Số người Mỹ đối mặt với căng thẳng về tài chính lên mức cao nhất trong 7 năm

11/03/2022 22:10 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA), tỷ lệ người dân nước này đối mặt với căng thẳng liên quan đến vấn đề tài chính đã lên mức cao nhất kể từ năm 2015.   

Bộ Tài chính Mỹ can thiệp để tránh nguy cơ chính phủ vỡ nợ

Bộ Tài chính Mỹ can thiệp để tránh nguy cơ chính phủ vỡ nợ

Trong một bước đi nhằm ngăn chặn nợ chính phủ chạm mức trần cho phép, ngày 11/12, Bộ Tài chính Mỹ thông báo tạm ngừng cấp tài chính cho hai quỹ hưu trí của công chức liên bang.

Nghiên cứu mới nhất của APA về tâm lý căng thẳng của người dân Mỹ cho thấy tâm trạng lo âu trong suốt hai năm đại dịch COVID-19 hoành hành tại nước này đã lên mức đáng báo động, với các vấn đề về lạm phát và khủng hoảng Nga-Ukraine xếp đầu danh sách các mối quan ngại.

Trên thực tế, trong bối cảnh xung đột tại Ukraine leo thang và làm trầm trọng thêm tỷ lệ lạm phát tại Mỹ vốn đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ, ngày càng có nhiều người viện dẫn tình trạng giá cả tăng nhanh và các vấn đề liên quan đến Ukraine là những mối lo chính hơn bất kỳ chủ đề nào khác. Đây là kết quả khảo sát hàng nghìn người trưởng thành tại Mỹ do công ty Harris Poll thay mặt APA thực hiện.   

Cụ thể, các vấn đề lớn đang khiến người dân Mỹ "đau đầu" là xu hướng tăng giá các mặt hàng thiết yếu do lạm phát (chiếm tỷ lệ 87%), các vấn đề chuỗi cung ứng (81%), bất trắc trên toàn cầu (81%), nguy cơ Nga thực hiện các biện pháp đáp trả (80%), xung đột Nga-Ukraine (80%). Khoảng 87% số người được hỏi đã chia sẻ cảm nhận rằng các cuộc khủng hoảng đã liên tiếp xảy ra trong suốt 2 năm qua, trong khi có 75% cho biết họ cảm thấy choáng váng trước những sự kiện toàn cầu này.   

Chú thích ảnh
Người dân trên phố ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, căng thẳng liên quan vấn đề tiền bạc đã lên mức cao nhất kể từ năm 2015, khi có 65% số người được hỏi tuyên bố tài chính là nguyên nhân gây lo âu vào tháng trước, số người lo lắng về nền kinh tế cũng chiếm tỷ lệ tương đương.

Do giá thuê nhà tăng chóng mặt, khiến ước mơ sở hữu một căn nhà đã trở nên xa vời với nhiều người dân Mỹ, có tới 50% số người được khảo sát khẳng định chi phí nhà ở cũng là tác nhân chính gây lo nghĩ. Giám đốc APA Arthur C. Evans Jr. nhận định người dân Mỹ đã nỗ lực hết sức để vượt qua khoảng thời gian 2 năm đầy biến động này, song số liệu trên cho thấy tâm lý căng thẳng trong người dân đã lên mức cao nhất từ trước đến nay, trở thành một thách thức khó vượt qua.   

Báo cáo trên gồm kết quả từ cuộc khảo sát về đại dịch với sự tham gia của hơn 3.000 người trưởng thành được thực hiện từ ngày 7/2-14/2, và một cuộc khảo sát khác với hơn 2.000 trưởng thành tham gia được thực hiện vào đầu tháng 3 nhằm đưa ra các quan điểm về những sự kiện gần đây. Kết quả cho thấy so với những người lớn tuổi hơn, những người trong độ tuổi từ 18-43 có xu hướng coi tiền bạc là tác nhân chính gây căng thẳng nhiều hơn.

Tỷ lệ người gốc Latinh (75%) và người da màu (57%) lo nghĩ về vấn đề này cao hơn so với người da trắng (63%) và người gốc Á (57%). Thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã tác động không đồng đều đến sức khỏe và tài chính của các nhóm sắc tộc. Mặc dù việc làm nhìn chung đã tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây, song phục hồi kinh tế vẫn chưa thực sự cân bằng giữa các nhóm cộng đồng.   

Có tới 70% số người được khảo sát cho biết họ không còn sợ nhiễm COVID-19 như lúc đại dịch mới bùng phát, dù dịch bệnh vẫn là nhân tố gây căng thẳng cho phần lớn người dân Mỹ. Khoảng 50% số người được khảo sát, và 60% số nhân viên y tế tham gia thăm dò cho biết họ đã không thể gặp người thân do đại dịch COVID-19. Khoảng 58% người tham gia thừa nhận các mối quan hệ của mình đã bị rạn nứt hoặc họ phải chấm dứt quan hệ do các vấn đề bất hòa liên quan đến COVID-19, như việc hủy các sự kiện, hoặc khác biệt trong lập trường một số vấn đề như vaccine, đeo khẩu trang hay rủi ro y tế.   

Khoảng 60% số người được hỏi đã không còn hy vọng đại dịch sẽ chấm dứt do sự xuất hiện của các biến thể mới, song có 71%  khẳng định đại dịch COVID-19 đã giúp họ tập trung hơn vào những vấn đề quan trọng nhất. Trong bối cảnh vấn đề chăm sóc trẻ em đối mặt với nhiều khó khăn, phần lớn các bậc phụ huynh vẫn đang vật lộn với nỗi lo gián đoạn việc học liên quan đến COVID-19, cũng như việc các trường không ngừng điều chỉnh quy định phòng dịch. Họ đều có chung mối lo rằng tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về khả năng giao tiếp xã hội, cảm xúc, nhận thức, thể chất và quá trình học tập của trẻ.   

Ngoài ra, khảo sát còn cho thấy trong khi nhiều người đã bắt đầu nhận thức được lợi ích của dịch vụ hỗ trợ về sức khỏe tâm thần, thì vẫn còn nhiều người khác e ngại trong việc phá vỡ rào cản để tiếp cận. Trên cơ sở đó, ông Evans đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tiếp cận các phương pháp điều trị dựa trên bằng chứng và cung cấp sự hỗ trợ cho tất cả những người thực sự cần.

Điều này đồng nghĩa rằng sẽ không chỉ cần tận dụng các dịch vụ chăm sóc hiệu quả để kết nối với những người đang lo âu, căng thẳng mà còn phải giảm thiểu rủi ro cho những người nhiều khả năng đối mặt với thách thức, đồng thời đẩy mạnh biện pháp phòng ngừa cho cả những người đang trong trạng thái khỏe mạnh.

Đặng Ánh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm