Tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi nhắc lại để có miễn dịch bền vững

10/08/2022 12:00 GMT+7 | Bạn cần biết

Sự xuất hiện của các biến thể phụ của Omicron như BA.4, BA.5 khiến dịch bệnh có khả năng lây lan nhanh hơn, làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bùng phát trở lại. Vì vậy, tiêm vaccine vẫn là biện pháp dự phòng hữu hiệu nhất.

Tiêm vaccine Covid-19 khi kháng thể bảo vệ giảm

Tiêm vaccine Covid-19 khi kháng thể bảo vệ giảm

Đến thời điểm này, trên thế giới, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia.

Số ca nhiễm COVID-19 tăng cao trở lại

Với sự lưu hành của biến thể mới của chủng Omicron như BA.4, BA.5, BA.2.12.1... có khả năng lây lan và lẩn tránh hệ miễn dịch cao hơn khiến cho số ca nhiễm COVID-19 tăng cao trở lại. Theo Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, số ca mắc COVID-19 đang gia tăng trở lại. Trung bình những ngày qua, mỗi ngày ghi nhận có 2.000 F0 mới. So với tháng trước, số mắc tăng 22,4%, giảm 2 ca tử vong, tỷ lệ chết/mắc 0,02%. Trong tháng 7/2022, cả nước ghi nhận trên 33.000 ca mắc, 6 ca tử vong.

Tại các tỉnh, thành phố phía Nam, các biến thể phụ BA.4, BA.5 đã bắt đầu chiếm ưu thế. Điều này đòi hỏi các tỉnh, thành phố phải tăng cường giám sát, phát hiện các ổ dịch nguy hiểm.

Trong bối cảnh Việt Nam lại đang phải đối mặt với nhiều dịch bệnh lưu hành khác như cúm A, sốt xuất huyết... và khả năng xâm nhập của bệnh nguy hiểm như đậu mùa khỉ, cùng với dịch COVID-19 tiếp tục đà tăng trở lại, nguy cơ "dịch chồng dịch" là hiện hữu.

Nhấn mạnh tại Cuộc họp lần thứ 16 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (ngày 6/8/2022), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình dịch nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, khó định đoán, nhiều biến chủng mới xuất hiện, trong khi kháng thể vaccine giảm dần theo thời gian.

Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu, dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại, cơ quan, địa phương nào để dịch bệnh bùng phát trở lại phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, trước nhân dân; trong tháng 8, phải hoàn thành tiêm mũi 3, 4 cho các đối tượng chỉ định và mũi thứ 2 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi, bảo đảm đủ vaccine, trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư y tế cho phòng, chống dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine mũi 2 cho trẻ từ 05 đến 11 tuổi. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Tốc độ tiêm vaccine COVID-19 ở một số địa phương vẫn chưa đạt tiến độ theo yêu cầu

Tính đến ngày 8/8/2022, Việt Nam đã triển khai tiêm được hơn 248.793.043 liều vaccine phòng COVID-19, vẫn là quốc gia có số liều vaccine sử dụng và tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới (tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%).

Tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trên tổng dân số là 52%, cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới. Tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển...

Bộ Y tế cho hay, tiến độ tiêm chủng có xu hướng tăng trở lại trong thời gian gần đây. Nửa cuối tháng 7 cả nước tiêm được hơn 7,7 triệu liều vaccine, tăng 34% so với nửa đầu tháng 7.

Tuy nhiên, tốc độ tiêm vaccine COVID-19 ở một số địa phương hiện nay vẫn chưa đạt tiến độ theo yêu cầu, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Thậm chí là có tình trạng né tránh tiêm vaccine ở một bộ phận người dân.

Thủ tướng nêu rõ, phải phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiêm chủng; biểu dương, khen thưởng những người làm tốt, phê bình những người làm chưa tốt, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm. Thủ tướng lưu ý Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần đặc biệt chú ý việc thúc đẩy tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, do số học sinh đông, không gian học tập tại trường hạn chế hơn các địa phương khác.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

Theo Bộ Y tế, hiện nay, với nhóm từ 18 tuổi trở lên, tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 1 (tiêm mũi 3) thấp như Quảng Nam (54,1%); Bình Định (55,7%); Khánh Hòa (54,6%); Đồng Nai (46,6%); Cần Thơ (53,1%); Tỉnh tiêm nhắc lần 2 (mũi 4) thấp: Vĩnh Phúc (33,9%); Bắc Cạn (35,8%); Nghệ An (26,5%); Quảng Trị (32,8%); Đà Nẵng (36,1%).

Với nhóm từ 12-17 tuổi, một số địa phương triển khai tiêm mũi nhắc thấp được điểm danh như Hà Tĩnh (17,8%); Đà Nẵng (13,5%); Phú Yên (9,9%); Bà Rịa-Vũng Tàu (12,1%); Đồng Nai (20,1%).

Riêng với nhóm trẻ em từ 5-11 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 1 mới đạt 72%, trong đó Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đều có tỷ lệ tiêm thấp.

 Chỉ còn 25 ngày để hoàn thành tiến độ tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo yêu cầu của Thủ tướng nhưng tỷ lệ tiêm mũi 2 trên cả nước mới đạt 40%, trong đó vẫn có 5 tỉnh, thành phố tiêm mũi 2 rất thấp dưới 22%.

Tiêm mũi nhắc lại để có miễn dịch bền vững

Hiện nay, theo cán bộ y tế, việc vận động người dân tiêm mũi nhắc lại (3, 4) rất khó khăn. Nhiều người được vận động đi tiêm nhưng chần chừ vì cho rằng mình đã nhiễm COVID-19, đã có kháng thể sau tiêm 2 mũi. Số khác vì phản ứng nặng sau tiêm nên cũng không tiêm mũi nhắc lại”.

Chú thích ảnh
Kiểm tra sàng lọc sức khỏe trước khi tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Về ý kiến cho rằng bị mắc COVID-19 sau khi tiêm mũi 1, mũi 2 là coi như tiêm mũi 3, GS,TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh, khi mắc thì miễn dịch có tăng lên so với tiêm vaccine mũi 1, 2. Tuy nhiên, đáp ứng của mỗi người khi mắc rất khác nhau. Chuẩn hóa hơn nữa là tiêm vaccine mũi nhắc lại, tức là tiêm mũi 3, mũi 4.

 “Đối với người bị mắc COVID-19 khi tiêm mũi nhắc lại, tức là mũi 3, mũi 4, so những người mắc mà không tiêm thì miễn dịch của người đã mắc có tiêm vaccine lâu dài hơn, cao hơn. Có nghĩa là, hiệu lực bảo vệ của họ cao hơn trước các biến thể mới...”, ông Lân nói.

Còn theo PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, kết quả đánh giá về tình hình an toàn tiêm chủng mũi nhắc lại rất tốt, số liệu phản ứng thông thường và phản ứng nặng sau tiêm về cơ bản giống như tiêm mũi 1, 2, thậm chí thấp hơn.

Đến nay, sau 4 đến 6 tháng hoàn thành tiêm mũi cơ bản, đa số người dân đã giảm miễn dịch, đặc biệt những người có bệnh lý nền, người lớn tuổi, người suy giảm miễn dịch còn giảm hơn nữa. Do đó, những đối tượng này cần phải tiêm nhắc lại đúng lịch, đúng liều để duy trì miễn dịch, tránh dịch xâm nhập.

Vì thế, ngoài hướng dẫn cụ thể về tiêm nhắc lại mũi 4 cho người nguy cơ cao như cán bộ y tế, người suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, Bộ Y tế cũng hướng dẫn triển khai tiêm chủng cho những người làm ở các trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, công nhân tại khu công nghiệp.

“Chúng tôi mong muốn lãnh đạo các doanh nghiệp các khu công nghiệp nhận thức đúng đắn, triển khai tiêm vaccine cho công nhân, bảo đảm miễn dịch cho đối tượng này để duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới”, bà Hồng nhấn mạnh.

Tại Cuộc họp lần thứ 16 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (ngày 6/8/2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo phải đẩy mạnh, thần tốc hơn nữa việc tiêm vaccine, bởi vaccine vẫn là vũ khí quan trọng nhất, quyết định nhất trong phòng, chống dịch. Bộ Y tế phải bảo đảm đủ, phù hợp, kịp thời vaccine phòng COVID-19, không để tình trạng thiếu vaccine; tăng cường đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn và thúc đẩy việc tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 tại các địa phương; tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.

Phương Phương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm