Chủ động phòng sốt xuất huyết trong tình hình dịch Covid-19

01/10/2021 11:49 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, đến nay cả nước ghi nhận 49.113 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 18 trường hợp tử vong.

Cảnh báo nguy cơ phát sinh các ổ bệnh sốt xuất huyết ở ngoại thành Hà Nội

Cảnh báo nguy cơ phát sinh các ổ bệnh sốt xuất huyết ở ngoại thành Hà Nội

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, hiện nay, địa bàn Hà Nội tồn tại nhiều yếu tố nguy cơ phát sinh ổ bệnh sốt xuất huyết như: Tình trạng ô nhiễm môi trường, phế thải, phế liệu tồn đọng là nơi muỗi đẻ trứng; nhiều khu nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn ở tạm bợ...

Số ca tử vong do sốt xuất huyết tập trung tại Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên, Sóc Trăng, Tây Ninh, Bình Thuận. Do đó, Bộ Y tế yêu cầu phải vừa chống dịch COVID-19 vừa đảm bảo khám chữa bệnh thông thường, đặc biệt là sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng.

Chủ động điều trị, giảm tử vong

Để chủ động công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh sốt xuất huyết Dengue trong tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay, Bộ Y tế đã có công văn số 8186/BYT-KCB yêu cầu giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố; thủ trưởng cơ quan y tế của các bộ, ngành cần căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn để bố trí cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 và công tác khám, chữa bệnh thông thường đặc biệt là dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue đang có chiều hướng gia tăng theo các mô hình phù hợp.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân sốt xuất huyết được điều trị tại Bệnh viện. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Các đơn vị cần thực hiện nghiêm tiêu chí bệnh viện, phòng khám an toàn phòng, chống COVID-19. Các cơ sở khám chữa bệnh phải thường xuyên đánh giá bệnh viện, phòng khám an toàn phòng, chống COVID-19.

Bên cạnh thông tin rộng rãi để nhân dân biết được các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh sốt xuất huyết Dengue và thông tin các cơ sở khám, chữa bệnh gần nhất mà bệnh nhân có thể đến để được khám bệnh, tư vấn; chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh sốt xuất huyết Dengue trong tình hình dịch bệnh COVID-19 nhằm bảo đảm an toàn phòng lây nhiễm COVID- 19.

Đồng thời, các cơ sở y tế cần bố trí phòng khám lại các ca bệnh sốt xuất huyết Dengue vào các khung giờ phù hợp với tình thực tế tại đơn vị tạo điều bệnh khác thuận lợi cho người bệnh sốt xuất huyết Dengue và người bệnh thông thường; tích cực, chủ động triển khai ngay công tác tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn.

Các đơn vị cần chỉ đạo các cơ sở tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết Dengue đang nằm nội trú trong các ngày nghi lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh sốt xuất huyết Dengue có diễn biến nặng lên.

Đồng thời, cần củng cố và duy trì hoạt động của "Nhóm điều trị sốt xuất huyết Dengue" và "Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue" tại các đơn vị khám, chữa bệnh để có thể thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.

Các đơn vị cần bảo đảm đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh, đặc biệt là dung dịch cao phân tử để chống sốc.

Chú thích ảnh
Các bệnh nhi điều trị tại Khoa Nhi (bệnh viện Thanh Nhàn) đều thuộc các nhóm bệnh mùa hè: sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn, hô hấp… (ảnh chụp tháng 6/2021). Ảnh: Minh Quyết – TTXVN

 Không chủ quan bỏ qua thăm khám, xét nghiệm

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét- Ký sinh trùng Trung ương, COVID-19 và sốt xuất huyết đều là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ra bởi virus. Bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, chủ yếu lây truyền từ người sang người qua các giọt bắn đường hô hấp lây lan khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, tiếp xúc gần... Còn sốt xuất huyết do 1 trong 4 chủng virus dengue gây ra, chủ yếu lây truyền sang người qua vết đốt của muỗi loài Aedes bị nhiễm bệnh.

Cả hai bệnh đều có những triệu chứng ban đầu giống nhau như: đau nhức xương khớp, sốt, ớn lạnh, đau đầu... Tuy nhiên sốt xuất huyết điển hình có biểu hiện: da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc.

Ngoài ra, sốt xuất huyết còn có dấu hiệu đau bụng hoặc nôn nhiều, có biểu hiện ứ dịch, xuất huyết niêm mạc như: chảy máu cam, chảy máu chân răng… Còn đối với bệnh COVID-19 ngoài việc nguy cơ đi từ vùng dịch và tiếp xúc với F0 sẽ có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, đau họng, khó thở,  nặng có thể dẫn đến thiếu oxy, suy hô hấp.

“Trong khi dịch COVID đang diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều người bị sốt xuất huyết có thể sẽ chủ quan chỉ nghĩ đến COVID mà bỏ qua việc thăm khám, xét nghiệm dẫn đến tình trạng có thể điều trị sai hoặc muộn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Đây là một trong những sai lầm thường gặp của người dân hiện nay trước nguy cơ "dịch chồng dịch": COVID-19 và sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Dương cho biết.

Sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người như COVID-19 mà lây qua vector (vật trung gian). Do vậy, khi người dân chủ động tiêu diệt và giảm mật độ vector xuống thì khả năng lây lan sẽ ít hơn.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông.

Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm