23/12/2008 10:46 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Sau khi nhận được hàng tỉ USD tiền “giải cứu” từ người đóng thuế, các ngân hàng lớn nhất Mỹ lại từ chối bàn luận về việc “tiêu” các khoản tiền đó. Người dân Mỹ đang đòi quyền được thông tin về việc đồng tiền của họ được sử dụng như thế nào.
4 câu hỏi khó
"Chúng tôi cho vay một phần, để lại một phần. Chúng tôi không tiết lộ thông tin cụ thể với công chúng”- Thomas Kelly, phát ngôn viên tập đoàn JPMorgan Chase, vốn nhận được 25 tỉ USD từ kế hoạch giải cứu của chính phủ, nói với AP.
Hãng tin Mỹ đã liên lạc với 21 ngân hàng vốn được nhận ít nhất 1 tỉ USD tiền giải cứu và đặt ra 4 câu hỏi: Bao nhiêu tiền đã được tiêu? Tiền tiêu vào việc gì? Còn lại bao nhiêu tiền và kế hoạch cho số tiền còn lại? Không một ngân hàng nào trong số đó có câu trả lời cụ thể.
“Chúng tôi không cung cấp dịch vụ kiểm soát việc đi ra và đi vào của đồng tiền” - Barry Koling, phát ngôn viên cho SunTrust Banks Inc, nơi nhận được 3,5 tỉ USD tiền “giải cứu”, nói. Một số ngân hàng tuyên bố họ chẳng thể biết nổi tiền hỗ trợ của chính phủ đã đi đâu. “Chúng tôi quản lý vốn trong một khối thống nhất” – phát ngôn viên Tim Deighton của tập đoàn Regions Financial Corp nói. Tập đoàn này đã nhận từ chính phủ 3,5 tỉ USD. Nhưng tới nay số tiền đó tiêu vào việc gì thì họ không biết.
Những câu trả lời kiểu này cho thấy một màn sương mơ hồ đang bao phủ “Chương trình giải trừ các khoản nợ xấu” trị giá 700 tỉ USD, bằng với nền kinh tế Hà Lan, được tạo ra để giúp giải cứu ngành công nghiệp tài chính. Bộ Tài chính sử dụng tiền từ chương trình này để mua cổ phiếu từ các ngân hàng với hy vọng tiền giải cứu sẽ giúp ngân hàng có thể hoạt động trở lại và chấm dứt cuộc khủng hoảng tài chính. Hồi tháng trước, Quốc hội Mỹ đã triệu tập các quản trị viên ngân hàng tới Washington và nhắc nhở họ rằng tiền là để cho vay, phục vụ hoạt động kinh doanh chứ không phải để chi vào tiền thưởng cuối năm, tiệc tùng hoặc mua lại các ngân hàng khác.
Hà hơi tiếp sức cho nền tài chính Mỹ - tranh biếm họa Mỹ |
Quyền được thông tin
Nhưng ít nhất là vào thời điểm này, người ta không thể biết tiền đã đi đâu. “Người dân Mỹ có quyền được biết tiền đóng thuế của họ được tiêu như thế nào” - Elizabeth Warren, quan chức của quốc hội phụ trách việc giám sát kế hoạch giải cứu ngành tài chính nói. Song các ngân hàng không thể đáp ứng điều đó.
Gần như mọi ngân hàng AP đặt câu hỏi, gồm Citibank và Bank of America, hai ngân hàng nhận nhiều tiền giải cứu nhất, đã trả lời bằng việc giải thích chung chung rằng tiền được dùng để củng cố cân bằng chi tiêu và sẽ tiếp tục được được đem cho vay nhằm giải quyết khủng hoảng tín dụng.
Một vài ngân hàng mô tả kỹ hơn như JPMorgan Chase có kế hoạch chi 5 tỉ USD cho các công ty chăm sóc sức khỏe vay vào năm tới. Richard Becker, Phó chủ tịch tập đoàn Marshall & Ilsley Corp, tuyên bố 1,75 tỉ USD tiền giải cứu sẽ cho phép ngân hàng tạm thời ngưng việc thu nhà thế nợ.
Tuy nhiên không một ngân hàng nào có những thông số cơ bản về tài chính liên quan tới việc tiền đã được phân chia và đi tới tay người cần vay như thế nào. “Chúng tôi sẽ không tiết lộ thông tin” - Kevin Heine, phát ngôn viên Bank of New York Mellon, vốn nhận 3 tỉ USD, tuyên bố thẳng thừng.
Những ngân hàng khác cho biết rất khó để lần theo dấu vết của tiền. Bob Denham, một phát ngôn viên cho tập đoàn BB&T Corp., cho biết tiền giải cứu “không có nơi cất giữ riêng” và đã được chuyển thẳng vào nguồn vốn chung. Nhưng ông này lại khẳng định “như đinh đóng cột’ rằng tiền đó không có liên quan tới việc gần đây BB&T Corp mới mua lại một công ty bảo hiểm.
Xiết chặt điều kiện
Nhằm tránh việc tiền bị các tập đoàn tài chính tiêu vô tội vạ, quốc hội Mỹ đang xem xét việc thắt chặt quy định cho vay đối với 350 tỉ USD còn lại trước khi chúng được chuyển cho các ngân hàng. Bộ Tài chính cũng đang xem xét và sẽ tăng cường giám sát việc chi tiêu của các ngân hàng.
Tuy nhiên phản ứng chậm chễ này khiến các quan chức như bà Warren rất ngạc nhiên. “Nếu có một cơ chế minh bạch được thiết lập ngay từ đầu, chúng tôi đã không ở trong tình huống phải gọi tới từng ngân hàng và hỏi họ đã tiêu tiền như thế nào” – bà Warren nói.
Ngay cả nghị sĩ Scott Garrett, một thành viên Ủy ban dịch vụ tài chính Hạ viện, cũng phải đặt câu hỏi: "Tiền đã đi đâu. Tiền được tiêu thế nào. Khi nào chúng ta nhận được bản thống kê về việc tiêu tiền?" Ông cho rằng giá trị đã đảo lộn và nước Mỹ có thể sẽ không bao giờ biết hàng trăm tỉ USD đã chảy về đâu. “Chuyện này thật kỳ cục” – ông nhận xét – “Cách đây một hai năm, nếu chúng ta phát hiện việc người ta tiêu 100 triệu USD cho một cây cầu chẳng dẫn tới đâu cả, chắc chắn một vụ bê bối lớn sẽ nổ ra.”
Gia Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất