Trần Khải Ca đổ 200 triệu USD 'tái dựng' cố đô Trường An với 'Yêu miêu truyện'

03/10/2017 19:06 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đạo diễn Trung Quốc lừng danh Trần Khải Ca (65 tuổi) hiện đang hoàn tất những khâu cuối cùng trong bộ phim hành động cổ trang mới, Yêu miêu truyện (Legend of the Demon Cat). Đây là tác phẩm điện ảnh đầu tiên của ông trong 6 năm im tiếng và dự kiến phát hành vào ngày 22/12.

1. Tại các liên hoan phim trong thập kỷ 1990, người yêu điện ảnh bị cuốn theo nhãn quan điện ảnh của Trần Khải Ca. Các bộ phim cổ trang đầy màu sắc của nhà làm phim Bắc Kinh này, từ Bá vương biệt cơ (Farewell My Concubine - 1993), Phong nguyệt (Temptress Moon - 1996) tới Hoàng đế & thích khách (The Emperor and The Assassin - 1998) đã giới thiệu tới khán giả phương Tây một Trung Quốc đặc sắc và đầy sức sống.

Kể từ đó đến nay, cả xã hội và cách làm phim ở Trung Quốc đã thay đổi rất nhanh. Nhưng, cho dù những thay đổi đó là tốt hơn song bản thân Trần Khải Ca lại không hề thay đổi trong cách làm phim của mình.

Chú thích ảnh
Nhà làm phim Trung Quốc Trần Khải Ca

“Nhiều khi tôi cảm thấy bối rối và tự hỏi: mình sẽ tiếp tục làm phim như thế nào trong tương lai. Nhưng tôi nghĩ đến nhiều câu chuyện quan trọng chưa được kể trên màn bạc, do vậy tôi chưa thể từ bỏ công việc" – Trần Khải Ca chia sẻ với tờ Post trong một cuộc phỏng vấn mới đây.

Bây giờ, trong bối cảnh thế giới đang "điên đảo", Trần Khải Ca lại say mê kể về câu chuyện từ đời Đường trong bộ phim mới của mình. "Tôi cảm thấy thật tồi tệ khi văn hóa truyền thống, trong đó có cả đạo Khổng, đã hoàn toàn bị lãng quên ở Trung Quốc. Đáng buồn nữa là phong cách sống ở những thành phố cổ đã biến mất" – ông chia sẻ.

Trần Khải Ca nói, ông hi vọng thế hệ trẻ có thể đồng cảm với bộ phim mới của ông, cũng như với hình ảnh mô phỏng cố đô Trường An (giờ là Tây An ở tỉnh Thiểm Tây) mà ông tạo dựng.

Trong thời hoàng kim, Trường An từng là thành phố lớn nhất và đông dân nhất thế giới. Trong quá trình làm phim Yêu miêu truyện, Trần Khải Ca đã dày công tạo dựng cả "một thành phố" trong 5 năm với mức phí tốn kém 200 triệu USD (khoản này không nằm trong kinh phí làm phim). Sau khi quay xong phim, nơi này sẽ trở thành một công viên giải trí.

"Hơn 10.000 nhà thơ từng sống ở thành phố này và thậm chí có cả người nước ngoài, gồm Triều Tiên, Nhật Bản và nhiều người Trung Á. Bây giờ, nhiều người trẻ đang tìm kiếm cái gọi là tự do ở thế giới bên ngoài. Tôi đang cố gắng nói với họ rằng ngày xưa Trung Quốc cũng từng giống thế" – Trần Khải Ca chia sẻ.

Yêu miêu truyện được Trần Khải Ca dàn dựng theo tiểu thuyết Samana Kukai của Yoneyama Mineo. Phim có bối cảnh vào năm 850, kể về một yêu miêu phá vỡ sự bình yên ở thành phố Trường An. Một nhà thơ Trung Quốc và một nhà sư Nhật Bản tiến hành điều tra về cái chết của Dương Quý Phi và phát hiện ra dấu vết của yêu miêu.

Chú thích ảnh
Cảnh trong phim "Yêu miêu truyện"

Dương Quý Phi là sủng phi của Đường Huyền Tông. Trong văn hóa Trung Hoa, bà được xếp vào một trong "tứ đại mỹ nhân" của lịch sử Trung Quốc, có sắc đẹp được ví là Tu hoa (khiến hoa thu mình lại vì hổ thẹn).

Trần Khải Ca cho biết, ông đã "chiêu mộ" tới 5-6 con mèo để quay phim. "Có những lúc, chúng tôi cần chú mèo phải thật hung dữ hoặc thật đẹp. Tất cả những chú mèo này đều được bảo vệ hàng ngày".

2. Phim Yêu miêu truyện được quay trong hơn 5 tháng, sử dụng hàng ngàn diễn viên quần chúng, hơn 1.200 cảnh quay hiệu ứng hình ảnh nhưng chủ yếu Trần Khải Ca vẫn quay phim theo cách cũ. Nói theo cách nào đó, việc sử dụng hiệu ứng đặc biệt trong quá trình quay phim là một sự "nhượng bộ" với Trần Khải Ca nhằm lôi cuốn lượng độc giả trẻ ở Trung Quốc.

"Tôi vẫn chưa quen với cách quay phim theo công nghệ mới. Lần này tôi hợp tác với một ê-kíp người Nhật và họ hiểu rõ được những gì tôi muốn. Họ mô phỏng thành phố Trường An rất đẹp và trông như thật" – Trần Khải Ca cho biết.

Trần Khải Ca 'đánh bạc' với phim võ thuật đầu tay

Trần Khải Ca 'đánh bạc' với phim võ thuật đầu tay

Sau một thời gian dài làm phim nghệ thuật và từng thử làm phim thương mại, nay đạo diễn lừng danh Trần Khải Ca lại chuyển sang làm phim võ thuật.

Trần Khải Ca thuộc thế hệ làm phim thứ 5 của nền điện ảnh Trung Quốc, cùng với Trương Nghệ Mưu. Ông nói tiếng Anh lưu loát nhờ hai năm là học giả của trường Đại học New York hồi cuối những năm 1980.

Sau đó, Trần Khải Ca gây tiếng vang quốc tế với phim Bá Vương biệt cơ. Phim đã đoạt giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes 1993, đoạt giải Quả cầu Vàng và BAFTA Phim tiếng nước ngoài hay nhất, được đề cử giải Oscar Quay phim xuất sắc nhất và Phim tiếng nước ngoài hay nhất cùng nhiều giải thưởng khác.

Tại Trung Quốc khán giả đến rạp xem phim ngày càng tăng. Gần nhất, phim hành động Chiến Lang 2 của Ngô Kinh đã lập kỷ lục là phim tiếng Hoa đạt doanh thu cao nhất mọi thời (đạt hơn 1 tỷ USD). Tuy nhiên, Trần Khải Ca lo lắng về tình trạng thiếu phim nghệ thuật ở Trung Quốc hiện nay.

"Chúng ta cần có những bộ phim để chiếu cho những đối tượng khán giả quan tâm tới phim nghệ thuật. Tôi luôn tin rằng khi có sóng lớn bạn có thể thấy được con cá to. Bởi vậy, tôi vẫn hy vọng" – Trần Khải Ca nói.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm