75 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ: Sẽ mãi ghi nhớ, sẽ mãi tự hào

27/07/2022 07:55 GMT+7 | Tin tức 24h

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta với tinh thần yêu nước nồng nàn, đã đoàn kết một lòng, không quản gian khổ, hy sinh, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

72 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7/1947 - 27/7/2019: Chuyện ở đầu đường 19

72 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7/1947 - 27/7/2019: Chuyện ở đầu đường 19

Chiếc com-măng-ca của Quân đoàn 3 chạy trong đêm, đưa tôi từ Pleiku, theo đường 19, xuống ga Diêu Trì, lúc 1h sáng. Đây là điểm đầu của con đường nổi tiếng này. Không may, tàu hỏa ra Bắc chậm 2 tiếng! Đi cùng tôi là một sĩ quan thuộc Nhà văn hóa Quân đoàn - đại úy Đỗ Tiến Thụy -và đồng chí lái xe.

Trong các cuộc đấu tranh đó, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Máu đào và sự cống hiến, hy sinh của các thương binh, liệt sĩ để đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do.

Để đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do         

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, để có được những thắng lợi vẻ vang, các thế hệ người Việt Nam đã hy sinh biết bao xương máu và nước mắt để gìn giữ độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc, xây đắp giang sơn tươi đẹp cho muôn đời con cháu.   

Viết tiếp những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc như Bạch Đằng, Chi Lăng, Xương Giang, Đống Đa… ; trong thời đại Hồ Chí Minh, nhân dân ta đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vượt qua muôn vàn thử thách, giành được những thắng lợi vĩ đại. Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên của độc lập, tự do.

Đó là thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là thắng lợi của các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, gìn giữ toàn vẹn non sông.    

Chú thích ảnh
 Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tặng quà cho các đại biểu Người có công với cách mạng toàn quốc năm 2022. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Để viết nên trang sử vàng chói lọi đó, hàng triệu người Việt Nam đã ngã xuống hoặc hy sinh một phần xương máu, tô thắm cho lá cờ chiến thắng của Tổ quốc quang vinh. Hiện cả nước có gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, gần 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính và hàng triệu thương, bệnh binh mang trên mình thương tích, bệnh tật.         

Xin hãy một lần đến các nghĩa trang liệt sĩ ở khắp nơi trên khắp đất nước ta, trong đó có những nghĩa trang với hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ như Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9… để cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh, sự mất mát, đau thương vô hạn của nhân dân và những hy sinh lớn lao mà các thế hệ cha anh đã hiến dâng cho Tổ quốc. Vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, hàng triệu người trong đó phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình, anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường và trong khi làm nhiệm vụ, trong đó nhiều người đến nay vẫn chưa tìm được phần mộ hoặc chưa xác định được danh tính, trên bia mộ chỉ vẻn vẹn dòng chữ “Liệt sĩ không có tên”.        

Trong hàng triệu gia đình liệt sĩ, có những tấm gương đã trở thành biểu tượng của đức hy sinh, tiêu biểu như Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, mẹ đã tiễn 9 người con, 2 người cháu ngoại và 1 người con rể lên đường và cả 12 người không một ai trở về bởi tất cả đều đã hy sinh cho đất nước.        

Và có tuổi đôi mươi trẻ trung phơi phới, gửi lại nơi chiến trường bao ước mộng còn dở dang, như 10 cô gái Đồng Lộc, 11 cô gái và 2 chàng trai Truông Bồn hay 10 cô gái Lam Hạ... Có dòng nhật ký với nét chữ mới vừa viết vội. Có những lá thư tình chưa kịp gửi trao. Có những dự định mãi không thể hoàn thành. Tất cả đã dệt nên một khúc tráng ca về ý chí, lòng quả cảm, về vẻ đẹp bất tử mang tên anh hùng thời đại Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử, được Tổ quốc đời đời khắc ghi.        

Chú thích ảnh
Ảnh phác họa tượng đài mẹ Nguyễn Thị Thứ. Nguồn: Internet

"Đền ơn, đáp nghĩa"         

Tri ân, quan tâm chăm sóc và ưu đãi người có công với cách mạng luôn là chính sách quan trọng hàng đầu, xuyên suốt của Ðảng, Nhà nước ta.         

75 năm qua, công tác chăm sóc người có công với cách mạng đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước triển khai, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật, chính sách về người có công từng bước được hoàn thiện; đối tượng chính sách và chế độ ưu đãi người có công với cách mạng từng bước được mở rộng.       

Cùng với đó, chính sách ưu đãi người có công không ngừng được hoàn thiện theo hướng diện ưu đãi ngày càng được mở rộng, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi từng bước được nâng lên, cao hơn mức lương tối thiểu chung và luôn ở mức cao nhất trong các chính sách xã hội. Hiện cả nước có gần 1,2 triệu người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Trong giai đoạn từ năm 2017-2021, chỉ tiêu mức sống của người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú tăng dần từ 98% đến 98,6%.         

Xác định công tác chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng là trách nhiệm, tình cảm và vinh dự để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã tích cực triển khai và thực hiện có hiệu quả các phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Trong giai đoạn từ năm 2017-2021, số xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ liên tục tăng dần từ là 96,6% đến 99%.         

Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động được hơn 4.900 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước đạt hơn 61.600 sổ với tổng kinh phí là hơn 113,7 tỷ đồng. Xây dựng mới hơn 36.400 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 24.000 nhà tình nghĩa trị giá gần 2.140 tỷ đồng. Phong trào nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng được tiếp tục đẩy mạnh, góp phần tích cực chăm lo đời sống của các đối tượng và gia đình có công với cách mạng, tính đến tháng 12/2021 cả nước có 3.736/139.882 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng. Dịp lễ, tết, kỷ niệm ngày 27/7 hằng năm, ngoài quà của Chủ tịch nước, ở tất cả các địa phương đều tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách. Mới đây nhất, chúng ta đã dành 400 tỷ đồng để tặng quà cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ.         

Công tác xác nhận người có công với cách mạng được triển khai chặt chẽ, công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, 5 năm qua, với tinh thần “không để người có công nào không được tri ân”, với quyết tâm cao và cách làm sáng tạo, đã rà soát trên 7.000 hồ sơ tồn đọng, qua đó đã xác nhận được trên 2.400 liệt sĩ, 2.700 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Phần lớn những liệt sĩ được xác nhận đã hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhiều trường hợp đã hy sinh cách đây trên 70, 80 năm, cá biệt có trường hợp hy sinh cách đây trên 90 năm. Đến nay, toàn quốc đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công.         

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ; nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho người có công với cách mạng được đẩy mạnh. Các trung tâm giám định ADN được đầu tư nâng cấp nhằm đẩy nhanh việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; Trung tâm lưu giữ nguồn gen đã được xây dựng để phục vụ cho công tác xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; điều tra, thu thập thông tin về liệt sĩ, hài cốt liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ còn thiếu thông tin, mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ...         

Việc xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ được các cấp, các ngành chú trọng. Hiện nay, cả nước có trên 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và trên 3.000 các công trình ghi công liệt sĩ. Hàng năm, ở Trung ương và địa phương đều bố trí kinh phí để tu bổ, nâng cấp mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi danh liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ, bảo đảm bền vững, trang trọng…   

Đất nước và nhân dân không bao giờ quên những người anh hùng đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho lý tưởng cao cả. Sự hy sinh của họ trở thành ngọn đuốc thiêng cháy sáng mãi trong mỗi người Việt Nam chúng ta. Tháng 7 lại về với những hoạt động cao điểm trên cả nước trong hành trình “đền ơn đáp nghĩa”, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công.

Và không chỉ là những hoạt động đền ơn, đáp nghĩa cụ thể, nghĩa tình, đây còn là dịp để mỗi người chúng ta đang được hưởng độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất nhắc nhở nhau nâng cao trách nhiệm giữ gìn hòa bình, phát triển đất nước để không phụ lòng các thế hệ đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc.

Phương Dung/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm