Tiếp tục ghi nhận các ca mắc COVID-19 rải rác tại 39 tỉnh, thành phố

17/01/2024 18:00 GMT+7 | Tin tức 24h

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết trong tháng 12/2023 đã ghi nhận gần 10.000 ca tử vong do COVID-19, số ca nhập viện tăng 42% và số ca nhập viện cấp cứu tăng 62% so với tháng 11.

Một số quốc gia châu Âu ghi nhận sự gia tăng trở lại các ca mắc COVID-19 cùng với sự lây lan của các bệnh về đường hô hấp khác như cúm mùa và virus hợp bào hô hấp (RSV).

Tại Anh, gần 4.000 bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện trong tuần từ 23 đến 31/12/2023, tăng hơn 65% kể từ đầu tháng 12/2023. Trong tuần đầu năm 2024, trung bình hơn 3.000 người mắc COVID-19 nhập viện mỗi ngày, cao hơn 68% so với đầu tháng 12/2023.

Tại Italy, số người mắc cúm và COVID-19 tăng cao trong hai tuần cuối năm 2023, tỷ lệ lây nhiễm là 17,5 ca trên 1.000 người trong tuần thứ 52/2023 và 17,7 ca trên 1.000 người vào tuần 51 năm 2023. Một số quốc gia châu Âu tiếp tục khuyến nghị thực hiện tốt các biện pháp chống dịch như tiêm chủng, xét nghiệm và đeo khẩu trang (Tây Ban Nha...).

Theo WHO, hiện dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, gần nhất là biến thể JN.1 đã gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu (Biến thể JN.1 thuộc nhóm biến thể cần quan tâm (VOI), theo phân loại của WHO, là biến thể phụ nhánh BA.2.86 của Omicron).

Tiếp tục ghi nhận các ca mắc COVID-19 rải rác tại 39 tỉnh, thành phố - Ảnh 1.

Tiêm phòng dịch Covid-19. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 419 ca mắc COVID-19 và nhập viện rải rác tại 39 tỉnh, thành phố. Số ca mắc tăng 2,4 lần so với 2 tuần trước đó, số ca nhập viện tăng nhưng không có trường hợp nặng, hệ thống điều trị hiện vẫn đáp ứng hiệu quả.

Bộ Y tế cho biết, hiện dịch bệnh truyền nhiễm đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước; không ghi nhận các bệnh dịch nguy hiểm nhóm A; các bệnh truyền nhiễm khác ổn định.

Tuy nhiên, khu vực miền Bắc đang trong giai đoạn vào mùa Đông Xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi thất thường; đây cũng là thời điểm nước ta chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, mùa lễ hội, người dân đi lại, giao lưu nhiều là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan và có nguy cơ gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là với nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, khống chế số mắc, tử vong, ngay từ cuối năm 2023, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân năm 2023-2024; xây dựng kế hoạch các hoạt động phòng, chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán bao gồm thành lập các Đội phòng, chống dịch khẩn cấp, tổ chức và phân công trực chống dịch, chỉ đạo các các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, các địa phương tổ chức trực chống dịch...

Cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới và tại Việt Nam, phối hợp với các tổ chức quốc tế, các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ các biến thể của virus SARS-CoV-2, các tác nhân gây bệnh đường hô hấp khác để kịp thời đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, phù hợp; cung cấp kịp thời các thông tin về tình hình dịch bệnh để người dân biết, không hoang mang, lo lắng nhưng cũng không chủ quan, lơ là.

Các cơ quan xây dựng kế hoạch giám sát trọng điểm lồng ghép giám sát COVID-19 vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm giám sát trọng điểm hội chứng cúm (ILI), giám sát viêm phổi nặng do virus (SVP), giám sát đặc điểm di truyền của virus SARS-CoV-2 để theo dõi các biến thể của virus. Đồng thời thực hiện đánh giá nguy cơ định kỳ và đột xuất, triển khai ngay các đáp ứng trong phòng, chống dịch tương ứng với các mức nguy cơ.

Các cơ sở y tế bảo đảm năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực; tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong các cơ sở y tế, chú trọng bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, người bệnh hồi sức tích cực, thân nhân tạo...).

Để phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có COVID-19, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo mọi người dân không được chủ quan, lơ là và cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân.

Theo đó, người dân đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người; thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.

Bên cạnh thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng; người dân thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.


Bích Thủy/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm