Kỳ 3: Công an chê “cơm tù” cũng bị dọa đánh

10/07/2008 23:42 GMT+7 | Thế giới

Hai người khách bị dọa đánh vào trưa 28-7 tại quán cơm Khánh Hòa mà chúng tôi nêu ở bài trước là anh Nguyễn Xuân Liên và người em là Lê Thế Hạnh (cùng công tác tại công an một huyện của tỉnh Bình Dương). Anh Nguyễn Xuân Liên kể:

“Công an thì làm gì được tao?”

“Chúng tôi đi trên xe khách 35N-5614 từ bến xe Lam Hồng ra Ninh Bình. Khi đến Quảng Bình, xe dừng ở quán cơm Khánh Hòa. Tôi định sang quán phở đối diện thì hai bảo vệ quán ngăn lại, bảo ở đây không ai được đi chỗ khác. Một thằng nắm cổ áo tôi lôi vào, nói: “Không ăn thì vô ngồi, không được đi quán khác!”. Tức quá, tôi rút từ túi quần ra chiếc bóp có thẻ công an rồi bảo: “Tôi đang đi công tác!”. Nó nói: “Ông công an thì làm c. gì?”.
Mỗi ngày có hơn 1.000 khách từ các xe khách Nghệ An vào quán Khánh Hòa.

Đứa em tôi định theo tôi qua bên kia đường cũng bị chúng giữ lại. Bọn chúng nói: “Vào quán người ta rửa ráy rồi phải ăn!”. Tôi hỏi nếu không ăn thì sao, nó bảo: “Mày có gọi công an huyện chứ công an tỉnh cũng không làm gì được tao!”. Tôi liền gọi cho trực ban công an huyện.

Đám đầu gấu thấy vậy nhượng bộ để tôi sang bên kia đường. Ăn xong, vì sợ bọn chúng làm liều nên tôi phải chờ xe chuyển bánh mới qua đường và leo lên xe. Nhìn vào quán thì thấy hai thằng cầm hai con dao đi phía sau. Lúc này hai người công an mặc đồng phục đến. Tôi nói với lái xe: “Anh dừng lại một tí cho tôi liên hệ công tác”. Tôi nói với hai anh công an: “Chúng tôi vào trong quán rồi ra nhưng hai thằng cầm dao kia nó đòi đánh. Bây giờ đề nghị công an huyện xử lý vì chúng tôi đi công tác qua đây và cũng không có thời gian ở lại vì nhiều người trên xe phải chờ”...”.

“Bến xe” Nghệ An

Ngày 29-6, nhóm phóng viên thay thế người và lọt vào quán “cơm tù” Khánh Hòa lần thứ hai. Giờ cao điểm, quán có hơn 500 hành khách vào ăn cơm. Ngoài sân, một lúc bảy, tám chiếc xe ken dày. Không có một bóng người nào ngoài sân trừ sáu, bảy nhân viên phục vụ bắc ghế ngồi sát lề đường.

Không khí trong quán vẫn như cũ. Hàng trăm hành khách lam lũ chen chúc nhau mua vé, cầm bát đĩa đến quầy chờ phân phát thức ăn. Đội ngũ giám sát lượn lờ săm soi từng thực khách. Một dĩa cơm bên trên một miếng đậu khuôn, vài lát thịt heo kho giá 30 ngàn đồng quả là quá lớn đối với người dân lao động. Nhưng không ăn ở quán này thì chỉ có nước nhịn suốt tới Sài Gòn. Lác đác mới có vài chiếc xe khách biển số khác. Toàn bộ các xe ghé quán này đều có biển đăng ký là 37N hoặc 37H của Nghệ An. Đó là những xe xuất phát từ Vinh, Đô Lương, Diễn Châu, Tân Kỳ... thuộc tỉnh Nghệ An vào buổi sáng.
 
N
ếu không ăn, khách chỉ có thể ngồi tụm năm tụm ba
trước quán mà không được đi quán khác.
 
Từ 10 giờ sáng đến 1 giờ chiều, chúng tôi đếm được 17 xe khách biển số 37N, 37H, tổng cộng hơn 1.500 hành khách ghé vào quán Khánh Hòa ăn cơm. Quang cảnh nơi đây không khác gì tại bến xe liên tỉnh của Nghệ An. Mỗi ngày quán này chỉ tiếp hai đợt hành khách của Nghệ An. Đợt đầu vào buổi trưa từ 10 giờ đến 1 giờ trưa, xe Nghệ An vào Sài Gòn. Đợt hai từ 4 giờ chiều đến 7 giờ tối xe Nghệ An chạy từ Sài Gòn về.

Không ăn thì... chết?

Một người dân sống gần ở đó ước chừng một ngày doanh thu của quán lên đến vài trăm triệu đồng. Vì sao tất cả xe khách Nghệ An bắt buộc phải ghé quán Khánh Hòa? Chủ một quán cơm khác vắng hoe khách, cách quán Khánh Hòa 500 m nói: “Không ăn cơm ở đó thì chết!”. Hỏi vì sao chết, chủ quán này không dám trả lời, bảo: “Các anh tự đi tìm hiểu”.

Trưởng Công an xã Thanh Thủy Nguyễn Hữu An thì khẳng định từ trước tới nay, tại quán Khánh Hòa của ông Võ Xuân Sang không xảy ra một chuyện gì hết. Khi chúng tôi hỏi sự việc xảy ra trưa 28-6 thì ông An nói cái đó do công an huyện làm và ông không nhớ là ngày nào.

Thượng tá Hoàng Việt Thắng - Trưởng Công an huyện Lệ Thủy cho biết trước đây từng có đơn tố cáo quán Khánh Hòa dùng thủ đoạn ép các xe biển kiểm soát 37 đưa khách vào, chủ quán móc nối với cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Bình. Khi các xe bị bắn tốc độ hoặc bị xử phạt, chỉ cần đưa giấy tờ xe đến quán này để chủ quán thương lượng giải quyết nhẹ hơn. Những chủ xe không chịu ghé quán này, khi đi ngang qua Quảng Bình thế nào cũng bị bắt. Tuy nhiên, thượng tá Thắng cho biết đơn thư nặc danh đó không có căn cứ để giải quyết nên Công an tỉnh cũng như Công an huyện Lệ Thủy không thể làm gì được. Đối với những trường hợp hành khách bị ép, bị hành hung, nếu nạn nhân ở lại công an địa phương mới giải quyết được. Trong lúc đó, phần lớn sự việc xảy ra, khách lên xe đi luôn như trường hợp xảy ra trưa 28-6 tại quán này.

Chủ tịch tỉnh Bình Thuận chỉ đạo làm rõ

Chiều 8-7, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Huỳnh Tấn Thành đã chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh soạn công văn gửi chủ tịch UBND huyện Tuy Phong và giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận. Theo đó, yêu cầu làm rõ vụ “cơm tù” tại quán Khánh Hòa II (Vĩnh Hảo, Tuy Phong).

Cũng trong ngày 8-7, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14) Công an tỉnh Bình Thuận đã cử điều tra viên đến quán Khánh Hòa II để xác minh. Được biết, tổng số nhân viên phục vụ trong quán là 15 người, tất cả đều không có hợp đồng lao động. Trong đó có chín người là bà con, người nhà của chủ quán và sáu người còn lại là dân địa phương. Chủ quán Lê Hồng Quảng sinh năm 1974 (thường trú Lệ Thủy, Quảng Bình) đã được PC14 yêu cầu làm tường trình kể rõ những hoạt động chèn ép khách, bán phiếu ăn của quán này trong thời gian qua.
Nội vụ đang được Công an tỉnh Bình Thuận tiếp tục làm rõ.
P.NAM

Chủ quán là ai?

Cả một đoạn đường quốc lộ 1 qua ngã ba Cam Liên có chừng năm, sáu quán cơm xe đường dài. Tuy nhiên, tất cả các quán khác đều bán cơm cho xe tải hoặc khách lẻ nên vắng hoe. Chỉ duy nhất quán Khánh Hòa bán cơm cho xe tốc hành liên tỉnh, mỗi ngày đón trên 1.000 lượt khách, chủ yếu từ xe Nghệ An.

 

Quán Khánh Hòa được xây dựng trên khu đất vốn là nhà kho của HTX, được ông Võ Xuân Đấu là người địa phương mua lại. Ông Đấu nguyên là cán bộ công an chuyển ngành. Ông Nguyễn Bá Xuy - Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho biết việc kinh doanh của quán Khánh Hòa hiện nay do Võ Xuân Sang, con trai ông Đấu điều hành.

Võ Xuân Sang năm nay 36 tuổi, nổi lên như một đại gia trong khu vực này. Nhiều chủ quán cơm khác trên tuyến quốc lộ 1 qua Quảng Bình khi nói tới Võ Xuân Sang đều tỏ ra dè dặt. Họ chỉ tiết lộ đại gia này đang sử dụng một chiếc xe ôtô trị giá trên một tỷ đồng.

PV tìm hiểu và được biết Võ Xuân Sang là anh em họ với Quảng “cận”, một trong những nhận vật thế lực ở bến xe Lam Hồng (Bình Dương) cùng với Thắng “thế”. Ngày quán Khánh Hòa 2 (Tuy Phong, Bình Thuận) khai trương, Thắng “thế” nửa đêm đi phát card visit của quán này cho các chủ xe với lời răn: “Bay làm sao coi được thì làm!”. Và sau đó, hàng loạt xe khách Nghệ An xuất phát từ bến xe Lam Hồng đã ngoan ngoãn đưa khách vào quán Khánh Hòa II.
Theo PLTPHCM
 
 

Ông Nguyễn Bá Xuy, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy:

- PV: Thưa ông, là người đứng đầu chính quyền địa phương, ông có nắm được tình hình hoạt động của quán cơm Khánh Hòa không?

- Quán của ông Sáu Đấu à? Trước tới giờ hoạt động bình thường. Chỉ có cách đây mấy năm xảy ra vụ giết người. Nhân viên của quán này đâm chết người nhưng ở ngoài quán. Từ ngày thằng đó đi tù thì không có chuyện gì xảy ra hết.

- Thế lúc trưa ông có biết xảy ra vụ gì ở quán không?

- Không có!

- Chúng tôi chứng kiến thấy nhân viên hành hung hành khách!

- Ông Xuy liền gọi điện thoại hỏi trưởng công an xã rồi trả lời: Trưởng công an xã nói hồi trưa có người gọi cho công an huyện thông báo việc một hành khách không muốn ăn cơm nên bỏ ra đường và bị hành hung. Tuy nhiên, khi công an huyện tới thì hành khách ấy đã theo xe đi tiếp nên không lấy lời khai được.
 
*****

Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Sở GTVT, Phó Ban chỉ đạo an toàn giao thông tỉnh Quảng Bình:

- Khi Chỉ thị 01 của Thủ tướng về chống nạn “cơm tù” ra đời, tỉnh lập ban chỉ đạo, tổng kết ba năm. Theo chủ trương, Ban chỉ đạo 01 kết thúc nhiệm vụ và chuyển giao cho Ban An toàn giao thông. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy chuyển giao. Trong mấy năm gần đây, nạn “cơm tù” đã gần như xóa bỏ. Vừa rồi trên hộp thư truyền hình, người dân phản ánh một quán cơm ở Sen Thủy, huyện Lệ Thủy phát tờ rơi cho các chủ xe. Công an đã vào cuộc nhưng không thấy thông tin gì.

Nói không có “cơm tù” là trốn tránh. Nhưng nó rất tinh vi, khó phát hiện nếu các ngành và địa phương không cương quyết. Địa bàn quốc lộ 1A qua Quảng Bình dài 120 km, hiện nay về giao thông là do trung ương quản lý. Việc dẹp bỏ “cơm tù” là cần thiết nhưng phải có sự hợp tác và cương quyết của chính quyền địa phương cũng như người dân. Nhiều nhà xe vào quán ăn cơm không phải trả tiền. Chuyện đó do đâu mà ra? Do “cơm tù”. Hiện nay ở chỗ chúng tôi, hễ nghe thông tin ở đâu là vào cuộc xử lý ở đó!

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm