Thực hư chuyện "Xe điện bán chạy hơn Tesla, giá rẻ nhất thế giới" sắp lắp ráp tại Việt Nam

22/02/2023 12:11 GMT+7 | HighTech

Thông tin về "chiếc xe điện bán chạy nhất thế giới" có giá tương đương 5.000 usd, sẽ được lắp ráp tại Việt Nam vào cuối năm nay thu hút sự quan tâm của không ít người tiêu dùng.

Rẻ nhất thế giới và bán chạy nhất thế giới?

Tháng 7/2020, chiếc xe ô tô điện 4 chỗ Wuling Hongguang Mini EV ra mắt tại quê nhà Trung Quốc với giá khởi điểm 4.162 đô la Mỹ và 5.607 đô la Mỹ cho phiên bản cao nhất. Mức giá này khiến nó trở thành chiếc ô tô điện rẻ nhất thế giới. Một con số so sánh có thể cho thấy rõ hơn về điều này : Nissan Leaf, chiếc xe điện rẻ nhất tại thị trường Hoa Kỳ, bản tiêu chuẩn cũng đã có giá tới 20.875 đô la, tức gấp 4 lần Wuling Hongguang. Và mặc dầu gần như chỉ bán tại thị trường nội địa Trung Quốc, chiếc xe điện mini giá rẻ này nhanh chóng trở thành "xe điện bán chạy nhất thế giới".

Thực hư chuyện "Xe điện bán chạy hơn Tesla, giá rẻ nhất thế giới" sắp lắp ráp tại Việt Nam - Ảnh 1.

Thực hư chuyện "Xe điện bán chạy hơn Tesla, giá rẻ nhất thế giới" sắp lắp ráp tại Việt Nam - Ảnh 2.

Chiếc xe điện rẻ nhất và bán chạy nhất thế giới

Làm sao một chiếc xe "bán chạy hơn Tesla lại có giá bán rẻ hơn cả tuỳ chọn hộp đựng xì gà trên chiếc Rolls-Royce hay tuỳ chọn CarPlay trên chiếc Ferrari"? Wuling Hongguang Mini EV gây tò mò với cả các chuyên gia xe hơi Âu Mỹ và Nhật Bản. Thậm chí 1 chiếc xe này đã được chuyển từ Trung Quốc về Nhật Bản và Giáo sư Masayoshi Yamamoto tại Đại học Nagoya, quyết định tháo tung nó ra để xem xem Wulling làm thế nào có thể sản xuất ra chiếc xe điện với giá rẻ như vậy. Và GS Yamamoto phát hiện ra rằng hầu hết các linh kiện cấu thành chiếc xe có thể mua dễ dàng ngoài thị trường thay vì là đặt hàng riêng của nhà sản xuất như thông thường. Do đó Mini EV có thể gặp sự cố thường xuyên hơn nhưng sửa chữa cũng sẽ rẻ hơn.

Phóng viên tờ Wired dành thời gian trải nghiệm chiếc xe "kỷ lục" này và phát hiện thêm nhiều điều bất ngờ khác có thể lý giải sự thành công bước đầu và cả những nguy cơ của nó.

Màu sơn là sự hợp tác với "bảng màu của năm" Pantone, nên có đủ lựa chọn bắt trend như phấn hồng, xanh bơ, vàng chanh, hồng đào... Rõ ràng chiếc xe nhắm tới giới trẻ sành điệu và ham thích thay đổi.

Thực hư chuyện "Xe điện bán chạy hơn Tesla, giá rẻ nhất thế giới" sắp lắp ráp tại Việt Nam - Ảnh 3.

Bãi rác ô tô điện ở Hàng Châu, Trung Quốc xuất phát từ sự bùng nổ thị trường ô tô điện giá rẻ và dịch vụ Chia sẻ ô tô

Chiếc xe 2 cửa chở được 4 người, song sẽ không có cốp đựng đồ. Tựa đầu ghế cũng phải "hy sinh" nên sẽ là "thảm hoạ" nếu dùng nó cho chuyến di chuyển dài. Và với mức giá "thô sơ" này, thì tính chất thô sơ của cabin là điều không gây ngạc nhiên, khi chất liệu nhựa cứng được thấy ở mọi nơi, thậm chí có thể nhìn thấy rõ con ốc vít gắn tay nắm cửa xe!

Kích thước nhỏ như một chiếc ô tô siêu nhỏ nổi tiếng- kei car của Nhật Bản- khiến nó di chuyển dễ dàng trên các con đường đô thị chật hẹp. Tuy nhiên với những bánh xe nhỏ chỉ 12 inch, cảm giác sẽ rất trực tiếp khi đi qua ổ gà hay đoạn đường xấu. Tiếng ồn dội từ mặt đường khá rõ, sẽ chỉ dễ chịu hơn khi di chuyển tốc độ thấp. Trang bị an toàn trên xe hầu như cũng không có gì, là lý do khiến chiếc xe này chưa thể vào thị trường phương Tây. Vì theo quy định của Euro NCAP, hệ thống cân bằng điện tử (ESC) là bắt buộc trên các mẫu xe bán ra thị trường, nhưng Mini EV lại thiếu tính năng đó.

Về động cơ, chiếc xe có hai lựa chọn gói pin 9,3 và 13,8 kWh, phù hợp với phạm vi di chuyển tối đa 1 lần sạc là 75 dặm (120 km) và 106 dặm (170 km). Quá trình sạc trên nguồn điện 220V tương ứng mất 6,5 giờ và 9 giờ với 2 tuỳ chọn pin nói trên. Xe không có lựa chọn sạc nhanh.

Với những gì đã thể hiện, Wulling Hongguang Mini EV được các chuyên gia nhìn nhận là một thay thế an toàn và tốt hơn so với việc di chuyển trên xe máy với phạm vi hoạt động chủ yếu trong đô thị hàng ngày. Tuy nhiên cũng như những chiếc xe máy điện một thời từng rất ăn khách tại Trung Quốc và giờ đang tạo nên các bãi rác khổng lồ nơi đô thị, chiếc ô tô điện giá rẻ này cũng tiềm ẩn nguy cơ như vậy. Năm ngoái báo chí đã phát hiện ra hàng nghìn chiếc ô tô điện bị vứt bỏ tại Hàng Châu. Đây vốn là tài sản của một công ty khởi nghiệp với dịch vụ "Chia sẻ ô tô" một dạng cho thuê xe linh hoạt đang nở rộ ở Trung Quốc vài năm nay. Xe giá rẻ càng khiến người tiêu dùng dễ dàng trải nghiệm cảm giác "vứt bỏ".

Theo thông tin ban đầu, chiếc Wuling Hongguang MiniEV sẽ được lắp ráp tại nhà máy ôtô Cửu Long) tại Văn Lâm, Hưng Yên. Đây là sản phẩm hợp tác đầu tiên của Công ty cổ phần ôtô TMT (TMT Motors) với liên doanh đến từ Trung Quốc là GM (General Motors) - SAIC - Wuling (viết tắt SGMW) để sản xuất, lắp ráp, phân phối ôtô điện của liên doanh này tại Việt Nam.

Wulling Hongguang là sản phẩm hợp tác 3 bên. SAIC Motor, tập đoàn ô tô lớn thứ nhì TQ về doanh số, là đối tác lớn nhất, nắm 50,1% cổ phần. Tập đoàn này cũng đang sở hữu thương hiệu xe hơi di sản của Anh quốc MG. Như vậy, tuy vào thị trường Việt Nam qua đối tác khác song Wulling Hongguang có thể xem là người anh em chung mẹ với MG Việt Nam. Chủ sở hữu lớn thứ hai của Wuling, nắm giữ 44% cổ phần, là General Motors, đối tác lâu năm của SAIC. Còn Wulling thực sự chỉ nắm có 5% cổ phần của liên doanh mẹ.


Phan Ka (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm