Kỳ 2: “Siêu thị cơm tù” ở Quảng Bình

10/07/2008 22:18 GMT+7 | Thế giới

Chủ quán thuê côn đồ lập “hàng rào người” chặn đầu, khóa đuôi xe, đếm khách và xua khách vào quán. Bọn đầu gấu xô ngã và dọa đánh cả người già chỉ vì không ăn “cơm tù”.

Với những thủ đoạn dằn mặt nhà xe, hầu như tất cả xe khách xuất phát từ Bến xe Lam Hồng đều phải đưa khách vào ăn “cơm tù” ở quán Khánh Hòa II (Tuy Phong, Bình Thuận) và quán Khánh Hòa ở Quảng Bình.
 
Quán cơm tù Lệ Thủy (Quảng Bình)

Những gì diễn ra ở quán cơm tù Khánh Hòa tại Quảng Bình còn kinh khủng hơn tại Bình Thuận.

Đếm người, nhốt khách

Ngày 28-6, phóng viên cải trang thành hành khách trên xe 37H-7838 từ Nghệ An đi TP.HCM. Khoảng 11 giờ trưa, xe tấp vào quán cơm Khánh Hòa nằm trên địa bàn xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Xe vừa vô sân, sáu nhân viên mặt lạnh như tiền khóa đuôi xe, hai đứa khác đứng chắn ngay cửa xe đếm người.

Sau một chặng đường dài nắng nôi, khách lục tục bước xuống. Chờ người cuối cùng ra khỏi xe, hai đầu gấu nhảy lên kiểm tra. Biết chắc không còn ai ở lại, nhà xe mới đóng cửa. Khoảng hơn 60 hành khách, phần lớn là dân nghèo, chưa kịp vươn vai, duỗi chân đã bị lùa vào quán. Một vài người chưa kịp vào liền bị chúng chửi: “Đ.M., vào quán đi. Bọn bay đứng ở đây làm gì?”. Mọi người cun cút làm theo.
 
Một trong những đầu gấu dữ dằn nhất ở quán cơm Khánh Hòa là Bình (trái).

Một cụ già mặc áo lính định bước qua đường. Hai tên đầu gấu một mặc áo đỏ, một áo vàng nhanh như chớp nhảy theo, chụp hai cánh tay cụ, gằn giọng: “Đi đâu? Đ.M., mày ra đường tai nạn ai chịu trách nhiệm?”. Cụ già vừa vùng vẫy thoát khỏi hai gọng kềm vừa la to: “Tôi đi ra đường hóng mát là quyền của tôi!”. Ngay lập tức, hai tên này xô cụ ngã chỏng chơ dưới đất. Hai nhân viên nữ của quán chạy ra, nắm hai tay cụ già lôi xềnh xệch trở vô. Cụ vùng vẫy và la to: “Bớ làng! Hai con cave này nó đánh tôi!”.

Hơn chục nhân viên trong quán nhào ra, vây tròn quanh cụ già. Trên 400 người khách trong quán không ai dám can ngăn. Cụ nhìn quanh thấy vậy đành ngoan ngoãn đứng dậy đi vào quán, không nói thêm lời nào nữa. Sau này, chúng tôi xác định tên côn đồ mặc áo đỏ là Bình - bà con với chủ quán. Trước khi xảy ra vụ xô ngã cụ già, tên này đã đòi đánh một hành khách trên một chiếc xe khác và người này đã điện thoại báo Công an huyện Lệ Thủy.

Những bữa cơm tủi nhục

Quán Khánh Hòa có mặt tiền hơn 100 mét, bên cạnh quốc lộ 1A, nằm trong một cụm dân cư nhỏ gần ngã ba Cam Liên. Sức chứa của quán ước chừng 1.000 người. Bên trong quán chia làm hai khu. Khu nhà ăn rộng, bẩn thỉu dành cho hành khách. Khu nhà ăn nhỏ, sạch sẽ hơn dành cho nhà xe, hai bên liên thông với nhau.

Cùng với hơn 400 hành khách đang đói khát, chúng tôi chen vào khu vực nhà ăn lớn. Cũng như quán “cơm tù” Khánh Hòa II ở Bình Thuận, tại đây, hành khách được bán ba loại vé. Vé cơm giá 30 ngàn đồng, vé phở, bún 25 ngàn đồng. Sau khi mua vé, khách tự động lấy đĩa hoặc bát bằng nhựa ở chồng bát đặt trên quầy đi tới quầy bán thức ăn.

Trên tay chúng tôi đã có một cái vé, một cái bát nhựa. Phải khó khăn lắm mới chen chân vào được quầy bán thức ăn. Cô gái phục vụ nhìn vé, thò tay bốc một ít bánh phở, rồi thò tay bốc thịt đã xắt mỏng bỏ vô bát, sau đó cầm cái xô nhỏ, chẳng biết nước gì đục đục đổ vào bát. Sau khi nhận được phần thức ăn, một thanh niên là hành khách buột miệng nói nhỏ: “Cơm tù! Cơm tù!”.

Nắng nóng, mùi phở, bún đã chua hòa trộn với mùi mồ hôi ngột ngạt nhưng ai nấy lầm lũi ngồi ăn. Không một ai nói to với ai một tiếng. Quán đông nghịt, tuy nhiên tất cả hành khách ở đây đều bị kiểm soát chặt chẽ. Hàng chục nhân viên cả nam lẫn nữ chia đều các khu vực, soi mói cử chỉ của từng người.

Trấn áp đến mức... mắc nghẹn

Ngồi trước bát phở nước lờ nhờ, sợi bánh đã bốc mùi, thịt cũng có mùi, chúng tôi phát hiện phở ở đây nấu bằng thịt heo ôi. Đang lưỡng lự chưa biết có nên ăn hay không thì một nhân viên nữ trạc tuổi 40 xuất hiện lù lù trước mặt. “Ăn đi! Không ngon à?”. Chúng tôi vội lảng tránh, bảo đi đường mệt chưa ăn vội và gọi thêm một chai bia. Chừng năm phút sau, nhân viên nữ đó lại xuất hiện với giọng lạnh lùng: “Ăn đi! Không hợp khẩu vị à?”. Đành phải ngậm miếng thịt ôi vào miệng, chờ bọn nó ngó lơ để nhả ra.
 
Theo PLTPHCM
 
Hành khách bị xua ngồi chen chúc ăn cho qua bữa.

Hai mươi phút sau, giả vờ đi toilet chúng tôi trốn ra sân. Vừa tới mép đường lộ, bỗng thấy cánh tay trái tê nhức. Tên mặc áo đỏ (sau này biết tên là Bình) cảnh giới hàng rào bên ngoài nhào tới lúc nào không biết. “Đ.M., mày đi đâu?”. Tôi nói muốn sang bên kia đường mua bao thuốc lá. Nó bảo: “Thuốc trong quán có, mày muốn tao đập chết à?”. Hai nhân viên nữ lại chạy ra, lại chửi: “Thằng kia, mày chê cơm, chê phở không ăn thì thôi, đừng có lộn xộn!”. Không muốn dây dưa, những hành khách đã ăn cơm xong đứng gần đấy vội lảng tránh ra xa.

Dường như tất cả hành khách đều đã ngầm hiểu luật ở quán cơm Khánh Hòa. Khi có chuyện xảy ra, mọi người ai nấy đều tỏ ra dửng dưng, coi như không biết y như trường hợp cụ già bị xô ngã và kéo đi. Giờ cao điểm, hàng trăm người tự giác xuống xe, tự giác vào quán, lặng lẽ mua vé, xếp hàng, lặng lẽ ăn. Những bộ áo quần nhàu nát, những mái đầu ngồi trong nhà ăn lớn ghé sát vào nhau rì rầm. Khung cảnh y hệt chốn địa ngục trong một cuốn phim ma.

Báo Pháp Luật TP.HCM cung cấp thông tin cho Tổng cục Cảnh sát

Chiều qua, đại diện Cục Chính trị và Cục Cảnh sát hình sự đã mời đại diện Báo Pháp Luật TP.HCM làm việc, hoan nghênh Báo đã vào cuộc, phanh phui tệ trạng nhức nhối này. Cán bộ Cục Chính trị cho biết lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát rất quan tâm đến vấn đề Báo nêu, đề nghị Báo phối hợp cung cấp thông tin về đường dây “cơm tù” và dấu hiệu liên quan của Bến xe Lam Hồng.

Báo đã cung cấp những thông tin về sự ra đời và tồn tại bất thường của Bến xe Lam Hồng, những vụ đánh lái xe, trấn tiền giới chủ xe và một số vụ phạm pháp có dấu hiệu hình sự nhưng không được khởi tố dù giới chủ xe, lái xe nhiều lần tố cáo.

Bình Thuận kiểm tra quán “cơm tù” Khánh Hòa II
Chiều qua (7-7), ông Hàn Đắc Thuận, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong (Bình Thuận), cho biết ngay sau khi Báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh nạn “cơm tù” tại quán Khánh Hòa II ở xã Vĩnh Hảo, UBND huyện đã yêu cầu công an và các ngành liên quan vào cuộc. Cho đến chiều qua, công tác kiểm tra, xác minh vẫn đang được tiến hành.

Bình Thuận là địa phương có kinh nghiệm và quyết liệt với nạn “cơm tù”, đặc biệt sau khi hành khách Nguyễn Văn Hương bị đánh chết tại quán cơm Thu Thanh (Hàm Thuận Bắc) ngày 23-12-2002. Sau vụ này, tất cả các quán cơm trên địa bàn đều dán cam kết “năm không”: không đánh khách, không ép khách, không xua đuổi khách, không lấy giá cao so với quy định và tất cả nhân viên phục vụ trong quán phải có hợp đồng lao động. Tuy nhiên gần đây, bản cam kết này ít được các địa phương chú ý. Sự việc diễn ra tại quán Khánh Hòa II cho thấy đây là hình thức “cơm tù” kiểu mới, thủ đoạn tinh vi hơn, không thỏa hiệp mà gây áp lực buộc nhà xe vào quán để bóc lột hành khách, đe dọa đánh đập khách khi họ từ chối ăn uống kém chất lượng với giá cắt cổ.
P.Nam

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm