Thư gửi robot Citizen: Truyền lửa di sản

17/12/2021 07:38 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!

Góc nhìn 365: 'Mở rộng' vòng Xòe Thái

Góc nhìn 365: 'Mở rộng' vòng Xòe Thái

Như vậy, vào hôm qua, 15/12, hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Trong tuần này, chúng ta đã chứng kiến di sản văn hóa phi vật thể thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh, đó là Nghệ thuật Xòe Thái. Đây cũng là “danh hiệu” thứ 5 của Việt Nam được tổ chức này vinh danh trong năm nay (hồi tháng 11, 2 danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương được UNESCO đưa vào Nghị quyết cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh, năm mất; trước đó nữa, 2 khu Núi Chúa, Kon Hà Nừng cũng được UNESCO công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới”).

Tất cả những điều này không chỉ thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với các giá trị của văn hóa dân tộc, của thiên nhiên Việt Nam mà còn thể hiện sự đóng góp của Việt Nam vào nỗ lực của UNESCO trong bảo tồn di sản, văn hóa và thúc đẩy sự phát triển bền vững…

Chú thích ảnh
Biểu diễn các điệu Xòe Thái mừng sự kiện UNESCO ghi danh Xòe Thái vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Trong niềm vui của Xòe Thái, tôi lại nghĩ đến tác phẩm “Vũ điệu kết đoàn” của bà Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội.Được sinh ra và lớn lên trong môi trường văn hóa đậm đà bản sắc của cộng đồng các dân tộc Tây Bắc, bà đắm mình trong các điệu múa, vòng xòe say đắm lòng người trong tiếng trống chiêng âm vang rừng núi, cùng với những cảm nhận sâu sắc về giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam. “Vũ điệu kết đoàn” của bà là tác phẩm dân ca dân vũ, có ý nghĩa giữ gìn bản sắc văn hóa của 12 dân tộc cư trú tại tỉnh Sơn La và giao thoa văn hóa với các dân tộc khác trong vùng Tây Bắc. Tác phẩm cũng đã được Bộ VH,TT&DL cấpGiấy chứng nhận bản quyền tác giả.

Có lẽ lúc này, niềm vui Xòe Thái đang nhân đôi với bà Phóng.

Nói thế để thấy rằng, việc bảo tồn, phát huy và vinh danh các di sản văn hóa phi vật thể cần sự chung tay của cả cộng đồng, với mọi thành phần trong xã hội.

Chú thích ảnh
Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Khi thế giới ngày càng văn minh thì trách nhiệm của các quốc gia nói chung với việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể càng lớn. Bởi, con người hiện đại không phải ai cũng có xu hướng đi về phía lịch sử, cảm thụ được vẻ đẹp của di sản, nhất là lớp trẻ. Những biến đổi kinh tế, xã hội, kể cả khí hậu, thời tiết… đã khiến cho việc bảo vệ, bảo tồn các di sản ngày càng khó khăn.

Sophia thân mến!

Chúng tôi không phải là ngoại lệ. Trải qua lịch sử hàng ngàn năm, với 54 dân tộc, Việt Nam có một hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng. Ngay Hà Nội thôi đã có đến 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 3 di sản “đại diện nhân loại”, 1 di sản nằm trong danh mục cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO, 1 di sản tư liệu thế giới. Nếu nhân lên các tỉnh, thành thì số lượng cực kỳ phong phú.

Ngành văn hóa đang không ngừng nỗ lực xây dựng và cập nhật các danh mục kiểm kê, tư liệu hóa di sản. Bằng cách này, sẽ đánh giá được số lượng, chất lượng cũng như các di sản có nguy cơ biến mất, nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với những di sản sống.

Đấy là các thao tác kỹ thuật. Quan trọng nhất vẫn là truyền lửa cho các thế hệ trẻ trong cộng đồng trân quý, có ý thức, trách nhiệm hơn với các di sản, thông qua truyền dạy, đưa vào trường học, biểu diễn ở không gian mở...

Trong những năm gần đây, các địa phương cũng đã rất chú trọng việc quảng bá các di sản văn hóa phi vật thể, thông qua các lễ hội. Nhiều di sản đã thực sự được đánh thức, thậm chí mang lại giá trị kinh tế.

Chúc mừng Xòe Thái, mong sao ngày càng có nhiều di sản văn hóa phi vật thể, đóng góp vào sự đa dạng, phong phú của bản sắc văn hóa đất nước, được thế giới vinh danh; và quan trọng nhất là được lưu truyền mãi mãi cho hậu thế.

Tạm biệt Sophia và hẹn thư sau!

Hữu Quý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm