Kỳ 1: Ăn cơm thiu phở thối hay... ăn đòn!

10/07/2008 20:51 GMT+7 | Thế giới

Hành khách: Không ăn cơm không được di chuyển, khỏi đi vệ sinh. Nhà xe: Không ghé quán thì bị hành hung, chèn ép khi vào bến Lam Hồng rước khách.

Một bến xe không đủ tiêu chuẩn về diện tích vẫn được cấp phép làm bến liên tỉnh, quá hạn vẫn không bị thu hồi giấy phép. Chủ bến từng coi trời bằng vung, hành hung lái xe, chủ xe. Dưới trướng của chủ bến là những tên côn đồ câu kết với chủ quán “cơm tù”, buộc nhà xe đưa khách vào quán. Cạnh đó là đủ trò bóp cổ nhà xe và hành khách.


Ghé quán hoặc ... bị giam xe ở Quảng Bình.

“Ăn chưa mà đi? Tau tát cho bây giờ!”

Gần hai tháng qua, quán cơm Khánh Hòa II thuộc xóm 2, xã Vĩnh Hảo (Tuy Phong, Bình Thuận) đã thành nỗi ám ảnh của cả hành khách và nhà xe. Điều đặc biệt là sự ám ảnh này lại tập trung vào các xe khách của tỉnh Nghệ An có biển số 37 N.

11 giờ 30 ngày 28-6, trong vai hành khách, chúng tôi bám theo một xe khách Nghệ An để vào quán Khánh Hòa II. Quán mới mở nhưng trông khá cũ vì được sang lại từ một quán đã hoạt động trước đó. Điều dễ thấy nhất là số lượng bàn ghế khá lớn, tỷ lệ nghịch với gian bán cơm, phở bé xíu, lèo tèo vài xoong đựng thức ăn và cơm.

Xe dừng, hành khách vừa bước vào quán thì ngay lập tức có hai thanh niên mặt bặm trợn nhưng còn khá trẻ - độ 16, 17 tuổi ra ngồi chắn ngay cửa. Phía bên trong dẫn ra nhà vệ sinh dành cho khách cũng có hai tên khác bắc ghế ngồi chắn lối.

Chưa kịp ấm chỗ thì một trong hai tên ngồi phía trước đã nói như ra lệnh bằng giọng Quảng Bình: “Mau mau mua vé ăn cơm, phở đi. Chạy lung tung đừng trách đây nhá!”. Chúng tôi giả vờ không nghe, quẹo qua khu vệ sinh liền bị nắm áo giật lại: “Ăn cơm chưa mà đi? Tau tát cho bây giờ!”. Ngay sau đó, một bà cụ và hai đứa cháu người Nghệ An cũng bị kéo thô bạo, không cho đi vệ sinh và cùng chúng tôi buộc phải quay lại gian bán cơm, phở. Tất cả diễn ra trước mặt nhà xe nhưng không thấy bất cứ phản ứng nào.

 

Không muốn chuốc lấy bất an, gần 50 hành khách đành lủi thủi “vâng lệnh”, đứng xếp hàng đợi mua cơm, phở theo một quy trình như thời bao cấp. Đầu tiên là mua phiếu, phở 25.000 đồng, cơm 30.000 đồng; sau đó tự lấy đĩa hoặc tô vòng sang bên cạnh chìa phiếu và đợi lấy. Nhận cơm, phở xong nhưng chúng tôi và nhiều hành khách khác đành bỏ mứa vì không thể nuốt nổi. Tô phở được lát vài miếng thịt heo, bánh phở cong vìa vì để qua bữa, chan với mấy vá nước lèo nhạt thếch. Ngồi cạnh tôi, một hành khách người Đô Lương (Nghệ An) đang nuốt vội miếng cơm. Ông cho biết tất cả khách trên xe đã được nhà xe dặn kỹ là chớ có phản ứng, đã vào đây thì ai cũng phải ăn cơm hay phở nếu không muốn bị ăn đòn.

 
Sự yên bình trá hình của quán “cơm tù” Khánh Hòa II đã che mắt được những người dân xung quanh gần hai tháng qua. Chúng tôi đã lân la hỏi chuyện nhưng gần như không ai có được thông tin nào về việc này. Chỉ có một thông tin là trước đây quán này mang tên khác và khách rất lèo tèo. Nhưng từ ngày đổi tên Khánh Hòa II thì xe khách ghé nườm nượp.
Quán cơm Khánh Hòa II nhìn từ bên ngoài với vẻ rất yên bình... Nhưng bên trong là hai “đầu gấu” người Quảng Bình chặn ngay cửa ra vào, không cho khách ra ngoài
Ông Trần Ngọc Thuận - Phó Bí thư xã Vĩnh Hảo xác nhận có nắm được thông tin về tình trạng chèn ép khách tại quán Khánh Hòa II nhưng chưa có bằng chứng xác thực để kết luận. Tuy nhiên, ông Thuận lại không biết được quán Khánh Hòa II đã được cấp phép hoạt động hay chưa và không nắm được những nhân viên của quán có đăng ký tạm trú hay không. Ông Thuận cho biết xã chỉ có trách nhiệm quản lý, còn được cấp phép hay không không phải là chuyện của xã (?!).
 
Hàng chục nhà xe bị đe dọa

Chúng tôi đã tìm cách tiếp cận với các chủ xe ghé quán Khánh Hòa II nhưng đa số đều lắc đầu lảng tránh. Phải sau nhiều cuộc điện thoại trao đổi và được một người quen “bảo lãnh”, một số chủ xe Nghệ An mới đồng ý cung cấp thông tin.

Các chủ xe cho biết giữa tháng 5, khi quán khai trương, Quảng “cận” đã cho đàn em đi gõ cửa từng xe vào nửa đêm và phát một tấm card ghi địa chỉ và tên quán. Bọn đàn em này chỉ dằn mặt: “Bay mần sao đó cho coi được thì mần”. Địa điểm đặt quán Khánh Hòa II cũng được tính toán khá kỹ khi nằm cách TP.HCM 300 km, các xe xuất phát từ bến Lam Hồng đều qua đây trùng với giờ ăn trưa. Quảng “cận” đã thuê lại quán với giá 70 triệu đồng/năm từ chủ cũ. Các chủ xe cho biết Khánh Hòa II và Thắng Phượng đều chịu sự quản lý của nhóm “đầu gấu” bến xe Lam Hồng do Hải “bến” cầm đầu. Do đó, khi quán Thắng Phượng bị Đài truyền hình Việt Nam và Báo Pháp Luật TP.HCM phanh phui thì nhóm “đầu gấu” này lập tức cho ra đời Khánh Hòa II cách đó không xa để bắt khách.


Cống nạp tiền ở bến xe Lam Hồng.

Không ghé quán: Xe mất khách, nhà xe bị đánh

Nhiều nhà xe chưa lường hết lời đe dọa của Quảng “cận”, không cho xe vào ăn đã phải lãnh hậu quả khi rất khó đón khách tại bến Lam Hồng do đám “đầu gấu” đổ ra xua khách, không cho lên xe dù xe đã đóng tiền bảo kê. Chưa hết, Quảng “cận” còn sai đàn em là Thắng “thế” tiếp tục “tiếp thị” cho quán Khánh Hòa II với những xe cứng đầu bằng tay chân. Một chủ xe cho biết hầu như nhà xe nào không ghé quán đều bị nhóm tay chân của Thắng “thế” đánh. Cũng trong thời gian đó, có ít nhất hai xe đã bị đập vỡ kính một cách bí hiểm mà không truy tìm được thủ phạm lẫn nguyên do.

 
Kết quả là chỉ sau nửa tháng khai trương, hàng chục xe tuyến Nghệ An xuất phát từ bến xe Lam Hồng đã phải thay đổi lịch trình ăn trưa với địa điểm mới là quán Khánh Hòa II. Một chủ xe chua xót: “Nhà xe ăn sao cũng được, chỉ thương cho khách. Nhưng bọn hắn mạnh quá, không ai dám chống”.
 

“Đường dây “cơm tù”” xuyên Việt

Phải chăng đã có một quy ước ngầm, một sự đe dọa được báo trước nên đã không xảy ra phản ứng nào từ hành khách và nhà xe?

Trong những ngày tiếp tục theo dõi hoạt động của quán Khánh Hòa II, manh mối dần lộ ra khi gần như toàn bộ xe ghé quán đều là xe biển số 37N của Nghệ An, xuất phát từ bến xe Lam Hồng (Dĩ An, Bình Dương). Một chủ quán cơm ở Ninh Thuận đã cung cấp cho chúng tôi 11 biển số xe 37N chạy từ bến Lam Hồng là bạn hàng của quán ông đột nhiên “mất tích” từ ngày quán Khánh Hòa II khai trương. Đối chiếu lại từ những biển số xe ghi được trong quá trình theo dõi quán Khánh Hòa II thì hoàn toàn trùng khớp.

Chưa hết, trong quá trình theo dõi, chúng tôi đã tình cờ phát hiện ra một thanh niên chuyên ngồi canh cửa không cho khách đi vệ sinh từng là một trong những “đầu gấu” của quán “cơm tù” Thắng Phượng vừa bị dẹp trước đó trên địa bàn huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Chính từ mối liên hệ này chúng tôi đã tìm ra được nhân vật đứng sau điều hành hoạt động của quán chính là một “đầu gấu” làm bảo kê tại bến xe Lam Hồng tên Quảng “cận”, quê ở Quảng Trạch (Quảng Bình).

Quảng “cận” cùng với một nhóm “đầu gấu” khác quê Tân Kỳ, Đô Lương (Nghệ An) là đàn em của Hải “bến” - từng có thời gian là chủ bến xe Lam Hồng thao túng toàn bộ thế giới ngầm ở đây mà báo chí nhiều lần đề cập.

Hàng loạt xe đã bị chèn ép vào quán Khánh Hòa II. Tuy nhiên, đó chưa phải là câu chuyện cuối cùng về hệ thống “cơm tù” dưới sự bảo kê của nhóm “đầu gấu” bến xe Lam Hồng. Cách đó hơn 1.000 km, quán Khánh Hòa I do em rể của Quảng “cận” làm chủ tại ngã ba Cam Liên (Lệ Thủy, Quảng Bình) còn kinh hoàng hơn với hàng ngàn lượt khách bị dồn vào mỗi ngày. Được cánh nhà xe ví von với cái tên “siêu thị “cơm tù” miền Trung”.

 
Theo PL.TPHCM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm