13/08/2024 16:00 GMT+7 | Văn hoá
Ngày 9/8 vừa qua, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức hội thảo chuyên đề Cố nhà thơ Trần Quang Quý và tác phẩm văn học. Hội thảo nhằm đánh giá đóng góp của nhà thơ đối với nền văn học và thắp nén hương tưởng nhớnhân 2 nămanh rời cõi tạm (anh mất ngày 10/9/2022).
1. Nhà thơ Trần Quang Quý là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Việt Nam với ý thức hiện đại hóa thơ và những nỗ lực đổi mới, cách tân bền bỉ. Nói về anh, thơ vẫn là thế mạnhtạo nên một phong cách riêng. Từ trong nước, thơ anh đã ra thế giới, đến với bạn bè 5 châu.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhận định: "Trần Quang Quý làmột nhà thơ dấn thân trọn đời cho sự sáng tạo thơ ca". Nhà nghiên cứu Mã Giang Lân cho rằng "với nội lực cường tráng, thơ Trần Quang Quý làm giàu khả năng biểu hiện, kiến tạo một lối đi, gắn kết nhiều sắc thái thẩm mĩ, gây ấn tượng khó quên về một hồn thơ, một chất giọng, một cách sáng tạo ngôn từ"...
Song, bên cạnh thể loại trữ tình vốn là thế mạnh của Trần Quang Quý và từng tốn bao giấy bút của giới nghiên cứu,vẫn có một Trần Quang Quý tự sự - một cây bút truyện ngắn khá duyên. Bên "núi thơ" bề thế với 3 lần đoạt giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, Trần Quang Quý vẫnđàng hoàng, vững vàng, tự tin, tiềm tàng nội lực với nhiều thông điệp ẩn chứa sâu sắc trong các truyện ngắn được viết từ đầu những năm 1980.
Bên "núi thơ" bề thế với 3 lần đoạt giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, Trần Quang Quý vẫn đàng hoàng, vững vàng, tự tin, tiềm tàng nội lực với nhiều thông điệp ẩn chứa sâu sắc trong các truyện ngắn.
2. Tập truyện ngắn Niềm vinh quang của làng gồm 200 trangdo NXB Dân trí ấn hành quý 2 năm 2024. Chỉ với 9 truyện ngắn, Trần Quang Quý đã bộc lộ khả năng, tiềm ẩn một nội lực văn chương như một "con dao pha", có thể "tả xung hữu đột" cả lĩnh vực thơ và văn xuôi.
Khác với tiểu thuyết về dung lượng, truyện ngắn của Trần Quang Quý là hình thức tự sự cỡ nhỏ,thiên về lối kể kết hợp giữa sự thật đời sống với khả năng hư cấu, tưởng tượng. Hình tượng nhân vật trong truyện ngắn của anh là một lát cắt, hay một đoạn đời nổi bật trong số phận con người. Nội dung truyện ngắn của anh hầu hết bám chặt vào cuộc sống ở làng quê, nghiêng về miền quê trung du. Với anh, quê hương là "mỏ vàng lớn",là cơ hội để người con trung du bày tỏ tình yêu với quê hương, trả một "món nợ" với quê và là cuộc viễn du về cội nguồn.
Có lẽ mỗi lần đối diện với trang viết, hình ảnh quê hương lại hiện trong ký ức. Chất liệu hiện thực của quê hương với những con người mình đã sống, đã gắn bó hiện về như cuốn phim ký ức. Sống giữa ồn ã phố thị, nhưng dường như tâm can người con ấy lúc nào cũng thao thiết hướng về quê hương với Dốc Sung, Bờ sông trăng sáng,Niềm vinh quang của làng, Ngày phố...
Gắn bó với nông thôn, nông nghiệp với không gian đồi núi trung du, Trần Quang Quý mang vào truyện ngắn bức tranh làng quê hồn hậu, dung dị, lãng mạn. Cả cuộc đời nhà văn luôn nhưng nhức nỗi nhớ quê hương.
Đó là: "Ánh trăng rì rào trên vườn chuối", "Làng tôi kẹp giữa hai con sông, sau lưng là núi...Tháng 3, cây gạo ven đê nức nở đỏ. Chuối xanh rợp phù sa... Ánh trăng ướt át chảy lóng lánh trên những tàu non...Dòng sông đêm loang loáng ánh bạc" (Bờ sông trăng sáng). Đó là cảnh sắc hữu tình:"Rừng cây mát đang nở hoa trắng xóa, những vạt hoa mát lan tỏa từ thung xanh này đến triền núi khác như những triền sóng trắng dâng cao ngang trời" (Dốc Sung)...
Trong truyện Ngày phố, anh hiểu tâm trạng của ông bà An, vì thương cháu con, "bứng" khỏi quê để về thị thành sum họp cùng con cháu mà vẫn sống trong sự lạc lõng, vời vợi nỗi nhớ quê:"Rưng rức nỗi quê. Hình như quê lão ở vầng trăng xa kia...Ánh trăng như có sức ám kỳ lạ gợi những tầng ký ức thăm thẳm". Với chiến dịch "nông thôn hóa thành thị", ông bà mangquê ra phố;mang sinh hoạt thôn dã ra phố thị; mang vườn rau lên sân thượng, áp dụng phương pháp tưới tắm đạm thủ công thay lấy nước tiểu từ nồi đất sang can nhựa. Nhưng thói quen xưa đã lỗi thời, khác lạ, trở thành nghịch lý của cuộc sống đô thị và chắc chắn không được cư dân thị thành chấp nhận.
Những cô thôn nữ hiện lên trong truyện ngắn đều có vẻ đẹp riêng. Họ là Thuận "gương mặt thanh thoát, rất duyên" với "đôi mắt lanh lợi" được anh trai làng tên Xiêm đem lòng thương, đeo đuổi mãi" (Niềm vinh quang của làng). Là Châu với lúm đồng tiền, "đường cong thon lẳn. Vòm ngực tròn nây, vồng lên dưới ánh trăng như hút hết cường lực của thiên nhiên. Toàn thân óng mượt tỏa sáng" (Bờ sông trăng sáng)...
Qua truyện ngắn, chân dung con người miền quê hiện lên chân chất, giản dị, dám sống thật với mình, khao khát tình yêu mà cuộc đời không ít nỗi buồn đau, nghịch cảnh. Là nhạc phụ của các chàng rể thẳng thắn, khảng khái, không chấp nhận cách sống dối trá, dám đương đầu với chủ tịch xã vì việc của làng xã mà bị trù úm, bị "cắt bớt mấy sào đất", cậu em xin đất thổ cư ra ở riêng "đơn cứ đến chủ tịch xã thì nghỉm luôn". Cậu em khoe "Dạo này thầy làm tổ trưởng phường bát âm" (Bố vợ). Trong Khí thơ,vẫn nhân vật nhạc phụ đã "luân chuyển" từ tổ trưởng phường bát âm sang câu lạc bộ thơ. Là thím Phụng chồng mất sớm, một mình gánh nặng cơm áo vất vả, toan lo cho đàn con và nhất là nỗi lo của người mẹ có con gái lấy chồng nước ngoài (Những đêm miệt vườn)... Là mối tình của Châu với 2 người lính là Hoàng, Quân trong Bờ sông trăng sáng...
Mỗi truyện ngắn của anh đều ẩn chứa những vấn đề của cuộc sống, mang ý nghĩa chân thực, có tính dự báo và khơi gợi ở người đọc những liên tưởng sâu xa về quá khứ, hoặc có thể nhận thấy hình bóng của nhân vật trong tương lai.
3. Hình tượng nhân vật trong truyện ngắn Trần Quang Quý sinh động bởi sự huy động các phương tiện nghệ thuật trong thi pháp truyện ngắn như: Điểm nhìn trần thuật, ngôi kể, giọng điệu.
Với ngôi kể (người kể chuyện) - một phương thức quan trọng thể hiện nhân vật, Trần Quang Quý để ngôi kể đa dạng ở ngôi thứ nhất, thứ 2, hoặc thứ 3. Qua đó hình tượng nhân vật lộ diện chính xác và đầy đủ.
Truyện ngắn của Trần Quang Quý giàu chất thơ. Đó là điều dễ hiểu của nhà thơ viết văn xuôi khi có điểm giao thoa, trùng lấn giữa đặc trưng tự sự và trữ tình. Song ở tư cách nhà văn, Trần Quang Quý lại khá tỉnh táo, rành rẽ, rõ ràng không bị thơ "xâm lấn", "chèn lấp" tư duy mạch truyện. Bởi thế, bố cục các truyện ngắn được nhà văn xây dựng khá logic, chặt chẽ. Như một kiến trúc sư, anh sắp xếp những diễn biến của câu chuyện mạch lạc, hợp lý, hấp dẫn người đọc và đạt được hiệu quả.
Thêm nữa, là nhà thơ, truyện ngắn của anh có sự trợ lực của trường ngôn từ phong phú, đa dạng, tươi mới luôn sống động, quẫy cựa, tạo nên lớp từ mới đi vào văn xuôi cũng rất ngọt, rất duyên.
Tưởng nhớ Trần Quang Quý, chúng ta hãy đọc lại những dòng thơ mang đậm tính "tự bạch" của anh:
"Tôi ăn ngủ chữ, tháp tùng chữ bước vào những số phận
Những ngóc ngách cuộc đời, những giao thoa chưa cất thành lời
Những cuộc phối sinh ngữ nghĩa
Và khi ấy, những con chữ như không còn là chữ
Hồn chữ thiên di"
(Đời chữ)
Vài nét về nhà thơ Trần Quang Quý
Nhà thơ Trần Quang Quý sinh ngày 2/1/1955 tại xã Xuân Lộc, huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ. Từ năm 1983 đến năm 1985, anh theo học khóa II Trường Đại học Viết văn Nguyễn Du.
Trần Quang Quý để lại một gia tài văn chương phong phú với gần 20 cuốn sách gồm thơ, truyện ngắn, bút ký, kịch bản phim.
Giải thưởng văn học: Giải thưởng thơ tuần báo Văn nghệ (1990, 1995); Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam: Giấc mơ hình chiếc thớt (2004), Màu tự do của đất (2012), tập thơ Nguồn (2019); Giải Nhì thơ tạp chí Văn nghệ quân đội (1983 - 1984); Giải Ba truyện ngắn báo Người Hà Nội cho truyện Bố vợ (1986); Giải Nhất thơ 50 năm Bộ đội biên phòng (1959 - 2009)…
Trần Quang Quý nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2016.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất