Dịch Covid-19 thế giới sáng 30/7: Indonesia triển khai 17.000-18.000 nhân viên thực hiện truy vết trên khắp cả nước

30/07/2021 10:35 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 30/7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 197.306.339 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.213.101 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 178.489.651 người.   

Dịch Covid-19: Tiêm chủng giúp ngăn chặn 60.000 ca tử vong tại Anh

Dịch Covid-19: Tiêm chủng giúp ngăn chặn 60.000 ca tử vong tại Anh

Phóng viên TTXVN tại London dẫn số liệu chính thức của Cơ quan Y tế Công cộng England (PHE) cho biết, chương trình tiêm vaccine của Vương quốc Anh đã giúp ngăn chặn khoảng 60.000 ca tử vong và 22 triệu ca mắc COVID-19 tại nước này.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 654.592 ca nhiễm mới. Mỹ đã có số ca nhiễm mới cao nhất thế giới với 87.124 ca, tiếp theo là Ấn Độ với 44.673 ca, Indonesia với 43.479 ca, Brazil với 41.853 ca, Iran với 34.433 ca, Anh với 31.117 ca, Tây Ban Nha với 26.689 ca, Pháp với 25.190 ca, Nga với 23.270 ca...   

Tại khu vực châu Á, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Indonesia, Lực lượng Đặc nhiệm chống COVID-19 của chính phủ nước này sẽ triển khai 17.000-18.000 nhân viên thực hiện công tác truy vết tại các địa phương trên khắp cả nước, bắt đầu từ tháng 8 tới. Trưởng bộ phận truy vết thuộc Lực lượng Đặc nhiệm chống COVID-19 Koesmedi Priharto cho biết quyết định này được đưa ra sau khi có chỉ thị từ chính quyền trung ương.   

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng đã ra lệnh cho tất cả các cấp chính quyền và các cơ sở y tế nỗ lực tối đa giảm thiểu số người tử vong. Theo chỉ thị này, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan đã yêu cầu tất cả các bộ, ngành và địa phương tăng cường các nỗ lực xét nghiệm, truy vết và điều trị với mục tiêu rà soát và xét nghiệm ít nhất 8 người tiếp xúc gần mỗi bệnh nhân COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Bogor, Indonesia. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Y tế , bà Siti Nadia Tarmizi cho biết đến nay, nước này đã phát hiện 923 ca mắc biến thể nội địa B14662 của virus SARS-CoV-2. Biến thể này được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 11/2020 tại một số tỉnh, thành của Indonesia và đã được đưa vào danh sách “cảnh báo cần theo dõi thêm” của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).   

Tại Thái Lan, Bộ Y tế thừa nhận tình trạng thiếu giường nghiêm trọng tại các bệnh viện và cơ sở cách ly trong bối cảnh số ca mắc mới và tử vong tại nước này tiếp tục tăng cao. Ông Somsak Akkasilp, người đứng đầu Cơ quan Dịch vụ y tế của Bộ Y tế Thái Lan, thẳng thắn thừa nhận tại các bệnh viện lớn, toàn bộ các khoa hồi sức tích cực đều quá tải.

Hiện các bệnh viện ở thủ đô Bangkok chỉ có đủ năng lực tiếp nhận 1.000 bệnh nhân mới/ngày, song thực tế họ đã phải tiếp nhận tới 4.000 ca mắc mới riêng trong ngày 29/7. Không chỉ vậy, các cơ sở cách ly của thủ đô Bangkok cũng đang hết giường. Điều này buộc chính quyền phải làm việc với các bệnh viện tư nhân để có thể có thêm giường cho người bệnh. Mặc dù các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đang áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt cùng lệnh giới nghiêm vào ban đêm, nhưng trong ngày 29/7, Thái Lan vẫn ghi nhận thêm 17.669 ca mắc và 165 ca tử vong - mức cao nhất từ trước tới nay.   

Ở khu vực Trung Đông, Bộ Y tế Israel thông báo đã bắt đầu tái triển khai hệ thống Thẻ Xanh (Green Pass) nhằm siết chặt kiểm soát việc đi lại của người dân trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đang ngày một tăng tại nước này. Theo quy định, Thẻ Xanh được cấp cho những người từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm đủ ít nhất 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Thẻ được sử dụng để gặp gỡ hoặc tham dự các sự kiện tập trung từ 100 người trở lên, bao gồm phòng tập, nhà hàng, hội nghị, địa điểm du lịch, địa điểm thờ tự tôn giáo…

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine Pfizer/BioNTech ngừa COVID-19 cho người dân tại Tel Aviv, Israel. Ảnh: AFP/TTXVN

Những người trưởng thành chưa tiêm vaccine sẽ được yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 để được tham dự các sự kiện như trên. Những người đã phục hồi sau khi mắc COVID-19 sẽ không cần trình phiếu xét nghiệm âm tính. Đây là một trong những động thái nhằm siết chặt kiểm soát đi lại và thực hiện quy định giãn cách phòng dịch của Israel. Những ngày qua, Bộ Y tế Israel đã thành lập một ủy ban gồm nhiều chuyên gia nhằm tư vấn cho bộ trong việc khuyến khích người cao tuổi tiêm bổ sung mũi vaccine thứ 3.   

Tại châu Âu, trước tình hình ngày càng gia tăng số ca mắc mới, nhập viện và tử vong do COVID-19, Tổ chức Nghiên cứu y tế Gimbe Foundation mới đây cho biết Italy đã bước sang làn sóng thứ 4 của đại dịch. Dữ liệu từ Gimbe cho thấy trong tuần từ ngày 21-27/7, Italy ghi nhận mức tăng hằng tuần ở tất các vùng.

Cụ thể, số ca mắc mới tăng 64,8%, tương ứng 31.963 ca so với 19.390 ca tuần trước đó, số trường hợp cách ly tăng 42,9% (68.510 ca so với 47.915 ca); số ca nhập viện với các triệu chứng tăng 34,9% (1.611 ca so với 1.194 ca) và số ca chăm sóc tích cực tăng 14,5%. Gimbe cho rằng sau 15 tuần giảm, số ca tử vong đã tăng trở lại, “Italy đã bước sang làn sóng COVID-19 thứ 4”.  

 Cơ quan Y tế công cộng England (PHE) cho biết chương trình tiêm vaccine của Vương quốc Anh đã giúp ngăn chặn khoảng 60.000 ca tử vong và 22 triệu ca mắc COVID-19 tại nước này. Theo PHE, chương trình tiêm chủng cũng trực tiếp ngăn chặn hơn 52.600 ca nhập viện do COVID-19.

Báo cáo này ước tính khoảng 95,5% dân số trưởng thành của Anh hiện có kháng thể với COVID-19 nhờ tiêm chủng hoặc đã mắc bệnh, làm dấy lên hy vọng Anh có thể đang tiến gần tới ngưỡng miễn dịch cộng đồng. Cho tới nay, đã có 37.782.252 người, chiếm 71,4% dân số trưởng thành tại Anh, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Số người tiêm 1 mũi là 46.733.115, chiếm 88,4%.   

Tại Mỹ, các ca mắc mới tiếp tục tăng. Theo Đại học Johns Hopkins, quốc gia này hiện có trung bình 63.698 người mắc mới mỗi ngày, tăng 59% so với mức trung bình của tuần trước. Trước tình hình này, Thống đốc Arkansas Asa Hutchinson thông báo sẽ khôi phục tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng ở bang này.

Theo đó, ông đã ký vào bản tuyên bố về tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng sẽ kéo dài trong 60 ngày. Thống đốc Hutchinson cũng đã yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden hỗ trợ Arkansas khi số người nhập viện tại bang Đông Nam của Mỹ ngày càng gia tăng.

Đối với việc đeo khẩu trang, ông đã ra lệnh tổ chức một phiên họp đặc biệt để sửa đổi Đạo luật 1002, vốn cấm việc yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc. Bên cạnh đó, Thống đốc Hutchinson cũng yêu cầu các nhà lập pháp thay đổi luật, cho phép ngành giáo dục bổ sung chính sách đeo khẩu trang khi cần thiết. Lãnh đạo bang này cho biết thêm rằng trẻ em dưới 12 tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch vì chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Trần Quyên/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm