cuối tuần) - Bỏ  qua các “thương hiệu mạnh” như MTV, HBO, STARMOVIES, CINEMAX,… thì món ăn mà khán giả của truyền hình trả tiền đang cần chính là các chương trình giải trí trong nước. Nghèo nàn và thiếu dinh dưỡng, đó là thực trạng của các kênh và chương trình “made in Vietnam”. 

Trăm hoa đua nở

Hai năm gần đây, hệ thống truyền hình trả tiền (payment TV) bùng nổ với hàng loạt nhà cung cấp như VCTV, HCTV, SCTV, VTC, VTC HD, K+,… Do số lượng kênh dư dả nên trên truyền hình trả tiền có rất nhiều kênh chuyên biệt, hướng đến nhiều đối tượng khác nhau. Sự chuyên biệt này tạo ra sự đa dạng, nhiều màu sắc, giúp khán giả luôn có cảm giác được “cầm trong tay” một thực đơn truyền hình phong phú. Thế nhưng, đó chỉ là “cảm giác”, còn thực tế hiện nay, nhà cung cấp đang chọn giải pháp “phình to” chứ không đào sâu khiến các chương trình giải trí trên truyền hình hiện nay bùng nổ về số lượng còn chất lượng thì ngược lại.

Được cho là lớn nhất hiện nay, trên hơn 65 kênh phát trên VCTV thì các kênh từ số 1 đến số 7 là có bàn tay biên tập của nhà đài, hay có thể nói đây là những kênh do VCTV sản xuất. Nhưng nhìn vào những gì được chiếu trên các kênh này, cảm giác người ta không đầu tư gì nhiều vào đó, vì thế mà đây cũng là những kênh ít được quan tâm nhất trên VTCT. Ví như kênh VCTV7 chuyên phim truyện nước ngoài, nhưng toàn “cơm canh nấu lại”, nếu không phải hàng tồn từ đài đã chiếu từ lâu, thậm chí cách đấy cả chục năm thì là biên dịch từ kênh ABC hoặc Arirang. Một số phim điện ảnh thì của Nga, của Mỹ từ những năm 1980.


M!CountDown của Yan TV
Một nhà cung cấp dịch vụ khác ở phía bắc là HCaTV của Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, món giải trí trên các kênh của hệ thống truyền hình này cũng rất nghèo nàn và chủ yếu là “đồ cũ”. Còn lại là một loạt kênh quen thuộc mà trên các hệ thống truyền hình cáp nào cũng  nhan nhản do hợp tác phát lại những chương trình của một số đài địa phương, VTV, HTV (TP.HM), VOVTV (kênh truyền hình của Đài Tiếng nói Việt Nam)... thay vì thưởng thức những “đặc sản” của HCaTV.

Ở phía Nam thị trường truyền hình trả tiền đang có sự cạnh tranh mạnh của hai nhà cung cấp  HTVC và SCTV. Đây cũng là hai nhà cung cấp được đánh giá là có sự đầu tư tốt hơn các đài khu vực phía Bắc như VCTV, HACTV, VTC, với các chương trình tự sản xuất. HTVC ngoài những kênh cũ mà ở đài nào cũng có thì đã cho ra đời thêm một loạt kênh chuyên biệt như HTV + (tin tức), HTVC thuần Việt, HTVC phim, HTVC gia đình, HTVC shopping...  Không thua kém nhà cung cấp SCTV cũng tăng kênh lên con số 70 với nhiều kênh mới chuyên biệt hơn như SCTV5 (quảng cáo, mua sắm), Sao TV (SCTV3 - chương trình thiếu nhi), Yan (SCTV2 - ca nhạc), Yeah 1 TV (SCTV4 - dành cho giới trẻ)... Tuy nhiên đó chỉ là số ít.  

Không thể ăn sẵn mãi

Số kênh nước ngoài có thể xem được thì hầu như nhà cung cấp dịch vụ truyền hình nào cũng đã khai thác tối đa, vì đây là lượng kênh “ăn sẵn” không cần đầu tư. Thậm chí ngay trên hệ thống truyền hình cáp trung ương VCTV, nhà cung cấp dịch vụ cũng không dịch phụ đề cho các phim vào các giờ chiếu không phải giờ vàng vào buổi tối.

Điển hình cho sự nghèo nàn thiếu dinh dưỡng trên hệ thống truyền hình cáp VCTV là kênh VCTV1. Được coi là kênh trọng điểm nhưng VCTV1 lại là kênh không biết đến giải trí đặc sắc là gì. Tiêu biểu cho các chương trình ca nhạc trên kênh này có lẽ là Quán âm nhạc. Một chương trình có format quá cũ và cũng là một chương trình “bạ ai mời nấy”, những album và ca sĩ xuất hiện trên chương trình này hiếm khi là những cái tên đáng nghe. Điểm lại các chương trình giải trí của kênh này thì chắc có chương trình Món ngon là chương trình…. giải trí đặc sắc nhất. Thảm hơn là kênh chuyên về văn hóa giải trí VCTV4, kênh này chuyên đi phát lại những chương trình ca nhạc và sân khấu có tuổi đời cả chục năm trước được thu thập lại từ các đài địa phương. Chương trình thu hút được nhiều sự quan tâm nhất với khán giả trẻ trên VTCT4 là M4ME, một chương trình nhạc theo yêu cầu bằng cách nhắn tin. Nhưng chương trình này cũng chỉ phát đi phát lại những bài hát, chủ yếu là nhạc Hàn, đã quá cũ.


Một chương trình của Quán âm nhạc
Ngay cả  với nhà cung cấp SCTV, được đánh giá là chịu khó đầu tư nhất thì hệ thống kênh giải trí vẫn không khác các kênh cáp khác là mấy. Duy có sản phẩm đặc sắc nhất là Yan (SCTV2 - ca nhạc) và Yeah 1 TV (SCTV4 - dành cho giới trẻ) thì cũng còn nhiều điều để bàn.

Yan (SCTV2 - ca nhạc) được đánh giá là một kênh có sự đầu tư khá chuyên nghiệp về cách làm từ việc mời các nhà sản xuất nước ngoài cho đến việc bao thầu toàn bộ các show ca nhạc lớn ở Việt Nam, những nỗ lực phân loại các chương trình âm nhạc cho từng đối tượng cụ thể như: hip hop, rock,… Tuy nhiên Yan TV vẫn không thể tránh khỏi chuyện phát đi phát lại các bài nhạc cũ và cả chương trình cũ. M!CountDown – một chương trình chuyên về nhạc Hàn trên kênh này thường phát những live show đã diễn ra cách đó cả nửa năm trước tại Hàn Quốc.

Yeah 1 TV (SCTV4 - dành cho giới trẻ) lại là kênh quá nghèo nàn về nội dung. Để lấp sóng người ta phát đi phát lại các chương trình cũ của kênh này khiến người xem đôi khi phát bực. Không những vậy, nhà sản xuất một thời còn nghĩ ra đủ chiêu lấp sóng bằng việc tổ chức những cuộc thi “kỳ lạ” như Siêu sao hát nhép, Sao Sao (bắt chước cách hát và biểu diễn của ca sĩ đồng thời là giám khảo cuộc thi)...

Để sản xuất một phút phát sóng trên truyền hình, với những chương trình đơn giản, không phải di chuyển và quay ngoại cảnh nhiều thì ước tính kinh phí chừng 1,5 – 2 triệu đồng. Chương trình phức tạp hơn khoảng 2,5 – 3 triệu đồng/ 1 phút. Trong khi ấy hầu như các kênh phát trên hệ thống truyền hình cáp không thu được nhiều từ quảng cáo, dẫn đến tình trạng “ăn sẵn”, bởi chỉ cố gắng lấp đủ số kênh và số giờ phát sóng cũng đã quá sức rồi, nói gì đến chuyện nâng cao chất lượng chương trình. 

Lương Trần – 25 tuổi : luongtran_bc@gmail.com

Từ ngày lắp truyền hình cáp, tôi có thói quen xem phim ở một số kênh cố định như HTV3, HBO, Starmovie và Cinemax. Thực sự các chương trình ca nhạc trên truyền hình cáp không nằm trong danh sách các kênh quen thuộc của tôi bởi nó cứ nhàn nhạt thế nào ấy. Còn phim Việt thì tôi không có hứng. Hơn nữa, toàn bộ phim Việt chiếu trên truyền hình cáp đều là phim cũ, không có gì đặc sắc, ngoại trừ một số phim gây sốt trong thời gian qua như Bỗng dưng muốn khóc, Lập trình cho trái tim... Tuy nhiên, tôi không có nhu cầu xem lại những phim Việt đã chiếu trên VTV bởi xem lần đầu thì được, nhưng lần thứ hai thì bắt đầu thấy chán. Nói thật, nếu không có các kênh phim nước ngoài thì chắc tôi sẽ không lắp truyền hình cáp. Bây giờ, khi internet đã trở nên thông dụng, tôi có thể chọn các chương trình mình thích ngay trên net và xem vào bất cứ khi nào tôi muốn, chứ không phụ thuộc vào giờ giấc như trên truyền hình.

Tuấn Trần –31 tuổi: tuanvnpt@yahoo.com

Dùng đồ “free” thì chẳng nói làm gì. Nhưng tháng nào, nhà tôi cũng phải đóng phí truyền hình cáp, mà dịch vụ không tương xứng, không đáng đồng tiền bát gạo. Các kênh của VCTV từ 1-7 không thể chấp nhận được. Nội dung nghèo nàn và thiếu sự đầu tư. Thà họ dẹp mấy cái kênh này đi, tập trung vào biên dịch các kênh HBO, Discovery, Star World, MTV cho tử tế có đầu có đuôi hơn hiện nay có lẽ có ích hơn với khán giả. Thực ra tôi cũng chẳng có thời gian đâu mà xem tivi cả ngày, nhưng mỗi khi bật tivi lên mà lại chẳng có chương trình nào thú vị để xem thì thật bực mình.

Vũ Thúy Hà – 34 tuổi: thuyhadd@yahoo.com

Nhà tôi lắp truyền hình cáp Hà Nội HcaTV, nói thật là gần 60 kênh nhưng chẳng kênh nào hay cả. Mang tiếng có truyền hình cáp nhưng chủ yếu cả nhà vẫn xem VTV3 và vài kênh của HTV như HTV9, HTV2,… Cái mình cần xem là các kênh phim Việt và ca nhạc Việt thì không có. Trên hệ thống kênh của HcaTV có kênh giải trí tổng hợp HcaTV thì cực chán, nhàm, và cũ. Hầu hết các chương trình phát trên kênh này là cũ, vài cái đĩa ca nhạc thì cứ quay đi quay lại. Muốn xem phim thì lại đụng một loạt phim của Trung Quốc và Hàn Quốc… xưa như trái đất rồi.

Phần 3: Chương trình tệ nên khán giả... "lướt sóng"
Việt Tú

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm