Thực hiện Quyết định 30/2009/QĐ - TTg và Luật Bảo hiểm thất nghiệp: Thiếu đồng bộ và vướng mắc

08/05/2009 16:43 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Vừa qua, Sở LĐTB&XH TP.HCM đ ã tổ chức cuộc họp với 24 Phòng LĐTB&XH các quận, huyện về việc thực hiện Quyết định 30/2009/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ và Luật Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Hầu hết các ý kiến trong cuộc họp đã chỉ ra nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Ai xác định doanh nghiệp bị ảnh hưởng?

Ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Việc xác định các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế dẫn đến sản xuất đình trệ là điều không dễ dàng. Trong khi Sở LĐTB&XH không chịu trách nhiệm trong việc xác định này.

Bên cạnh đó, ông Xê cũng nêu rõ quan điểm: Theo Thông tư liên tịch 06/2009/TTLT – BLĐTB&XH –BTC ngày 27/02/2009 giữa Bộ LĐTB&XH với Bộ Tài chính chỉ xác định trách nhiệm cho Sở LĐTB&XH số lao động thôi việc, mất việc làm trong các doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế và số tiền lương còn nợ của người lao động đối với các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn.

Mặt khác, Quyết định 30/2009/QĐ – TTg quy định rõ Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính trong vấn đề bổ sung nguồn vốn cho Quỹ quốc gia về việc làm và cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhưng thông tư liên tịch 06 lại không quy định vai trò trên đối với Sở KH&ĐT. Vậy phải chăng có sự thiếu sót trong quy định về việc phối hợp thực hiện giữa các bên liên quan, nên việc xác định doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế diễn ra chậm, thiếu đồng bộ làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động mất việc làm?

Ông Xê cũng cho biết thêm: mới chỉ thấy duy nhất một trường hợp đến làm thủ tục xin được hỗ trợ vốn là Cty dệt may Thành Công theo Quyết định 30/2009/QĐ- TTg về việc hỗ trợ đối với lao động mất việc làm trong các doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế. Điều này phản ánh việc triển khai Quyết định trên còn đang gặp nhiều vướng mắc. Ngoài ra, còn một vấn đề đặt ra là thời điểm xác định doanh nghiệp gặp khó khăn cần được hỗ  trợ là năm 2009, nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế đã diễn ra từ năm 2008 và phần lớn các doanh nghiệp đều vướng mắc khó khăn ngay thời điểm này.

Thực hiện Luật BHTN còn vướng

Trong cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng quy trình thực hiện Luật BHTN năm 2009 còn dài dòng. Việc xác định, thống kê các chủ doanh nghiệp bỏ trốn, số lao động mất việc và lao động tạo được việc làm mới… gặp nhiều khó khăn. Việc đăng ký thất nghiệp tại Phòng LĐTB&XH của người bị mất việc làm và thông báo đã có việc làm không được thực hiện đúng theo luật định, do thiếu am hiểu pháp luật và việc tuyên truyền phổ biến pháp luật chưa hiệu quả.

Nhiều doanh nghiệp đã không thực hiện nghiêm túc việc chốt sổ và giao sổ BHXH cho người lao động bị mất việc. Do vậy, người bị mất việc cũng không thể trong vòng 7 ngày như luật quy định có thể làm trọn thủ tục đăng ký thất nghiệp tại Phòng LĐTB&XH. Đối với những trường hợp người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng đã nghỉ việc, nhưng có tham gia đóng BHTN, khi những người lao động này có việc làm mới, vấn đề đặt ra việc đóng BHTN như thế nào thì vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể.

Hiện tại Sở LĐTB&XH TP.HCM vẫn chưa cập nhật được số lao động mất việc và số lao động được tạo việc làm mới trong quý 2/2009. Qua số liệu của Sở này, quý 1/2009 có 26.500 lao động mất việc, 15.500 lao động thiếu việc do giảm giờ làm, trong đó đã có 21.000 lao động được giải quyết việc làm trở lại trong tổng số 1,6 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Đã có 15 trung tâm giới thiệu việc làm, cơ sở dạy nghề đăng ký tham gia đào tạo nghề miễn phí 6 tháng dành cho lao động thất nghiệp đã đóng BHTN đủ 12 tháng.

Anh Đức – Phan Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm