05/09/2011 11:24 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Ngày 24/8/2011, báo TT&VH in bài Truy tìm giải thưởng Tự lực văn đoàn, với vài câu hỏi được đặt ra cho một giải thưởng văn chương nhiều thăng trầm. Để hiểu hơn về địa vị học thuật và giá trị vật chất của giải thưởng này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Vu Gia - một chuyên gia nghiên cứu về Tự lực văn đoàn.
Nhà nghiên cứu Vu Gia
* Thưa ông, chúng tôi được biết Giải thưởng Văn chương Tự lực văn đoàn đã trao cho Vi Huyền Đắc 50 đồng, Nguyên Hồng, Anh Thơ 30 đồng, Mạnh Phú Tư, Kim Hà 100 đồng... Vậy thì, 100 đồng lúc ấy (những năm 1935-1939) có giá trị lớn không?
- Nửa đầu thế kỷ 20, nói đến giải thưởng văn chương, thì chỉ có Giải thưởng Văn chương Tự lực văn đoàn là giá trị nhất. Đây là văn đoàn đầu tiên có tôn chỉ, mục đích, có cơ quan ngôn luận, xuất bản và có giải thưởng riêng. Số tiền giải thưởng có lớn không, nói thật tôi không rành lắm, vì mình là lớp hậu học.
Nhưng theo nhà phê bình Thiếu Sơn trong một bài viết về Phan Khôi, cho biết ngày ấy lương tri huyện khoảng 80 đồng. Hồi đầu thập niên 1980, tôi có nhiều lần trao đổi vu vơ với nhà thơ Huyền Kiêu. Ông kể nhuận bút ngày đó khá lắm. Một bài thơ có nhuận bút khoảng 7 đồng, ông chiêu đãi thân hữu ở nhà hàng Tây một bữa rượu ra trò, chỉ mất khoảng hơn 2 đồng. Số tiền còn lại, ông mang về giao cho mẹ mua con bò chuẩn bị đám cưới. Nhuận bút bài thơ sau, cộng với con bò ấy đủ cho một đám cưới lớn nhất làng. Do vậy, tôi nghĩ về mặt tiền bạc, thì số tiền dành cho Giải thưởng Văn chương Tự lực văn đoàn không tồi.
* Số tiền có giá trị lớn như vậy, Tự lực văn đoàn lấy tiền đâu ra để mà trao?
- Báo Phong hóa, ngày 8/6/1934, đăng về “Giải thưởng Tự lực văn đoàn (năm 1935)” như sau: “Bắt đầu từ nay, Tự lực văn đoàn đặt giải thưởng hằng năm để tặng những tác phẩm (tiểu thuyết, phóng sự, khảo luận, thi ca, kịch, sử ký....) có giá trị và hợp tôn chỉ của đoàn. Giải thưởng năm 1935 sẽ tặng riêng tiểu thuyết: Giải nhất... 100 đồng - Giải nhì... 50 đồng. Tiền thưởng này lấy ở tiền lãi cuốn Nửa chừng xuân mà ông Khái Hưng đã biếu Tự lực văn đoàn. Nếu bán hết Nửa chừng xuân thì đủ tiền đặt giải thưởng trong bốn, năm năm, mỗi năm hai giải thưởng như trên. Trong một năm, nếu không có cuốn sách nào đáng thưởng thì giải thưởng đó để lại năm sau”.
* Vậy là Nửa chừng xuân đã bán rất chạy? Có số liệu nào cho biết số sách đã bán hay số tiền mà tác giả thu về không?
- Như thông báo vừa trích dẫn, cuốn tiểu thuyết Nửa chừng xuân không chỉ bán rất chạy mà còn bán với số lượng lớn. Về số liệu hay tiền mà tác giả thu về cũng... khó trả lời chính xác.
Nhưng chúng ta đã biết, tiểu thuyết Nửa chừng xuân được đăng nhiều kỳ trên báo Phong hóa, kết thúc ngày 8/9/1933, in thành sách năm 1934, ấy vậy mà kể từ năm 1935: “Nếu bán hết Nửa chừng xuân thì đủ tiền đặt giải thưởng trong bốn, năm năm, mỗi năm hai giải thưởng như trên” (nghĩa là từ 600 đồng đến 750 đồng). Cứ nhẩm tính cũng thấy số tiền là không nhỏ.
Hơn 70 năm sau, trên các quầy sách trải dài khắp hai miền Nam Bắc, tìm mua Nửa chừng xuân không phải là khó, theo tôi điều ấy cũng góp phần nói về “số liệu” mà anh đã hỏi.
Tác phẩm “siêu bán chạy” Nửa chừng xuân, bản in thành sách lần đầu tiên năm 1934,
hiện thuộc sưu tập của Hoàng Minh, bị mất bìa
* Theo nghiên cứu của ông, uy tín học thuật của giải thưởng này như thế nào? Nó tác động đến văn nghiệp của ai nhiều nhất?
- Uy tín Giải thưởng Văn chương Tự lực văn đoàn đã có nhiều cây bút cùng thời, nhiều nhà nghiên cứu lúc ấy đã viết, nghĩa là rất danh giá. Nhìn lại những người đoạt giải ta thấy nếu ai đoạt giải nào thì đời văn của họ ở tầm đó. Ngay cả bài được đăng trên báo của họ (Phong hóa, Ngày nay) cũng lắm uy tín. Theo nhà văn Tô Hoài, ngày đó ai vào con đường văn chương thì phải có bài đăng trên Phong hóa, Ngày nay mới là nổi tiếng.
Nói về tác động đến văn nghiệp, thì tôi nghĩ cũng nhiều. Nói như nhà văn, giáo sư Lê Trí Viễn thì ngày đó văn chương Tự lực văn đoàn là “gan ruột” của mấy anh tiểu tư sản học sinh. Còn nói như nhà văn Nguyên Ngọc thì “từ đấy cho đến nay, tiểu thuyết đã phát triển qua nửa thế kỷ với nhiều đổi thay nhưng về cơ bản chưa thoát ra khỏi mô hình tiểu thuyết do Tự lực văn đoàn tạo ra”.
Nửa chừng xuân lần in thứ 10.
* Tại sao bây giờ, trừ lời khen tặng dành cho nữ sĩ Mộng Tuyết, còn giữ được, chúng ta không còn nhìn thấy văn bằng nào nữa?
- Tôi nghĩ nguyên nhân chính là do chiến tranh. Nói tới chiến tranh thì sinh mạng còn khó giữ huống gì giấy chứng nhận của Giải thưởng Tự lực văn đoàn. Cho nên, bây giờ mà còn được tận mắt nhìn chữ viết của Thạch Lam, chữ ký của các thành viên Tự lực văn đoàn qua “Lời khen tặng” dành cho nữ sĩ Mộng Tuyết, đã gìn giữ hơn 70 năm, thế quả là... quá vui rồi.
Văn Bảy (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất