Thư gửi robot citizen: 'Anh thương binh vẫn đến trường làng...'

29/07/2022 07:05 GMT+7

Sophia thân mến! Một câu chuyện hết sức đặc biệt và rất ý nghĩa vừa diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ.

Lịch sử Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7

Lịch sử Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7

Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ”.

Vào sáng 27/07 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã đến Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên quận Thanh Xuân, Hà Nội để tặng Bằng khen cho ông Nguyễn Huy Kỳ, một thí sinh của trung tâm vừa thi đỗ tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2022 vì tinh thần nỗ lực học tập.

Cái sự “đặc biệt” ở đây bởi vì ông Nguyễn Huy Kỳ là một thương binh và là thí sinh cao tuổi nhất của kỳ thi năm nay (82 tuổi).

Sophia thân mến!

Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng chuyện học tập là công việc của học sinh, sinh viên và những nhà nghiên cứu. Với nhiều người, việc học tập gần như đã dừng lại sau cánh cổng trường đại học hay trường nghề.

Thực tế thì việc học tập suốt đời từ lâu đã được thế giới đặc biệt quan tâm bởi đó là nhu cầu tất yếu của con người và xã hội trong thời đại công nghiệp. Giờ đây trước cuộc cách mạng 4.0, thì nhu cầu đó ngày càng bức thiết hơn bao giờ hết.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã trao tặng Bằng khen cho ông Nguyễn Huy Kỳ. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện về nhà bác học Charles Darwin (1809-1882): Vào một đêm mùa Đông, thời tiết lạnh giá, khi mọi người đã ngủ say, con của ông chợt thức giấc và thấy cha đang cặm cụi bên tập tài liệu, liền nói: “Cha đã là nhà bác học rồi, còn phải ngày đêm nghiên cứu làm gì cho mệt?”. Darwin mỉm cười và trả lời con trai rằng: “Bác học không có nghĩa là ngừng học, con ạ".

Tổ chức UNESCO cũng đã định nghĩa rằng, học tập suốt đời là tất cả các hoạt động học tập có chủ đích xuyên suốt cuộc sống của một cá nhân từ khi chào đời cho đến lúc rời xa cuộc sống, theo các phương thức giáo dục chính quy, không chính quy và phi chính quy.

Tôi nhớ cách đây ba năm, cũng vào dịp tháng Bảy thế này, tôi có gửi cho Sophia một bức thư nói về việc học tập thì không bao giờ muộn. Trong lá thư ấy, tôi có kể một số trường hợp tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài, họ là những người mặc dù đã cao tuổi, đã nghỉ làm việc nhưng vẫn đăng ký thi vào đại học, tham gia các khóa đào tạo về ngoại ngữ, âm nhạc... Tinh thần học tập của những học viên, sinh viên ở cái tuổi đã lên ông, lên bà đó đúng là những minh chứng cho câu nói: Học thì không bao giờ muộn cả.

Với “thí sinh” Nguyễn Huy Kỳ, đúng như ông tự nhận, thời trẻ rất ham học nhưng “lận đận” con đường học vấn cho nên mãi đến tuổi già vẫn chưa có được tấm bằng tốt nghiệp THPT. Thời trai trẻ, ông đã từng là một người lính chiến đấu ở chiến trường Lào, và ông bị cụt một chân, phải lắp chân giả. Hiện tại ông là một thương binh hạng 3/4, để đi lại vững vàng, ông phải nhờ đến chiếc nạng.

Trong khi anh thương binh trong một ca khúc của nhạc sỹ Trần Tiến, “vẫn đến trường làng, vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương...”, thì ông Nguyễn Huy Kỳ phải đến năm 2019, do theo đuổi nghề y, yêu cầu công việc cần phải có bằng tốt nghiệp THPT nên ông mới đăng ký theo học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên, tiếp tục chặng đường đèn sách đầy cực nhọc. Kể từ đó, nắng cũng như mưa, ông Kỳ đều đặn đến lớp và rất cầu thị trong học tập mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu.

“Mong muốn của tôi là sau khi tốt nghiệp THPT sẽ tiếp tục theo học lớp y sĩ về Y học cổ truyền” - ông Nguyễn Huy Kỳ chia sẻ dự định của mình. Rõ ràng con đường học hành của ông vẫn chưa dừng lại và đó là hành trình học tập suốt đời.

Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau!

Quốc Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm