Choáng với tư tưởng 'ai rồi cũng mắc Covid', chuyên gia lên tiếng

22/02/2022 15:00 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian gần đây, tỉ lệ người nhiễm Covid-19 ngày càng tăng cao, đặc biệt là các địa phương thuộc khu vực phía Bắc. Việc này kéo theo khá nhiều bất tiện, ảnh hưởng đến công việc của nhiều người.

Công điện Bộ Y tế: Quyết liệt các biện pháp chống dịch Covid-19, giảm tối đa tử vong

Công điện Bộ Y tế: Quyết liệt các biện pháp chống dịch Covid-19, giảm tối đa tử vong

Bộ Y tế vừa có Công điện số 235/CĐ-BYT gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Trước tình hình này, nhiều người có suy nghĩ: "Rồi ai cũng mắc Covid-19 cả thôi, thà thành F0 sớm còn hơn sống cảnh F1". Tuy nhiên, trong quan điểm của chuyên gia, vấn đề này lại được giải thích theo một khía cạnh khác, khoa học và đảm bảo an toàn hơn.

Giải thích về suy nghĩ "thà thành F0 sớm", chị Q.C (trú tại Hà Nội) chia sẻ với chúng tôi: "Mình liên tục trở thành F1 khi có đồng nghiệp hoặc bạn bè là F0. Lúc này, mình không thể đi làm và nghiễm nhiên ở nhà đồng nghĩa với cắt lương. Những ngày ở nhà theo dõi, mình chẳng làm gì, vừa không có tiền vừa bức bối". Chị Q.C cũng cho biết thêm, việc liên tục trở thành F1 khiến chị lo lắng, không ít khi nào "chuyển hệ" sang F0. Đôi khi, nhìn bạn bè nhiễm Covid-19 và điều trị thành công khá nhẹ nhàng, chị Q.C lại từng có tư tưởng "mắc đi cho đỡ lo".

Chú thích ảnh
Các bác sĩ giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19 nặng. Ảnh: TTXVN phát

Trên thực tế, không phải F0 nào cũng có trải nghiệm Covid-19 như nhau. Tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng sức khỏe của mỗi người, bệnh nhân sẽ có triệu chứng nặng nhẹ khác nhau.

Chia sẻ với Infonet, phó giáo sư Hoàng Bùi Hải - Phó Giám đốc bệnh viện Covid-19 quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết suy nghĩ "thà bị F0 còn hơn cứ mãi là F1" vô cùng nguy hiểm. Ông nhận định bà con vẫn phải tuân thủ phòng dịch tốt nhất có thể, không thể chủ quan vì thực tế nếu để lây nhiễm thì chưa thể khẳng định ai cũng không có triệu chứng, ai cũng lướt nhanh qua Covid-19. Khi nhiễm bệnh, tùy vào thể trạng, có người dù tiêm 3 mũi vaccine vẫn có nguy cơ trở nặng. Do vậy, việc phòng bệnh là điều không hề thừa trong giai đoạn nhạy cảm này.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế đến theo dõi, điều trị F0 tại nhà. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Song song đó, phó giáo sư Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa y tế công cộng trường Đại học Y dược TP.HCM cũng cho biết tư tưởng trên sẽ làm cho dịch lây lan nhanh hơn. Quá trình này kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng vô cùng nguy hiểm. Trong khi đó, tỉ lệ bao phủ vaccine vẫn chưa đạt tới độ hoàn hảo.

Ngoài ra, vấn đề hậu Covid-19 cũng vô cùng quan trọng, gây ảnh hưởng đến tính mạng của một số cựu F0. "Số ca mắc tăng cao là khó tránh khỏi khi chúng ta mở cửa giao lưu đi lại nhưng vẫn tuân thủ phòng bệnh tốt nhất có thể để bảo vệ sức khoẻ của mình và gia đình, cộng đồng" - ông Dũng nói.

Hiện nay tình hình dịch tại Hà Nội vẫn đang trở thành đề tài nóng. Theo đó, vào tối ngày 21/2, Hà Nội ghi nhận 5.477 ca COVID-19, tăng 375 ca so với ngày trước đó, trong đó có 1.687 ca cộng đồng. Đây được xem là số ca mắc ở ngưỡng cao nhất từ trước đến nay. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, thành phố đã có 206.995 ca bệnh.

Tại TP.HCM, tỉ lệ người nhiễm Covid-19 đang có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây. Điều đáng nói, Tuổi Trẻ thông tin rằng hiện tại thành phố chỉ có tỉ lệ 2,3 y bác sĩ đảm nhận trọng trách chăm sóc cho 10.000 người dân. Sở Y tế TP.HCM đã thí điểm chương trình đưa bác sĩ y khoa về y tế tuyến cơ sở nhằm bổ sung và phát triển lực lượng cho y tế cơ sở, đồng thời tăng cường đào tạo nhân lực.

Phúc Hưng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm