Trước trận ĐT.LA – HN.T&T: Đá mẫu cho nhau xem

07/07/2011 11:40 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - ĐT.LA từng được biết đến như một trong số ít các CLB ở V-League tạo được hình hài lối chơi có cá tính nhất dưới thời Henrique Calisto. Nhưng giờ, ở V-League 2011, dường như chỉ có mỗi HN.T&T của HLV Phan Thanh Hùng có thể “chơi” bóng theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này. Nhận định ấy là hoàn toàn có cơ sở chứ không hề cảm tính.

“Gạch” của phù thủy người Bồ đã 2 lần lên ngôi vô địch V-League và nhiều năm liền ngự trị trong tốp 3, bằng mỗi bài phòng ngự chặt - tổ chức tấn công nhanh. Biết thế, nhưng rất khó đỡ. Ngay trong hoàn cảnh khó khăn, khát điểm, thì ĐT.LA vẫn không thay đổi quan điểm này. Họ luôn nhập cuộc với tư thế một đội kèo dưới, trước khi tung những đòn phản công sát thủ. Trong sơ đồ 4-2-3-1 biến thể (thực chất là 4 – 3 – 3), vai trò của bộ đôi tiền vệ Tài Em-Minh Phương và 3 mũi công Antonio-Việt Thắng-Tshamala chính là chìa khóa thành công.

Một mặt vẫn thừa nhận, mình đã học được rất nhiều từ thầy Calisto khi còn hợp tác trên tuyển, nhưng cơ chế vận hành lối chơi của HN.T&T với HLV Phan Thanh Hùng không giống với ĐT.LA thời Calisto. Nhà vô địch V-League 2010 chủ động chơi pressing khắp mặt sân, cố gắng giành quyền kiểm soát bóng càng lâu càng tốt, với những đường ban ngắn, nhanh, như thể muốn trêu ngươi đối thủ. Với rất nhiều những “nghệ nhân” ở hàng tiền vệ, đại diện Thủ đô luôn tạo được một sức ép đủ lớn và liên tục lên hàng phòng ngự đối thủ, buộc họ phải hở sườn, mắc sai lầm.

Rất khó để ĐT.LA thắng được một đối thủ như HN.T&T (trái) trong hoàn cảnh hiện nay

Tấn công và tấn công là tiêu chí mà HN.T&T theo đuổi. Với sự linh động của cả một bộ máy, đội bóng của HLV Phan Thanh Hùng có thể chơi với tuyến nghiêng trong cả phòng ngự lẫn tấn công, chứ không chỉ biết bám vị trí, cốt cho tròn vai. Tất nhiên, không phải lúc nào đội bóng cũng thành công và sự thật là HN.T&T vẫn chưa được biết đến như cỗ máy chiến thắng. Nhưng hình ảnh nhà vô địch đã lại được phác họa, sau đế chế “Dream Team” mà HA.GL thiết lập được, cách đây hơn nửa thập niên. Đó là HN.T&T năm 2011.

Sau khi HLV Calisto lên tuyển và không thêm một lần nào nữa quay lại Bến Lức, những người kế nhiệm đã luôn cố gắng tạo dấu ấn bằng những mảng miếng khác nhau, nhưng bất lực. Cuối cùng thì họ vẫn phải thuận theo lối chơi mà HLV Calisto đã dầy công gây dựng từ ngót một thập niên trước đó. Lý do ĐT.LA phải sống mòn từ hơn 3 năm nay, được giải thích bằng những xáo trộn liên miên trong cabin BHL, chất lượng cầu thủ đi xuống, với rất nhiều những bổ sung không thể khỏa lấp được khoảng trống mà các trụ cột để lại…

Mới đây, sau trận thắng ĐT Việt Nam với tỷ số 3 – 1, cũng là trận ra mắt của tân HLV Buketa Ranko, GĐĐH CLB ĐT.LA Phạm Phú Hòa dè bỉu rằng đá mẫu cho ĐT Việt Nam xem vậy thôi?! Nói vui thế thôi, chứ sự thật là ĐT.LA bây giờ rất dễ vỡ, và không thắng “Gạch” thì thắng ai? Bất cứ một sự thất thoát điểm số nào, từ đây cho đến cuối mùa, ĐT.LA sẽ càng cảm nhận được sự chết chóc. Thách thức cực lớn với thuyền trưởng người Croatia, Buketa Ranko, trong việc trục vớt chiến hạm mang tên ĐT.LA thoát khỏi nguy cơ quay lại với giải hạng Nhất.

TÙY PHONG

Sau chuỗi những trận đấu nghèo nàn, người của ĐT.LA đã buộc phải thay đổi tư duy làm bóng đá và nó biểu hiện ít nhất ở cách chi tiền. Một trận thắng với họ có giá thấp nhất 300 triệu đồng tiền tươi, hòa là 100 triệu. Cầu thủ có đồng ra đồng vào, nên phấn khởi hẳn. Trước khi để mất điểm ở đất Thủ (vòng 19, thua B.BD với tỷ số 1-2), ĐT.LA đã tìm được 7/9 điểm tối đa là vì thế. Tuy nhiên, vẫn không nhiều cầu thủ ĐT.LA tin rằng, đội bóng sẽ thoát hiểm.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm