21/11/2022 22:38 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Phần lớn các trường hợp tử vong xảy ra trong 5 năm đầu đời, trong đó trẻ sơ sinh chiếm khoảng một nửa số ca tử vong.
Ước tính trong năm 2017 có tới 6,3 triệu trẻ em dưới 15 tuổi tử vong, hoặc mỗi 5 giây lại có 1 trẻ tử vong, hầu hết là do những nguyên nhân có thể ngăn ngừa được như biến chứng trong khi sinh, viêm phổi, tiêu chảy, nhiễm trùng huyết sơ sinh và sốt rét. Đây là con số ước tính tỷ lệ tử vong do UNICEF, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ban Dân số Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới công bố.
Đáng nói, viêm phổi và tiêu chảy là hai nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở trẻ em trên toàn thế giới.
Theo UNICEF, năm 2019, tiêu chảy cướp đi sinh mạng của 480.000 trẻ nhỏ trên toàn cầu, chiếm 9% tổng số trẻ dưới 5 tuổi tử vong. Những đứa trẻ này hoàn toàn có thể được cứu bằng biện pháp đơn giản mà hiệu quả như uống muối, kẽm bù nước.
Mỗi năm có khoảng 150 triệu đợt viêm phổi xảy ra ở trẻ em các nước đang phát triển, trong đó khoảng 11 triệu trẻ cần nhập viện điều trị. Viêm phổi hiện vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi, số trẻ em tử vong do viêm phổi nhiều hơn số tử vong của các bệnh AIDS, sốt rét và sởi cộng lại. Việt Nam là một trong 15 quốc gia có số lượng trẻ em mắc viêm phổi nhiều nhất thế giới, hàng năm nước ta có khoảng 4000 trẻ em chết vì viêm phổi.
"Nếu chúng ta không hành động khẩn trương, từ nay đến năm 2030 sẽ có 56 triệu trẻ em dưới năm tuổi tử vong - một nửa trong số đó là trẻ sơ sinh", Laurence Chandy, Giám đốc Phụ trách Dữ liệu, Nghiên cứu và Chính sách của UNICEF cho biết.
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng gây viêm các phế nang và mô kẽ ở một hoặc hai phổi. Viêm phổi có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng, bệnh thường phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi.
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm phổi ở trẻ. Mỗi nguyên nhân gây bệnh đều có sự tác động khác nhau đến cơ thể, từ đó triệu chứng viêm phổi cũng sẽ thay đổi.
Ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi, viêm phổi thường do vi khuẩn như: Streptococcus nhóm B, Listeria momocytogenes, H.influenza.s, Branhamella Catarrhalis, S.aureus.
Ở trẻ dưới 2 tháng thường là do vi khuẩn Klebsiella Pneumonia, E. Coli, vi khuẩn gram âm. Viêm phổi do vi khuẩn thường tiến triển bệnh nhanh hơn, triệu chứng ở mức độ nặng hơn so với viêm phổi do virus. Sau khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể sẽ bắt đầu di chuyển đến các thùy phổi và khu trú ở đây; sau đó bắt đầu quá trình phát triển, nhân lên, gây bệnh lý.
Đối với nhóm trẻ từ 5-15 tuổi, viêm phổi thường do virus như: RSV, H.influenza… So với các yếu tố gây bệnh viêm phổi khác, viêm do virus xảy ra chậm hơn và thường ít nghiêm trọng hơn.
Có khoảng gần 50% trường hợp viêm phổi do virus gây ra. Triệu chứng của bệnh trong những trường hợp này tương tự như cảm cúm thông thường. Đó cũng chính là lý do vì sao nhiều người hay nhầm lẫn viêm nhiễm phổi do virus và cúm, dẫn đến nhầm lẫn triệu chứng, chậm trễ trong điều trị hoặc điều trị kém hiệu quả, mất nhiều thời gian. Ngoài ra, mắc bệnh do virus sẽ tăng khả năng bội nhiễm vi khuẩn, khiến quá trình viêm tiến triển nặng hơn.
Ngoài những nguyên nhân dẫn đến viêm phổi ở trẻ nhỏ kể trên, viêm phổi ở trẻ em và viêm phổi ở trẻ sơ sinh còn do ký sinh trùng, lao, nấm, môi trường sống ô nhiễm, có nhiều khói bụi bẩn, thường xuyên hít phải khói thuốc lá thụ động từ những thành viên trong gia đình cũng có thể là yếu tố dẫn đến phản ứng viêm ở các cơ quan đường hô hấp. Dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải, khăn lau, bát, ly,… với bệnh nhân cũng có thể dẫn đến lây nhiễm cho trẻ khỏe mạnh.
Triệu chứng xuất hiện sớm nhất khi trẻ bị viêm phổi là thở nhanh. Dấu hiệu này xuất hiện sớm hơn cả các dấu hiệu có được khi nghe phổi bằng ống nghe và chụp X quang. Ba mẹ có thể đếm nhịp thở trên 1 phút của trẻ bằng đồng hồ có kim giây như sau:
Trẻ dưới 2 tháng có nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên.
Trẻ từ 2 – 11 tháng có nhịp thở từ 50 lần/phút trở lên.
Trẻ từ 12 tháng – 5 tuổi có nhịp thở từ 40 lần/phút trở lên.
Các nhịp thở nhanh chứng tỏ trẻ đã có triệu chứng viêm phổi. Ba mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để bác sĩ tiến hành thăm khám và điều trị ngay.
Viêm phổi giai đoạn nặng thường được phát hiện nhờ vào biểu hiện thở co lõm lồng ngực. Để quan sát tình trạng này, ba mẹ vén áo trẻ lên để thấy rõ vùng ngực và bụng trẻ, sau đó tiến hành quan sát khi trẻ nằm yên, không bú không khóc. Khi trẻ hít vào, phần dưới lồng ngực bị cơ này kéo lõm vào thay vì nở ra như bình thường. Nếu phát hiện các biểu hiện trẻ co lõm lồng ngực thì đây là dấu hiệu viêm phổi ở trẻ khi bệnh đã trở nặng, ba mẹ nên đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài ra phân lỏng hoặc nước ít nhất 3 lần/24 giờ. Tiêu chảy cấp hiếm khi nghiêm trọng nên hầu như chỉ cần chăm sóc cho bé tại nhà. Tuy nhiên, không điều trị đúng cách và kịp thời có thể dẫn đến tình trạng mất nước, mất cân bằng các chất điện giải (natri, kali, clorua) nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ.
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, bệnh tiêu chảy cấp tính thường xảy ra do những nguyên nhân sau:
- Thức ăn không phù hợp hoặc do nhiễm khuẩn thực phẩm.
- Người mẹ thiếu sữa hoặc trẻ bị cai sữa sớm nên phải ăn những thức ăn không thích hợp như ăn bột sớm, bột đặc, ăn nhiều hoặc các thành phần protein, lipid, cacbonhydrat… trong thức ăn không phù hợp với tuổi của trẻ.
- Dinh dưỡng không tốt dẫn đến tiêu chảy. Tiêu chảy là nguyên nhân gây suy dinh dưỡng và suy dinh dưỡng lại làm cho tiêu chảy tăng thêm.
- Virus rota là tác nhân chính gây tiêu chảy nặng và đe dọa đến tính mạng của trẻ dưới 2 tuổi.
- Vi khuẩn tại đường ruột: Các vi khuẩn này gây bệnh qua thực phẩm và các dụng cụ cho trẻ ăn, uống. Bệnh cũng có thể lây qua bàn tay bẩn ở những người phục vụ trẻ. Các vi khuẩn thường gặp là trực khuẩn E. coli đường ruột, trực khuẩn lỵ, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn thương hàn.
- Nhiễm khuẩn ngoài đường ruột: Trẻ có thể bị tiêu chảy sau khi viêm mũi, họng, viêm tai giữa, viêm phổi sau khi bị sởi hay ho gà.
Ngoài ra những yếu tố khác gây bệnh tiêu chảy cấp như điều kiện vệ sinh môi trường kém, khí hậu nóng, ẩm tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển. Những trẻ bị suy dinh dưỡng dễ dàng mắc bệnh tiêu chảy và bệnh sẽ kéo dài hơn, tỷ lệ tử vong cao.
Để phòng ngừa bệnh tiêu chảy cũng như tránh lây lan cho các thành viên trong gia đình, tốt nhất là phụ huynh và trẻ rửa tay với nước, xà phòng trong vòng 15-30 giây, đặc biệt chú ý đến móng tay, kẽ ngón tay và cổ tay. Nên rửa tay thật sạch và lau khô bằng khăn dùng một lần.
Chúng ta nên rửa tay sạch sẽ sau khi thay tã hoặc chạm vào bất kỳ vật dụng nào dính bẩn, trước và sau khi chuẩn bị thức ăn và ăn uống, sau khi đi vệ sinh, sau khi xử lý rác hoặc quần áo bẩn, sau khi chạm vào động vật hoặc vật nuôi, và sau khi xì mũi hoặc hắt hơi.
Trẻ bị tiêu chảy không nên đi bơi trong và sau một tuần khỏi bệnh.
Ngoài các biện pháp trên, WHO cũng đưa ra một số khuyến cáo để ngăn ngừa tiêu chảy bao gồm:
- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi và tiếp tục cho trẻ bú mẹ cho đến khi trẻ được hai tuổi.
- Lưu ý cho trẻ ăn và uống thực phẩm và nước an toàn, nước nên được đun sôi lăn tăn trong ít nhất 5 phút là tối ưu để chuẩn bị thức ăn và đồ uống cho trẻ nhỏ.
- Việc sử dụng nhà tiêu, phải được đặt cách nguồn nước uống trên 10 m và xuống dốc so với nguồn nước.
- Tiêm chủng: WHO khuyến cáo vaccine Rota cho trẻ sơ sinh phải được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia và đặc biệt khuyến nghị ở các quốc gia nơi tử vong do tiêu chảy chiếm ≥10% tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi.
So với đói nghèo, sống trong 3 loại gia đình này là bất hạnh lớn nhất đối với trẻ em!Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất