Thư robot: Chuẩn như máy?

19/05/2023 08:15 GMT+7 | Văn hoá

Sophia thân mến! Giữa cái nóng kinh người đang càn quét khắp châu Á, tôi muốn kể với cô về một tin nóng bỏng khác - đó là phiên điều trần của giám đốc điều hành OpenAI, công ty phát triển ChatGPT, trước Thượng viện Mỹ.

Tại phiên điều trần này, ông Sam Altman, giám đốc điều hành OpenAI, đề xuất chính phủ nên can thiệp khi trí tuệ nhân tạo (AI) được đưa vào ứng dụng trong các lĩnh vực y tế, tài chính…

Như những bức thư trước gửi Sophia, chủ đề AI với con người ngày càng trở nên nóng bỏng kể từ khi con người sử dụng AI nhiều hơn trong các lĩnh vực đòi hỏi "cá tính" và dĩ nhiên là "nhân tính" như trong sáng tạo nghệ thuật.

Trong bối cảnh đó, cuộc đình công của hơn 11.500 nhà biên kịch của Hiệp hội Biên kịch Mỹ (WGA) vẫn đang diễn ra. Chuyện biên kịch biểu tình ở Hollywood không mới. Nhưng lần này, các nhà biên kịch đã chỉ ra việc nhà sản xuất áp dụng AI để "xào nấu" kịch bản dẫn đến việc các nhà biên kịch, vốn bị trả công thấp, nay còn bị cạnh tranh bởi một thứ máy móc sản xuất hàng loạt, cóp nhặt và có nguy cơ vi phạm bản quyền.

Thư robot: Chuẩn như máy? - Ảnh 1.

Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman tại phiên điều trần. Ảnh: Bloomber

Nếu ngoái nhìn lịch sử, Sophia có thể thấy "cuộc chiến người và máy" đã kéo dài mấy trăm năm, khởi đầu từ xa xưa khi các công nhân ở châu Âu đập phá máy móc vì cho rằng máy khiến họ mất việc làm. Nhưng AI thì… vô hình. Và các nhà biên kịch ở Hollywood đòi hỏi sự tôn trọng từ phía con người, tức những nhà sản xuất, các chủ đầu tư, khi mà sáng tạo đòi hỏi yếu tố con người, bởi vấn đề mà nhiều người lo sợ là AI hoàn toàn có khả năng mắc sai lầm.

Sophia biết đó, cái sai của AI, tiêu biểu là ChatGPT đã được nói, được bàn, được giễu cợt. Nhưng điều đáng sợ là khi công nghệ dần hoàn thiện hơn, khi con người quá tin tưởng và dựa dẫm vào trí tuệ nhân tạo, có thể dẫn đến những quyết định sai, hay bị thao túng, tệ hơn nữa là lười tư duy, suy nghĩ.

Câu nói "chuẩn như máy" không phải là chân lý.

Tâm sự với Sophia, ngày xưa chúng tôi học phổ thông, làm quen với chiếc máy tính điện tử, chủ yếu phục vụ cho mấy môn toán, lý, hoá. Dùng riết, quen dần, đôi khi những phép tính cơ bản một chữ số, nhiều học trò tụi tôi cũng bấm máy tính, trong khi những phép tính tiểu học đó, nhẩm chút là ra.

Sợ sai là một chuyện, nhưng ẩn sau cái sợ sai đó là việc đánh mất sự tự tin ở khả năng của mình. "Chuẩn như máy" thì có lẽ đúng, nhưng có những chuyện mà con người có thể làm, sao lại quá ỷ vào máy móc được?! Cùng với sự đánh mất tự tin vào trí tuệ cũng như cảm xúc con người, nhân loại sẽ trở nên hoài nghi về ý nghĩa của tồn tại, về chuyện một thứ công nghệ có thể nghĩ thay ta, viết thay ta, vẽ thay ta… Vậy thì điều gì ngăn nó sống thay ta?

Chắc chắn, trí tuệ nhân tạo sẽ còn tiếp tục phát triển. Điều con người cần lo sợ không phải là nó phát triển đến đâu, mà chính là con người đang "dâng" cho trí tuệ nhân tạo quá nhiều thứ mà lẽ ra, bản thân họ phải tự làm, tự kiểm soát.

Sophia thấy đó, giờ thì không công nhân nào nghĩ đến chuyện đập phá máy móc. Mối quan hệ giữa người và máy rốt cục đã tìm được chỗ hài hoà. Sự phát triển của máy móc, công nghệ thể hiện sự phát triển của xã hội loài người. Vì vậy mà con đường tìm sự hài hoà giữa người và trí tuệ nhân tạo phải tiếp tục, chừng nào con người còn chưa đánh mất niềm tin ở chính mình.

Tạm biệt Sophia, hẹn gặp ở thư sau!

An Kha

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm