Dương Hồng Sơn: Số 1 của 10 năm

02/11/2008 16:28 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) -  Hẳn là ông Calisto cũng đang cảm thấy may mắn khi quyết định trả Dương Hồng Sơn về CLB sau Cúp TPHCM hồi tháng 10 đã “được” người ta ngăn cản.
 
Vì sự xuất hiện của Sơn đã giúp đội tuyển “cầm máu”, không thủng lưới và không thua trong 2 trận liên tiếp. Xét trên cả một quá trình, Sơn còn chứng tỏ, anh là thủ môn hay nhất trong khoảng 10 năm qua của ĐTVN.

Trận đấu với Singapore ngày 14/10, phút 51, cú đổ người của Sơn đã chặn đứng cú sút của Agu Casmir khi tiền đạo người da màu nhập tịch của đối phương ra chân chỉ cách khung thành 7m.

Trước đó, trong hiệp một, cú đánh đầu của Bin Isak cũng hay những nó còn chưa hay bằng cú chạm bóng chỉ bằng vài ngón tay của Sơn.

Trận đấu với CHDCND Triều Tiên, giữa hiệp một, Sơn thể hiện khả năng phản xạ nhanh như điện khi cản phá cú quăng chân vô lê của Pak Nam Chol tưởng như đã cháy lưới ở cự ly chưa tới chục mét.
 
Một trong những điểm mạnh của Hồng Sơn là khả năng xử lý bằng chân
cực tốt, không thua kém bất cứ một đồng đội nào ở tuyến trên.

Phút 83, khi tất cả đã gần như bã người ra dưới cơn mưa tầm tã, cú sút chéo góc của tiền đạo vào thay người Ri Hung Ryong ở cự ly chỉ 8m cũng không thể thành bàn vì cái chân của Sơn kịp xoài ra, làm hẹp cả góc sút gần lẫn góc xa.

Thực ra, trên kia mới chỉ là những tình huống cụ thể khi anh lâm vào những tình huống mặt đối mặt. Điểm hay của Sơn còn nằm ở khả năng phán đoán điểm rơi, ra vào hợp lý và rất biết phối hợp với các hậu vệ. Xem Sơn chơi, thấy hao hao giống một thủ môn đã từng chơi cho HPHN và Nam Định: Theophilus Esele người Nigeria, ở một điểm: có khả năng biến thành một libero hỗ trợ cho cặp trung vệ.

Và trên kia không phải tất cả những ấn tượng của thủ môn lớn lên từ lò Sông Lam. Vì trước và trong Asian Cup 2007, Sơn cũng chơi cực tốt, giúp ĐTVN có mặt trong trận tứ kết với Iraq. Đó chính là quãng thời gian cũng tạm đủ để tạm coi là một quá trình.

Sơn cũng có những nhược điểm, nhưng nó không quá lớn, để trở thành chỗ cho các tiền đạo đối phương khai thác, hay từng khiến đội tuyển phải trả giá. Xét về mặt này, Sơn cho thấy anh toàn diện nhất so với các thủ môn đã từng gác đền cho ĐTVN trong khoảng chục năm qua.

Minh Quang, người trở thành thủ môn chính thức của ĐTVN kể từ SEA Games 1999 cho tới Tiger Cup 2004 cũng rất hay trong các pha cản phá không tưởng, nhưng lại dễ chết trong những tình huống ra vào, phán đoán điểm rơi, nhất là các cú tạt bóng từ 2 cánh.

Thế Anh và Quang Huy cũng hay, nhưng chưa thể hay bằng Sơn, vì phần nào đó không có được sự lì lợm của một kẻ “đẻ ra đã có máu lạnh rồi”. Nên nhớ, lì lợm là một yếu tố mà người ta đúc kết, để trở thành một thủ môn xuất chúng, anh buộc phải có nó, vì trong các tình huống đối mặt, chỉ 1 thoáng tỏ ra chùn tay hay sợ hãi của thủ môn thôi cũng sẽ bị các tiền đạo tinh quái nhận ra và đánh bại.

Còn so với Santos, Sơn chỉ thua duy nhất ở quả phát bóng bằng chân để khơi mào cho các pha phản công thần tốc “kiểu Calisto ở Gạch”. Có thể Sơn sẽ không nâng cấp được kỹ năng này, cũng có thể là được, nhưng cái chính là “võ” ấy không có đất diễn ở đội tuyển. Chúng ta đang thiếu những cầu thủ tấn công có đủ tốc độ và sức bền cùng kỹ năng xử lý tinh tế để cầm bóng đột phá trên cả chặng đường dài (tính từ điểm nhận bóng sau quả phá bóng của thủ môn tới khung thành bên kia thường là khoảng 4-50m). Và chúng ta cũng thiếu luôn cả một nhóm cầu thủ có thể tạo nên tam giác, tứ giác làm rường cột cho các pha phối hợp một-hai để chiến thắng trong hầu hết các pha đánh nhanh kiểu 3 chống 3, 3 chống 4 chặng hạn.

Thành ra, việc Santos có quay trở lại đội tuyển hay không bây giờ chỉ có ý nghĩa với riêng bản thân “Tốt” và với cái chung thì nó là một sự cổ vũ cho một chính sách nhập ngoại cầu thủ (nếu có) của BĐVN.

Nếu không, chắc cũng chẳng sao cả, vì có Dương Hồng Sơn ở giữa 2 cột gôn, như thế cũng đã đủ rồi.
 
Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm