Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18/6 đã có cuộc hội đàm quan trọng bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Los Cabos (Mexico). Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ kể từ khi ông Putin quay lại Điện Kremli. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về một loạt vấn đề (Ảnh: Getty Images) |
Cuộc hội đàm này, kéo dài 30 phút đồng hồ, diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Obama nỗ lực duy trì thế "tái khởi động" các mối quan hệ với Mátxcơva bất chấp những bất đồng giữa hai bên đang gia tăng.
Tại cuộc hội đàm này, ông Obama và ông Putin đã thảo luận về một loạt vấn đề từ Iran, Syria cho tới tranh cãi liên quan tới kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa của Washington tại Châu Âu.
Về Iran, hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ cho rằng Tehran phải tuân thủ các nghĩa vụ hạt nhân của nước này trong bối cảnh cuộc đàm phán giữa Iran và Nhóm P5+1 tại Mátxcơva đang lâm vào bế tắc.
Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo nêu rõ: "Chúng tôi nhất trí rằng Iran phải thực thi nghiêm túc các nỗ lực nhằm khôi phục niềm tin của cộng đồng quốc tế về bản chất hòa bình trong chương trình hạt nhân của nước này. Tóm lại, Iran phải hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế để tìm kiếm giải pháp cho tất cả các vấn đề tồn đọng."
Đối với Syria, hai tổng thống Obama và Putin nhất trí kêu gọi chấm dứt bạo lực tại quốc gia Trung Đông này và người dân Syria nên được phép quyết định một cách dân chủ tương lai của chính mình.
Tuyên bố chung có đoạn: "Để chấm dứt đổ máu ở Syria, chúng tôi kêu gọi chấm dứt ngay lập tức mọi hành động bạo lực. Chúng tôi cùng tin rằng người dân Syria nên được trao cơ hội để lựa chọn một cách độc lập và dân chủ tương lai của chính mình". Hai nhà lãnh đạo Nga/Mỹ lên tiếng hoàn toàn ủng hộ kế hoạch hòa bình sáu điểm do Đặc phái viên chung LHQ-Liên đoàn Arập đề xuất.
Tổng thống Obama và Tổng thống Putin cũng nhất trí tìm kiếm các giải pháp chung nhằm giải quyết tranh cãi song phương liên quan tới kế hoạch của Mỹ triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tại Châu Âu, vấn đề khiến quan hệ giữa Mátxcơva và Washington leo thang căng thẳng trong những năm gần đây, đồng thời cam kết thực thi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới.
Theo Vietnam+